Hôm thứ Sáu (ngày 13/7) Bộ Thương mại Mỹ công bố chính thức dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với ZTE, nhưng vẫn sẽ tiếp tục theo dõi hoạt động kinh doanh của ZTE. Bộ Thương mại Mỹ đã giữ lại ba biện pháp để đảm bảo rằng ZTE sẽ không tái phạm.

lệnh cấm zte

Bộ Thương mại Mỹ vừa công bố việc dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với ZTE (Ảnh: Getty Images)

Chính thức dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với ZTE

Trong một thông cáo báo chí cùng ngày (ngày 13/7), Bộ Thương mại Mỹ cho biết trước đó ZTE đã chi một khoản tiền đảm bảo là 400 triệu USD (đô la Mỹ) cho một bên thứ ba được ủy thác, cộng thêm 1 tỷ USD đã nộp phạt vào tháng trước thì tổng số tiền nộp phạt và gửi bảo đảm là 1,4 tỷ USD. Theo thỏa thuận hòa giải hồi tháng Sáu, Bộ Thương mại Mỹ đã dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với ZTE.

Sau khi lệnh cấm được dỡ bỏ, ZTE có thể tiếp tục mua sắm linh kiện từ các công ty Mỹ, điều đó có nghĩa là ZTE có thể phục hồi lại hoạt động sản xuất bình thường. Tuy nhiên, Bộ Thương mại Mỹ nhấn mạnh rằng họ sẽ tiếp tục theo dõi hoạt động kinh doanh của ZTE để đảm bảo doanh nghiệp tuân thủ luật pháp và quy định của Mỹ.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Ross cho biết, mặc dù lệnh cấm đã được dỡ bỏ, nhưng Bộ Thương mại đã giữ lại ba biện pháp để bảo vệ an ninh quốc gia của Mỹ: Lệnh cấm vận đối với ZTE chỉ là tạm thời đình chỉ, tiền bảo đảm 400 triệu USD, và cho một nhóm giám sát làm việc thường trực tại ZTE.

Theo thỏa thuận giải quyết đạt được vào tháng Sáu, ngoài tiền phạt và tiền gửi thì ZTE cũng đã thay thế tất cả nhân sự quản lý.

Ngoài ra, theo thỏa thuận, Bộ Thương mại Mỹ sẽ gửi nhân sự đến thường trú trong ban quản lý ZTE để theo dõi việc kinh doanh của ZTE để đảm bảo công ty này không tái vi phạm các quy định. Chi phí cho nhân viên thường trú là trách nhiệm của ZTE.

Nhiều nhà quan sát chỉ ra, đây có thể là lần đầu tiên kể từ khi thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc mà Trung Quốc chấp nhận cho người nước ngoài đóng trú trong công ty Trung Quốc để giám sát thực thi pháp luật nước ngoài, có nhận định cho rằng đây là “nỗi nhục quốc thể”.

Nhưng “án tử hình” vẫn còn bỏ ngỏ

Ngoài ra, mặc dù Bộ Thương mại Mỹ đã dỡ bỏ lệnh cấm vận ZTE, nhưng “án tử hình” đối với ZTE vẫn chưa “sửa đổi” hoàn toàn.

Trước đó, Thượng viện Mỹ đã thông qua bản sửa đổi “Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng” (National Defense Authorization Act, NDAA), bổ sung các điều khoản để ngăn chặn việc dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với ZTE. Nhưng không có điều khoản nào liên quan trong bản sửa đổi “Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng” được Hạ viện thông qua. Hiện tại, lưỡng Viện đang phối hợp làm việc để cho ra phiên bản cuối cùng, có nghị sĩ đang nỗ lựa thuyết phục Quốc hội xóa bỏ điều khoản này.

Mặc dù khả năng không phải là quá lớn, nhưng nếu các điều khoản bổ sung liên quan vẫn được giữ lại trong phiên bản cuối cùng với sự phối hợp làm việc của lưỡng Viện, như vậy lệnh cấm vận đối với ZTE có thể bị buộc phải tiếp tục thực hiện cho dù Tổng thống Mỹ Trump đã ký thành luật chính thức. Mặc dù Tổng thống Mỹ có quyền phủ quyết Đạo luật Quốc hội, nhưng “Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng” liên quan đến an ninh quốc gia, khả năng phủ quyết của Tổng thống không cao.

Huệ Anh

Xem thêm: