Các biện pháp ổn định giá trong Quý 1/2018, kế hoạch tăng thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đang gây áp lực lớn lên giá bán xăng trong nước.

thue bao ve moi truong
Dự đoán trong quý 2, giá xăng có thể tăng dao động từ 1000 đến 4000 đồng/lít. (Ảnh minh họa/Gia Bảo)

Phát biểu tại cuộc họp báo Chính phủ Quý 1, Bộ Tài chính cho biết dự thảo sửa đổi Luật thuế bảo vệ môi trường có khả năng thông qua trong kỳ họp Quốc hội tới, theo đó, thuế bảo vệ môi trường sẽ tăng từ 3000 – 8.000 đồng/lít xăng. Bắt đầu từ ngày 1/7/2018, Bộ Tài chính sẽ áp mức thuế 4.000 đồng/lít xăng, tức cao hơn mức hiện hành 1.000 đồng. Đối với xăng E5, mức thuế bảo vệ môi trường sẽ tương ứng với 80% mức thuế sản phẩm xăng khoáng tương ứng, tức là 3.200 đồng.

Lý giải về tăng thu thuế BVMT, Bộ Tài chính cho biết khoản tăng thu này thực chất để bù lại khoản thu từ thuế nhập khẩu đã giảm từ 20% xuống 10% theo cam kết quốc tế. Theo Bộ Tài chính, tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ làm CPI tăng khoảng 0,11-0,15%.

Ngoài thuế BVMT, các biện pháp ổn định giá trong quý 1 cũng gây áp lực lên CPI.

Bên cạnh thuế, giá xăng còn chịu áp lực của tỷ giá và thị trường xăng dầu thế giới. Trong quý 1, giá xăng tại thị trường Singapore đã tăng từ 74,43 USD/thùng lên 78 USD/thùng, trong khi đó tỷ giá cũng âm thầm tăng từ 22.675 VND/USD đến 22.775 VND/USD.

Thực hiện Công điện số 240/CĐ-TTg ngày 21/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ, trong Quý I/2018 không tăng thuế, giá, phí các mặt hàng dịch vụ thiết yếu do nhà nước quản lý, Liên Bộ Công thương – Tài chính đã đề nghị các thương nhân giữ ổn định giá bán xăng, thay vào đó là cho phép doanh nghiệp chi quỹ bình ổn để bù lỗ, cụ thể xăng A95 chi 80 đồng/lít, xăng E5 chi 704 đồng/lít, dầu diesel chi 453 đồng/lít, dầu mazut chi 53 đồng/lít. Như vậy, hết quý 1, nhiều khả năng giá xăng sẽ được điều chỉnh tăng trên tất cả các mặt hàng để phù hợp với giá thế giới.

Đợt tăng tháng 7 cũng dự báo sẽ thiết lập đỉnh mới khi các nước OPEC lại thoả hiệp cắt giảm sản lượng. Tốc độ phát triển nóng của nền kinh tế Mỹ cũng kéo các nước chạy đua theo, kèm theo nhu cầu năng lượng tăng cao.

Như vậy tổng hợp ba yếu tố gồm biến động tăng của giá xăng dầu thế giới, thuế BVMT và yếu tố kìm giá trong nước trong thời gian qua thì khả năng giá xăng tăng dần đều trong Quý 2 là khó tránh khỏi. Khoảng giao động giá có thể từ 1.000 đến 4.000 đồng/lít xăng.

Có thể nói, áp lực lên CPI sẽ không chỉ đến từ thuế BVMT mà cả sức ép từ vòng xoáy tăng cước vận tải. Bởi lẽ thông thường, xăng chiếm khoảng 35% giá cước vận tải, nên trong thời gian tới cước vận tải có thể đội thêm 400-2.000 đồng/km.

Nguyễn Hương

Xem thêm: