Giới chức California hôm thứ Sáu (13/10) cho biết khu vực cháy rừng tại miền bắc California đã được kiểm soát. Tuy nhiên, số nạn nhân tử vong đã lên đến ít nhất 32 người và con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng khi đội ngũ cứu hộ đẩy mạnh tìm kiếm hơn 250 người còn đang mất tích.

Embed from Getty Images

Thị trấn Santa Rosa, thuộc quận Sonoma chỉ còn lại một màu xám tàn tro sau khi bão lửa quét qua.

Reuters cho hay tính đến thứ Sáu (13/10), ngọn lửa bùng phát từ đêm Chủ Nhật (8/10) lan ra thành khoảng 17 đám cháy trên 8 quận toàn miền bắc California, thiêu rụi khoảng hơn 89.000 héc-ta thảm thực vật, cỏ khô và cây rừng.

Phòng phòng chống cháy rừng California (Cal Fire) nói rằng hiện tại có thể cho phép hơn 25.000 người dân sơ tán trở về nhà. Tuy nhiên, cơ quan này vẫn cảnh báo thời tiết nóng, khô và gió mạnh có thể khiến lửa bùng phát nguy hiểm trở lại.

Theo Reuters, đội ngũ lính cứu hỏa và cứu hộ mặt đất đang nỗ lực chạy đua với thời gian để dọn sạch thảm thực vật khô dọc theo các dải lửa phía nam, loại bỏ các vật liệu dễ cháy ở các khu vực đông dân trước khi khí nóng và gió mạnh được dự báo sẽ trở lại vào cuối tuần.

Trong buổi họp báo vào chiều thứ Sáu (13/10), ông Bret Gouvea, phó phòng Cal Fire cho biết: “Chúng tôi đã yêu cầu lực lượng quân đội ra khỏi khu vực cháy và chủ yếu bảo vệ ở các khu vực phía nam của các đám cháy để chuẩn bị đón các cơn gió mạnh thổi từ hướng bắc tới”.

Embed from Getty Images

Các nhà chức trách cho rằng các cột điện bị đổ do gió mạnh trong đêm Chủ Nhật (8/10) có thể là nguyên nhân bùng phát cháy lớn. Tuy nhiên, lý do chính thức dẫn tới vụ hỏa hoạn thảm khốc này vẫn cần phải chờ kết quả điều tra cuối cùng.

Cal Fire cho biết các đám cháy đã phá hủy ít nhất 5.700 căn nhà dân sinh và các tòa nhà khác. Trong đó, thiệt hại nặng nề nhất là ở thị trấn Santa Rosa, thuộc quận Sonoma, nơi mà hiện nay gần như chỉ còn lại tàn tro màu xám khi bão lửa quét qua.

Nhiều nạn nhân tử vong do vẫn còn đang ngủ khi ngọn lửa ập tới, một số khác chỉ có vài phút để trốn chạy và may mắn sống sót.

Thị trấn Calistoga thuộc Thung lũng Napa, vựa nho nổi tiếng tại California, là khu vực vẫn đang ở mức nguy hiểm cao. Hơn 5.000 dân của thị trấn này đã được lệnh sơ tán từ đêm thứ Tư (11/10) khi bão lửa quét qua, len lỏi trong khoảng 3,2km toàn khu đô thị.

Phát ngôn viên của Cal Fire, ông Dennis Rein nói với Reuters rằng vào đêm thứ Sáu 13/10 (giờ địa phương), các đám cháy tiếp tục lan dọc theo các dãy núi hướng nhìn ra Calistoga, đe dọa sẽ tiếp tục đổ lửa vào thị trấn nếu có gió mạnh thổi từ hướng bắc như dự báo.

Ông Bret Gouvea cho biết các cộng đồng khác cũng đã lên phương án dự phòng trong trường hợp lửa bùng phát trở lại vào cuối tuần. Riêng thị trấn Santa Rosa, người dân sơ tán đã được phép trở về nhà do không còn nguy hiểm nữa.

Với hơn 30 nạn nhân đã được xác nhận tử vong, vụ hỏa hoạn lần này gây tổn hại về sinh mạng lớn nhất cho bang Califonia từ trước tới nay, vượt qua thảm hỏa cháy Công viên Griffith năm 1933 khiến 29 người chết.

Cảnh sát trưởng Quận Sonoma, Robert Giordano thông báo với báo giới rằng hầu hết những người trong danh sách hơn 1000 người gặp nguy hiểm ban đầu đã được xác nhận an toàn. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng hơn 250 vẫn đang mất tích.

Ông Giordano nói thêm rằng chính quyền California đã điều động 45 đội tìm kiếm-cứu hộ và 18 đội thám tử tới rà soát tất cả các khu phố bị tàn phá nhằm tìm kiếm các nạn nhân.

Các đám cháy tại vùng trồng nho nổi tiếng của nước Mỹ gây tổn hại lớn cho ngành du lịch nơi đây và đã làm hư hại và phá hủy ít nhất 13 trang trại sản xuất rượu vang tại Thung lũng Napa.

Theo Trung tâm Chữa cháy Liên ngành Quốc gia Hoa Kỳ, năm nay là một trong những mùa cháy rừng tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ với gần 3,5 triệu héc-ta bị thiệu rụi cho tới nay. Con số thiệt hại này chỉ xếp sau năm 2012. Mùa cháy rừng tồi tệ nhất của nước Mỹ là vào năm 2015 với khoảng gần 3,9 triệu héc-ta rừng bị tàn phá.

Xuân Thành (T/h)

Xem thêm: