Trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang với Mỹ, Trung Quốc đang tìm cách ngụy trang xuất xứ hàng hóa nước này dưới tên “made in Vietnam” nhằm né tránh thuế. Nếu chiến lược này được thực thi thành công, nhiều khả năng hàng hóa Việt Nam sẽ bị vạ lây đòn trừng phạt thuế của Tổng thống Trump.

trung quoc thuc day du an o bien gioi phia Bac
Trung Quốc đang lên kế hoạch xây dựng “khu vực thương mại xuyên biên giới” tại các tỉnh phía bắc Việt Nam nhằm tìm nơi trú ẩn cho hàng hóa xuất sang Mỹ. (Ảnh: SCMP)

Tờ South China Morning Post (SCMP) cho biết các khu vực ngoại quan (bonded areas) có thể cung cấp nơi trú ẩn cho các hàng hóa Trung Quốc bị Mỹ đánh thuế – nếu Bắc Kinh thuyết phục được các quan chức Việt Nam đồng ý hợp tác.

Nơi trú ẩn cho hàng Trung Quốc xuất sang Mỹ

Nếu như xung đột thương mại Mỹ – Trung là một biến cố không mong đợi đối với Trung Quốc, thì nó lại được xem là một cơ hội cho tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) – nơi đang có đến 7 “khu vực thương mại xuyên biên giới” với Việt Nam được lên kế hoạch.

Ý tưởng là biến các khu vực xuyên biên giới Trung-Việt thành nơi lắp ráp sản phẩm rồi gắn nhãn “made in Vietnam” cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc.

Theo SCMP, các khu vực ngoại quan này là một phần của kế hoạch hợp tác sâu rộng được ký kết giữa Bắc Kinh và Hà Nội vào năm 2017, nằm trong khuôn chiến lược “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc.

Nếu kế hoạch được triển khai, các khu vực này sẽ trở thành nơi trú ẩn lý tưởng cho các công ty xuất khẩu của Trung Quốc đang bị ảnh hưởng bởi hàng rào thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Một trong những khu vực này là thị xã Bằng Tường, thuộc thành phố Sùng Tả (giáp ranh với các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh). Phó Chủ tịch Sùng Tả ông Lu Hui cho biết họ muốn tạo ra một khu hợp tác với Việt Nam được “tự do điều chuyển công nhân, vốn và nguyên vật liệu.”

Ông Lu cho biết các sản phẩm được sản xuất trong khu vực này có thể được dán nhãn là “có xuất xứ từ Việt Nam” hoặc “có xuất xứ từ Trung Quốc”.

made in Vietnam
Trung Quốc đang lên kế hoạch phủ áo choàng made in Vietnam lên hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ. (Ảnh minh họa: just-style.com)

Các nhà xuất khẩu Trung Quốc đang cố gắng chuyển các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc “sẽ bị đánh thuế khi xuất trực tiếp tới Mỹ” sang các nước thành viên ASEAN, ông Wang Fanghong, người đứng đầu chi bộ Đảng Cộng sản tại Bằng Tường cho hay.

Việc dịch chuyển này không những có thể giúp các công ty Trung Quốc tránh né hàng rào thuế quan của Mỹ, mà còn tận dụng được nguồn nhân công giá rẻ tại Việt Nam.

Theo các quan chức Trung Quốc, các công nhân ở Thâm Quyến và Quảng Đông được trả lương trung bình 5.000 Nhân dân tệ (NDT)/tháng (tương đương 750 USD), cao hơn nhiều so với mức thu nhập 12 đến 15 USD một ngày của nhân công miền bắc Việt Nam.

Trong khi đó, chính quyền Washington và Việt Nam cũng bắt đầu một cuộc điều tra chung về các trường hợp được tuyên bố là hàng có xuất xứ từ Việt Nam trong khi chúng thực sự được sản xuất tại Trung Quốc và xuất qua ngả Việt Nam nhằm tránh bị Hoa Kỳ đánh thuế.

Ngày 21/5 vừa qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã thông báo chính thức áp thuế nhập khẩu rất cao (thuế chống bán phá giá 199,76% và thuế chống trợ cấp 256,44%) đối với các sản phẩm thép của Việt Nam có nguồn gốc Trung Quốc, sau khi Washington có kết luận cuối cùng về việc các sản phẩm thép này đã lẩn tránh lệnh chống bán phá giá và chống trợ cấp của Hoa Kỳ áp lên mặt hàng thép Trung Quốc.

Trung Quốc tìm kiếm giải pháp chống lại ‘cơn thịnh nộ’ của ông Trump

Ý tưởng tạo ra các khu vực mậu dịch xuyên biên giới để tạo thuận lợi cho thương mại không phải là mới, chính phủ Trung Quốc từng thúc đẩy các dự án tương tự với Myanmar, Lào, Nga và Kazakhstan – mặc dù nỗ lực thiết lập một khu vực tương tự với Bắc Triều Tiên đã thất bại.

Theo thỏa thuận với Việt Nam, Trung Quốc sẽ đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng cho các khu vực dọc biên giới – bao gồm các cơ sở được thiết kế để đẩy nhanh thủ tục hải quan và vận chuyển hàng hóa qua các trạm kiểm soát dễ dàng hơn. Các cơ sở dự kiến ​​sẽ trải dài từ 20 – 100 km2 ở cả hai bên đường biên giới.

Công ty Đầu tư Thịnh Vượng Jingxi Quảng Tây là một trong những công ty được chính quyền Trung Quốc hậu thuẫn đầu tư vào các khu vực này.

Xiong Hongming, Phó chủ tịch của công ty này cho biết họ được Bắc Kinh cung cấp gói ngân sách 3 tỷ NDT cho phát triển đầu tư ở khu vực cửa khẩu Long Bang (Trung Quốc) – Trà Lĩnh (Việt Nam). Công ty của ông đã chi 1,9 tỷ NDT cho phần lớn các công trình ở phía biên giới Trung Quốc.

cua khau Tra Linh
Cửa khẩu Trà Lĩnh. (Ảnh: caobangtv.vn)

Ông Xiong cũng thừa nhận rằng một chức năng của khu vực này sẽ là cung cấp cho các nhà sản xuất ở Đại Lục có cơ hội “né tránh hàng rào thuế quan nặng nề của Washington đối với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc”.

Hiện tại, theo SCMP, nhiệm vụ cấp bách nhất của Xiong là sắp xếp các cuộc họp với các cán bộ cấp cao ở phía bên kia biên giới tỉnh Cao Bằng, để đảm bảo phía bắc Việt Nam luôn cam kết với kế hoạch.

Ông Xiong cho biết sẽ bắt đầu với đề nghị đưa 100 nhà sản xuất Trung Quốc sang thiết lập nhà xưởng ở khu vực biên giới phía Việt Nam, nơi mà gói tín dụng đầu tiên sẽ cấp vốn cho các công trình khởi công xây dựng. .

Theo Liu Kaiming, người đứng đầu Viện Quan sát đương đại ở Thâm Quyến – một tổ chức phi chính phủ giám sát điều kiện làm việc của các nhà sản xuất Trung Quốc – thông qua các khu vực này, các nhà xuất khẩu Trung Quốc đang có nhu cầu tìm kiếm một số loại bảo vệ nhằm chống lại cơn thịnh nộ thương mại của ông Trump.

Ông Liu nói thêm rằng các khu vực mậu dịch xuyên biên giới có thể là một nền tảng thử nghiệm tốt cho các doanh nghiệp định hướng xuất khẩu của Trung Quốc có ý muốn vận chuyển hàng hóa qua các quốc gia khác để xuất khẩu sang Mỹ, hoặc thậm chí di dời hoạt động đến những nơi khác trong khu vực.

“Nhưng vấn đề là, liệu chính phủ Việt Nam có đồng ý hợp tác hay không”, ông Liu nói.

Nếu đồng ý, các khu vực phía Bắc sẽ được Trung Quốc “rót” lượng lớn tiền cho phát triển cơ sở hạ tầng – vốn nằm trong gói ngân sách dành cho chiến lược “Một vành đai, một con đường” của chính quyền Bắc Kinh.

Trong đó, dự luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt với 2 đặc khu Vân Đồn và Bắc Vân Phong đều nằm trong đường Vành đai của Trung Quốc, và một đặc khu khác là Phú Quốc có vị trí chiến lược, gần kề với đặc khu Sihanoukville của Campuchia trên Vịnh Thái Lan – một mắt-xích trọng yếu trong kế hoạch “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc ở khu vực tiểu vùng sông Mê Kông – tạo lợi thế lớn cho Trung Quốc tại một trong những tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất trong khu vực.

Rủi ro là các dự án của Trung Quốc thường đòi hỏi đi kèm với công nghệ và nhân công Trung Quốc. Thêm vào đó, việc cho phép thành lập các khu vực mậu dịch xuyên biên giới này nhiều khả năng sẽ khiến hàng hóa Việt Nam bị vạ lây đòn trừng phạt thuế của Tổng thống Trump.

Chân Hồ (T/h)

Xem thêm: