Câu trả lời là không, theo các chuyên gia của tờ Nhật báo phố Wall.

Embed from Getty Images

Các chuyên gia tài chính cho rằng bất chấp nhiều cám dỗ, rủi ro thị trường và pháp lý ở thời điểm hiện tại là quá lớn.

Bây giờ có phải là lúc các nhà đầu tư cá nhân nên đầu tư tiền vào bitcoin? Đó là một câu hỏi mà các nhà tư vấn tài chính không ngừng nghe thấy trong thời gian gần đây.

Theo thống kê từ hệ thống ICO Tracker (thống kê các dự án ICO đang được triển khai) của CoinDesk, với giá trị tăng lên gấp 4 lần trong năm nay, và hàng loạt các vụ ICO đình đám đã giúp thu về hơn 2 tỷ USD, điều này đã thu hút số nhà đầu tư quan tâm đến các loại tiền tệ số đang không ngừng tăng lên.

Theo CoinDesk, đầu tuần này (9/10), giá bitcoin đã giao dịch ở mức 4.880 USD sau khi kết thúc năm 2016 ở mức khoảng 968 USD. Một sự gia tăng đáng kinh ngạc!

Mặc dù vậy, hầu hết các chuyên gia tư vấn đều không khuyến khích đầu tư vào tiền tệ số trong thời điểm này.

Họ chỉ ra rằng có một số rủi ro về mặt pháp lý và thị trường nội tại trong giao dịch tiền ảo.

Bitcoin và các loại tiền tệ số tương tự khác có thể mang lại cơ hội đầu tư trong tương lai, nhưng hiện tại thì chúng vẫn chỉ là những khoản đặt cược mang tính đầu cơ mà các nhà đầu tư nên thận trọng hoặc tránh hoàn toàn.

Bà Julie Ford, nhà sáng lập Giải pháp Tài chính Ford tại New York, cho biết: “Mặc dù tiềm năng tăng trưởng của bitcoin là rất cám dỗ, song nguy cơ mất mát lớn là điều không tương xứng với các khoản đầu tư ổn định mang tính dài hạn như tiết kiệm đại học, mua nhà hoặc quỹ hưu trí”.

Bà Ford cho biết, có một khách hàng 45 tuổi gần đây đã đến gặp bà rút phần lớn tiền tiết kiệm trong quỹ hưu trí để đem đầu tư vào bitcoin.

Đánh cược với các loại tiền ảo bằng một khoản tiền lớn là điều không nên làm, bà nói.

Theo bà Fords, nếu bạn đang cân nhắc đến việc đầu tư vào tiền ảo thì ít nhất bạn phải đang không dính líu với nợ nần, thậm chí có một khoản tiền tiết kiệm dự phòng thì càng tốt, và vẫn duy trì được mục tiêu đầu tư vào quỹ hưu trí, các khoản tiết kiệm đại học, và có một dòng tiền ổn định.

Thăng trầm của bitcoin

Quay trở lại hồ sơ vào năm 2008, bitcoin có một lịch sử thăng trầm về giá liên quan đến lỗ hổng an ninh, tin tặc và các quy định kiểm soát và vận hành.

Giao dịch vào khoảng 13,50 USD vào đầu năm 2013, bitcoin đã tăng vọt lên hơn 1.200 USD trước khi giảm 50% vào tháng 12/2013, sau khi Ngân hàng trung ương Trung Quốc cấm các tổ chức tài chính và các công ty thanh toán giao dịch bằng bitcoin.

Đến đầu năm 2014, giá bitcoin tiếp tục lao dốc khi sàn Mt. Gox tại Nhật, một trong những sàn giao dịch bitcoin lớn nhất tại thời điểm đó, đã đệ đơn xin bảo hộ phá sản sau khi xảy ra lỗ hổng an ninh, trộm cắp và mất dữ liệu. Bitcoin đã giảm gần 40% chỉ trong hai tháng (từ 1/2/2014 đến cuối tháng 3/2014).

Giám đốc phân bổ tài sản toàn cầu tại Viện đầu tư Wells Fargo, ông Tracie McMillion, cho biết: “Rất khó để sử dụng một thứ gì đó như một loại tiền tệ khi giá trị của nó giao động nhiều như bitcoin.”

Các chuyên gia tài chính chỉ ra một nhân tố rủi ro khác là sự không chắc chắn về mặt pháp lý. Các chính quyền có thể hạn chế hoặc kiểm soát việc sử dụng và bán bitcoin hay các loại tiền ảo khác.

Hiện chưa có quỹ tương hỗ hay quỹ hoán đổi danh mục (ETF) nào của Mỹ đang đầu tư vào bitcoin, nhưng một số công ty đang cố gắng đưa khoản đầu tư này vào thị trường.

>> Ngân hàng Goldman Sachs sẽ phát triển các dịch vụ liên quan đến bitcoin?

Nếu các chính phủ chấp thuận về mặt pháp lý đối các quỹ đầu tư tiền ảo có thể mang lại tính hợp pháp cho loại tài sản này, ngược lại, sự từ chối có thể làm đảo lộn niềm tin của giới đầu tư.

Khi anh em sinh đôi nhà Winklevoss là Cameron và Tyler (Mỹ) – 2 nhà đầu tư mạo hiểm trên internet – hợp thức hóa một quỹ ETF dùng bitcoin trên thị trường, họ đã bị Ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC) bác bỏ. Khi đó, vì thị trường dự đoán SEC sẽ thông qua, giá bitcoin đã được đẩy lên tới 1.326 USD. Quyết định của SEC ngay sau đó đã khiến giá giảm xuống còn 1.022 USD. Hiện tại quyết định của SEC về ETF dùng bitcoin vẫn đang được xem xét.

Tương tự, giá bitcoin và một loại tiền ảo phổ biến khác, ether, đã đổ dốc vào cuối tháng 7/2017 sau khi SEC chỉ ra trong một báo cáo về huy động vốn bằng tiền ảo, được gọi là DAO, rằng luật chứng khoán liên bang Mỹ có thể áp dụng giám sát lên một số hoạt động tiền ảo.

Trong tháng 9, giá bitcoin lại giảm mạnh trong nhiều ngày sau khi Trung Quốc tuyên bố cho đóng cửa các sàn giao dịch bitcoin tại nước này. Đồng tiền ảo hồi phục, sau đó lại lảo đảo khi Hàn Quốc tuyên bố sẽ cấm huy động vốn thông qua tất cả các hình thức tiền tệ ảo.

Tuy nhiên, một số cơ quan quản lý dường như đang ủng hộ tiền ảo.

Vào cuối tháng 9, cơ quan Dịch vụ Tài chính Nhật Bản chính thức công nhận một số công ty đăng ký giao dịch tiền ảo là hợp lệ.

>> Nhật Bản cấp giấy phép hoạt động chính thức cho sàn giao dịch Bitcoin

Giám sát rủi ro

Bà McMillion nói: “Đối với các khoản đầu tư đánh cược vào sự tăng giá của tiền ảo, họ có hai rủi ro: không thể theo dõi được đồng tiền một cách chặt chẽ, và tính thanh khoản.”

Ví dụ, quỹ đầu tư tín thác bitcoin của hãng Grayscale Investments, giao dịch tại mức giá cao hơn đáng kể so với giá đầu tư bitcoin.

Các nhà tư vấn cũng cảnh báo về các rủi ro tiềm ẩn chưa được bộc lộ của tiền ảo.

Bà McMillion nói rằng một trong những lợi ích lớn của bitcoin là các khoản thanh toán nặc danh với chi phí thấp, được thực hiện thông qua cơ chế ngang hàng (peer-to-peer) mà không phải qua tổ chức trung gian.

Những đặc điểm này làm giao dịch tiền ảo trở nên tiện lợi và được chuyển nhượng dễ dàng. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là nó có thể được sử dụng trên thị trường chợ đen hoặc cho mục đích rửa tiền, cũng như các hoạt động bất hợp pháp khác có thể khiến người đầu tư bị thua lỗ.

Ngoài ra, còn có các mối đe dọa tin tặc tấn công, mật khẩu bị đánh cắp và sập mạng. Đã có một số vụ trộm lớn xảy ra đối với đồng tiền này.

“Cũng gần giống như tiền mặt, một khi bạn mất tiền mặt hay bitcoin, bạn sẽ không có cách nào để truy tìm ra dấu vết,” cô nói.

Theo Wall Street Journal,
Chân Hồ

Xem thêm: