Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), có chức năng tham mưu cho Bộ trưởng quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật, điều phối các hoạt động phát triển thị trường và đầu mối quản lý về chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối.  

giai cuu nong san
Đầu tháng 3/2017, UBND tỉnh Đồng Nai phải họp các sở ngành liên quan để tìm phương án “giải cứu” khoảng 17.000 tấn chuối bị tồn dư, không có nguồn tiêu thụ trong tỉnh. (Ảnh minh họa/Hoàng Minh)

Cục được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề  muối, theo Quyết định số 1348/QĐ-BNN-TCCB ngày 11/4/2017.

Tại buổi lễ ra mắt, ngày 21/6, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thừa nhận nền sản xuất nông nghiệp của Việt Nam  vẫn chủ yếu nhỏ lẻ, với trên 10 triệu hộ nông dân, năng suất lao động thấp so với khu vực thế giới; Việt Nam là một trong 5 năm nước ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu; về hội nhập còn nhiều vấn đề.

Trước tình hình đó, theo Bộ trưởng, cần tái cơ cấu ngành. Ngành cần tổ chức chế biến nông sản, tổ chức thị trường, tổ chức thương mại. “Hiện nay, khâu chế biến, thị trường chúng ta còn yếu, chuỗi giá trị chế biến còn tách rời sản xuất với thị trường, đây cũng là nguyên nhân xảy ra việc giải cứu hết nông sản này đến nông sản khác”, Bộ trưởng nói.

Việc thành lập Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản là để phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp…, tổ chức khâu sản xuất và thị trường. Ông Cường cho biết mục tiêu là khai thác thị trường xuất khẩu với 7 tỷ dân và thị trường nội địa với 92 triệu dân.

Tại đề án “Đổi tên, tổ chức lại Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề  muối thành Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản” (11/2016), đáng chú ý, Bộ NN&PTNT nêu 4 nguyên nhân khiến nông sản Việt vẫn chưa trở thành hàng thương mại, dù Việt Nam đã gia nhập nhiều tổ chức, thỏa thuận kinh tế.

Thứ nhất, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác thương mại nông sản.

Thứ hai, môi trường chính sách còn thiếu đồng bộ, thiếu hệ thống và chưa bắt kịp sự phát triển của nền kinh tế.

Thứ ba, hệ thống quản lý Nhà nước còn nhiều bất cập: Bộ máy quản lý vẫn thiên về chỉ đạo sản xuất. Trong khi đó, các cơ quan quản lý phần sau thu hoạch, đem lại giá trị gia tăng cao (chế biến, bảo quản, tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn, phát triển thị trường,…) chưa được quan tâm.

Thiếu đội ngũ cán bộ am hiểu về phân tích và dự báo thị trường nông sản quốc tế, phát triển thị trường nông sản, tham gia đàm phán và xử lý tranh chấp thương mại quốc tế, xây dựng và quản lý các tiêu chuẩn thị trường…

Thứ tư, từ góc độ quản lý, năng lực của các cơ quan chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật của các đối tác quốc tế và chưa có được các hướng dẫn kịp thời tới các doanh nghiệp.

Trong khi trên thực tế, một số điều ước, thỏa thuận quốc tế được ký trong hoàn cảnh bị động (do tác động, áp lực đảm bảo phải kịp ký với tính chất đối ngoại chính trị, ngoại giao nhiều hơn ý nghĩa về kinh tế – xã hội) nên tính khả thi không cao .v.v…

Tuy nhiên giải pháp đưa ra lại sơ sài, không nhắm đúng vào những hạn chế đã nêu. Đối với thị trường nội địa, Bộ NN&PTNT cho biết sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách về tiêu thụ nông sản, phát triển chợ đầu mối, cửa hàng tiện ích có kiểm soát ATTP, hội chợ triển lãm, xây dựng hình ảnh sản phẩm chất lượng cao.

Đối với thị trường xuất khẩu, Bộ tổ chức nghiên cứu, dự báo thị trường; tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, chế biến tạo thương hiệu; quảng bá sản phẩm để tăng dần tỷ trọng nông sản chế biến sang các thị trường khó tính (Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…); tăng tiêu thụ các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đặc biệt tại thị trường Trung Quốc để cân bằng cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc vào năm 2020; vận động để Việt Nam được sớm công nhận là nền kinh tế thị trường; xử lý nghiêm và công khai các hành vi gian lận thương mại.v.v…

Nguyễn Quân

Xem thêm: