Theo báo cáo Chính phủ, trong giai đoạn tháng 1 – 3/2017, kinh tế Trung Quốc đạt mức tăng trưởng thực tế nhanh hơn, chủ yếu là nhờ đẩy mạnh đầu tư công và sự nóng lên của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, nền tảng của tăng trưởng này là không bền vững và có thể mang lại rủi ro bong bóng tài sản lớn.

Theo ước tính sơ bộ, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc tăng 6,9% trong năm với dự đoán tốc độ tăng trưởng của quý II cũng ở mức cao.

Chi tiêu cho phát triển cơ sở hạ tầng đã thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc trong quý I/2017

Đầu tư công kéo tăng trưởng

Đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng như đường xá và sân bay đã tăng vọt lên 23,5%. “Các quan chức chính phủ và địa phương đã gia tăng đầu tư để đạt được thành tích tăng trưởng kinh tế” trước kỳ đại hội Đảng Cộng sản vào mùa thu này, một nguồn tin từ Đảng cho biết.

Chi tiêu của Chính phủ tăng 21% trong quý một, mua sắm trang thiết bị xây dựng hạng nặng tăng gần gấp đôi lên 40.000 đơn vị, và sự gia tăng nhu cầu cũng lan rộng đến các ngành công nghiệp khác.

Hồi đầu năm, văn phòng đại diện tại Trung Quốc của một nhà sản xuất thép Nhật Bản tầm cỡ đã nhận được một cuộc gọi từ giám đốc bộ phận mua hàng của một công ty xây dựng bản địa. Công ty này đã đề nghị mua thép ngay cả khi mức giá khá cao.

Chênh lệch về cung-cầu đối với thép Trung Quốc đã thu hẹp mạnh trong bối cảnh quốc gia này tìm cách cắt giảm sản lượng dư thừa, trong khi các chính quyền khu vực tăng chi cho cơ sở hạ tầng. Điều này đẩy giá thép tăng 20-30% kể từ mùa hè năm ngoái. Sản lượng thép thô cũng tăng 4,6% so với cùng kỳ và tăng hơn 1,2% so với toàn năm 2016. Tuy vậy, một số công ty Trung Quốc vẫn đang thiếu hụt nguồn cung.

“Điều này chưa bao giờ xảy ra trước đây,” một nhà quản lý của một nhà sản xuất thép Nhật Bản đã rất ngạc nhiên.

Bong bóng bất động sản

Bất động sản cũng là một động lực tăng trưởng chính khác, đầu tư bất động sản tăng trưởng 9,1% trong quý I/2017, cao hơn hẳn mức 6,9% của toàn năm 2016. Giao dịch đất nền dự án tòa nhà thương mại cũng tăng vọt lên 19,5%.

Bắc Kinh đã thắt chặt các quy định về đầu tư ở nước ngoài kể từ cuối năm 2016 nhằm hạn chế sự tháo chạy các dòng vốn ra khỏi Trung Quốc. Giáo sư tài chính Chen Zhiwu của Đại học Yale (Mỹ) cho rằng, hiện nay tiền không còn chảy ra ngoài nữa nhưng lại đang quay trở lại trú ngụ vào bất động sản trong nước Trung Quốc.

Theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia, đầu tư bất động sản đóng góp khoảng 10% tăng trưởng của Trung Quốc trong quý I. Nếu tính cả các khoản chi tiêu liên gắn liền bất động sản như đồ nội thất và đồ gia dụng thì tỷ lệ đóng góp thật sự còn lớn hơn nữa.

Nguy cơ khủng hoảng

Tăng trưởng thúc đẩy bởi chi tiêu cơ sở hạ tầng và bất động sản có tác dụng phụ rất lớn. Thứ nhất, giá căn hộ ở Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến đã tăng cao hơn cả tại Tokyo trong thời kỳ nền kinh tế Nhật Bản chứng kiến bong bóng bất động sản.

Và nếu Trung Quốc giảm thiểu kiềm chế lên ngành sản xuất thép để đáp ứng đủ nhu cầu xây dựng hiện tại, nó có thể dẫn đến nguy cơ khủng hoảng thừa thép sau này.

Trong khi GDP danh nghĩa tăng 1.900 tỷ NDT (276 tỷ USD) trong quý 1 so với cùng kỳ năm ngoái, thì khoản nợ đi kèm cũng tăng đáng kể. Cụ thể, nợ trong vay hộ gia đình và nợ doanh nghiệp đã tăng lên 6.900 tỷ NDT – gấp 3,6 lần mức tăng GDP.

Theo một cuộc điều tra vào tháng 3 của Cục Thống kê, hơn 1/2 số doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp khó khăn về tài chính. Rủi ro vỡ nợ trái phiếu vẫn ở mức cao, các ngân hàng vừa và nhỏ buộc phải nhận thêm các khoản nợ ngắn hạn, đồng thời đầu tư nhiều hơn vào trái phiếu trung và dài hạn cũng như các công cụ tài chính khác.

Trong báo cáo thường niên về hoạt động của Chính phủ vào tháng trước, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã đề cập đến các rủi ro tài chính. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, thận trọng trước chính sách nới lỏng tiền tệ vô tội vạ, đã tăng lãi suất ngắn hạn. Lãi suất cho vay một năm hiện cao hơn 1,5 điểm phần trăm so với đầu năm 2016. Ngân hàng Trung ương cũng có xu hướng thắt chặt thanh khoản trên thị trường.

Theo Nikkei
Chân Hồ

Xem thêm: