Một số thôn làng ở nước Cộng hòa Yemen bị chiến tranh tàn phá vẫn chưa có điện sinh hoạt kể từ cuộc xung đột bắt đầu gần hai năm trước đây. Kỹ sư hóa học 24 tuổi Omer Badokhon đã phát minh ra thiết bị khí sinh học cỡ nhỏ (mini biogas) biến rác thành nhiên liệu giúp giải quyết vấn đề thiếu năng lượng trong vùng và không bị ô nhiễm khí do đốt củi đun nấu ở trong nhà.

Omer Badokhon Yemen
Anh Omer Badokhon (Ảnh: United Nations Environment Program)

Gần đây, anh Badokhon là một trong số những người được trao giải “Young Champions of the Earth” (Nhà vô địch trẻ của Trái Đất) của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (United Nations Environment Program – UNEP) và công ty hóa dầu Covestro. Hiện tại anh dự định sẽ dùng giải thưởng trị giá 15.000 USD cho việc làm lô thiết bị đầu tiên khoảng từ 50-80 chiếc.

Với thiết bị khí sinh học nhỏ của mình, Badokhon có thể giúp Yemen giải quyết một số khó khăn trước mắt. Đất nước nghèo nhất vùng Trung Đông này đang phải đối mặt với dịch tả lớn nhất mà Tổ chức Y tế Thế giới ghi nhận, điều này đã trở nên tồi tệ hơn trong cuộc chiến tranh vừa qua. Anh Badokhon cho hay, chất thải hữu cơ là nguyên nhân chính dẫn đến dịch tả, nhưng rác thải đó có thể trở thành một thứ gì đó đó hữu ích để giúp đất nước giải quyết một khó khăn khác: khủng hoảng điện năng.

1 4
Sau chiến tranh, rác thải, ô nhiễm môi trường và dịch tả tràn lan ở Yemen. (Ảnh chụp màn hình Youtube)

Badokhon nói với Thomson Reuters Foundation: “Ở một số ngôi làng, điện đã không có trở lại kể từ khi xung đột bắt đầu vào năm 2015. Tại thành phố Mukalla, nơi tôi đang sống, tôi nhớ rõ cảm giác tuyệt vọng của mình khi cố gắng hoàn thành các bài tập ở trường đại học dưới ánh nến khi nguồn cấp điện bị cắt từ 4-6 tiếng mỗi ngày.”

Theo UNEP, hơn 3 triệu người vẫn nấu nướng bằng củi, và Badokhon cho biết hàng năm khói thải ra đã gây tử vong cho phụ nữ và trẻ em trong vùng.

2 2
Phần còn lại của quá trình lên men có thể được sử dụng làm phân bón lỏng giàu dinh dưỡng. (Ảnh chụp màn hình Youtube)

Các thiết bị khí sinh học của anh sẽ được chế tạo bằng sợi thủy tinh hoặc nhựa tại địa phương, chúng “có thể nhanh chóng phân hủy chất thải hữu cơ và tối đa hoá lượng khí sinh ra”, theo UNEP. Phần còn lại của quá trình lên men cũng rất hữu ích – có thể được sử dụng làm phân bón lỏng giàu dinh dưỡng.

Theo Reuters, ngoài tiền thưởng từ giải thưởng Young Champions of the Earth, Badokhon cũng nhận được 10.000 USD từ Công ty Dầu khí Yemen PetroMasila tài trợ cho nghiên cứu này. Trong 8 tháng tới, các thiết bị này sẽ được đưa vào thử nghiệm tại 1.500 ngôi nhà nông thôn ở Sana’a, Ibb, Aden, Hadhramaut, Shabwa và Taiz.

Theo Inhabitat
Ảnh: UNEP
Minh Đức

Xem thêm: