Phương Tây, nơi đã sinh ra toàn cầu hóa, hiện đang công khai chống lại chính “đứa con” của mình. Làn sóng chống toàn cầu hoá biểu hiện rõ ràng nhất từ Đông Âu cho đến tiểu bang Ohio miền nam Hoa Kỳ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump người đại diện cho làn sóng dân tuý và Thủ tướng Đức Angela Merkel – lãnh đạo phe toàn cầu hoá

Khoảng một nửa dân số ở Châu Âu và Hoa Kỳ dường như muốn trở lại với thế giới cũ, tồn tại trước những năm 1980. Ở đó các cộng đồng địa phương có quyền kiểm soát nhiều hơn đối với vận mệnh và truyền thống riêng của mình.

Lấy một ví dụ, Cộng hòa Séc đã gia nhập Liên minh châu Âu năm 2004. Tuy nhiên, họ vẫn chưa chấp nhận đồng Euro. Băn khoăn của quốc gia này là liệu EU có đang sáng suốt ngăn cản những cuộc chiến trước đây khỏi bị lập lại, hay đang bóp nghẹt tự do một cách liều lĩnh theo cách thức của Liên Xô cũ từng thực hiện, hoặc là cả hai?

Ở những nơi bị tàn phá bởi quá trình toàn cầu hóa như miền nam Michigan (Mỹ) hoặc Roubaix (Pháp), lớp thanh niên trong độ tuổi 20-30 đang bị thất nghiệp và thường chôn vùi tuổi trẻ ở nhà và không có nhiều hy vọng được trải nghiệm cuộc sống như của cha mẹ họ thời trước toàn cầu hóa.

Những người Đông Âu hiện cũng đang nhận thấy những sự đánh đổi do toàn cầu hóa, vốn đã trở nên phổ biến ở Tây Âu. Họ chứng kiến sự giảm sút từ tỷ lệ kết hôn, khó khăn trong sở hữu nhà ở, cho đến hạn chế trong khả năng nuôi dạy con cái.

Một nửa phương Tây, những người phần lớn sống ở khu vực bờ biển của Mỹ và Tây Âu, thường ưa chuộng toàn cầu hóa. “Những công dân quốc tế” có học thức cao và thích sự đa dạng dân cư này đã rất thành đạt trong các lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, đầu tư, công nghệ, giáo dục và thương mại quốc tế khi thị trường phương Tây cũ chỉ với 1 tỷ người, trong xu hướng toàn cầu hóa đã trở thành thị trường thế giới với 6 tỷ người tiêu dùng.

Những người phương Tây sống ven biển này thường cảm thấy thân thuộc với những người nước ngoài có cùng tư duy như họ hơn cả những người đồng hương nông thôn sống cách họ chỉ khoảng 100 dặm. Và họ không hề e dè trong việc thuyết giảng cho những người anh em, đạo hữu nghèo hơn của họ về định hướng và tham gia chương trình toàn cầu hóa của mình.

Toàn cầu hoá vào cuối thế kỷ 20, cũng có thể hiểu là phương Tây hóa, mang lại rất nhiều lợi ích cho cả các nước phương Tây nghèo hơn và thế giới ngoài phương Tây.  Những người nông dân Séc hiện nay có thiết bị [hiện đại] tương đương với những máy móc  được sử dụng ở [tiểu bang] Iowa (Mỹ). Ngay cả những người sống ở lưu vực Amazon bây giờ cũng có thể tiếp cận thuốc kháng sinh và kính mắt.  Người Hàn Quốc đã sản xuất và hưởng thụ ô tô và ti vi cứ y như thể họ [là người] đã phát minh ra chúng.

Nhưng với tất cả những tiện nghi trên, chúng ta chưa bao giờ thực sự giải quyết được mặt trái của toàn cầu hóa.

Liệu toàn cầu hóa có thực sự đưa mọi người vào một trật tự thế giới chung, hay nó chỉ đơn giản là cung cấp những phương tiện công nghệ cao, mà thường xuyên “nổ tung” cho những nền văn hóa ghét phương Tây, mượn và sao chép lại từ chính nền văn minh phương Tây.

Một kẻ khủng bố Hồi giáo cực đoan IS rõ ràng sẽ không căm ghét nước Mỹ ít hơn chỉ bởi vì hắn sử dụng những sản phẩm do Mỹ sản xuất, chẳng hạn áo hoodie và đi giày đế mềm, và có thể nhắn tin qua thiết bị di động. Nhiều khi thời trang phương Tây và những thứ đồ công nghệ cao chỉ khiến cho những kẻ hồi giáo cực đoan căm ghét các giá trị phương Tây càng trở nên nguy hiểm hơn.

Nếu một sân bay ở Denver [nước Mỹ]  trông giống như một sân bay ở Bắc Kinh, hoặc nếu một máy phóng lựu đạn ở Syria có vẻ giống với những chiếc máy phóng đã được sử dụng tại Fort Bragg [ở tiểu bang North Carolina, Mỹ], thì liệu vì thế mà Trung Quốc và thế giới Hồi giáo cực đoan có trở nên giống như Hoa Kỳ hay không?  Hay họ chỉ đang sử dụng ý tưởng và vũ khí của phương Tây trong khi vẫn khăng khăng bám vào khác biệt sâu xa về văn hoá và lịch sử của mình?

Iran đang khao khát công nghệ hạt nhân đến tuyệt vọng, thứ vũ khí vốn bắt nguồn từ “Đại quỷ Sa-tăng” (từ mà Iran dùng để chỉ Hoa Kỳ trong một số tuyên bố trước đây) , cốt để họ có thể tiêu diệt chính Đại quỷ Sa-tăng.

Một nghịch lý khác của toàn cầu hóa là một thái độ gây hấn thụ động ở bên trong các nước phương Tây.

Tầng lớp chóp bu, những người được hưởng lợi từ quá trình toàn cầu hóa ở Tây Âu, thường có đủ sự giàu có, thời gian nhàn rỗi để có quyền coi thường nó – gần như là một cách để xoa dịu tâm can tội lỗi của họ đối với địa vị cao quý này.

Không có khi nào trong lịch sử nền văn minh phương Tây, những sinh viên đại học Mỹ đã từng được nuông chiều như hiện nay – với các quán bar, cà phê, những chuyên gia tư vấn về chấn thương tâm lý, các bức tường leo núi và các hiệp hội sinh viên cao cấp – ấy thếmà vẫn luôn chê bai nền văn minh toàn cầu dù nó đã đảm bảo cho họ những tiện nghi này.

Những người ở thế giới Thứ ba trước đây, liên tục nhiếc móc phương Tây về tội lỗi của chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân và sự bóc lột của tư bản phương Tây, trong khi hàng triệu công dân của họ lại mạo hiểm sinh mạng để vượt biển Địa Trung Hải sang Châu Âu  hay biên giới Hoa Kỳ – Mexico để có được cuộc sống ở phương Tây.

Phải chăng thông điệp của họ là: “Tôi căm ghét phương Tây, vì vậy hãy để cho tôi vào”?

Sự sùng bái đa văn hóa cũng là một nghịch lý. Trong quá trình toàn cầu hóa, phương Tây tìm cách mở rộng các giá trị của nó cùng với các sản phẩm như iPhone, cứ như thể các giá trị phương Tây là được ưa thích hơn rất nhiều so với các giá trị khác.

Nhưng nguyên lý chủ đạo của chủ nghĩa đa văn hóa toàn cầu, là không phán xét các nền văn hoá khác bằng các tiêu chuẩn phương Tây “độc đoán”.  Tầng lớp tinh hoa phương Tây tin rằng những ý tưởng riêng của họ về dân chủ, về cách đối xử với các nhóm thiểu số, và sự bình đẳng trước luật pháp, là ưu việt hơn các ý tưởng ở nơi khác – và một số người trông đợi phần còn lại của thế giới cuối cùng sẽ giống như  [thành phố] Malibu [tiểu bang California] , [thành phố] Palo Alto [tiểu bang California] hay Khu vực Cao hơn phía Tây của Manhattan [tiểu bang New York].

Vì vậy, nếu Iran hoặc Chechnya đàn áp những người đồng tính hoặc nếu các xã hội Ả Rập truyền thống thể chế hóa ‘hình thức cắt bỏ bộ phận sinh dục phía ngoài của người phụ nữ’, thì họ có phải là những người bị hội chứng sợ và kì thị người đồng tính luyến ái và căm ghét đàn bà hay đơn thuần chỉ là những người khác biệt về văn hoá?

Và những người phương Tây nhìn nhận  những mối ác cảm và sự áp bức ở nước ngoài theo một cách khác, cho dù họ sẽ không bao giờ làm như vậy ở trong nước?

Trong thực tế, toàn cầu hóa chỉ là một chất amphetamine [một thứ thuốc có tác dụng kích thích]. Nó làm tăng tốc độ và thay đổi hành vi trên bề mặt. Nhưng chúng ta hãy đừng tự lừa gạt mình với suy nghĩ rằng toàn cầu hóa đã làm thay đổi căn bản bản chất và văn hóa của những người mà nó tác động tới.

Tác giả Victor Davis Hanson

Duy Minh biên dịch

Xem thêm: