Từ năm 2018 đến năm 2022, cùng với sự hỗ trợ của Nhật Bản, Việt Nam sẽ có 4 vệ tinh được phóng lên vũ trụ và đi vào hoạt động là NanoDragon (4-6 kg), MicroDragon (10kg) và 2 vệ tinh LOTUSat-1, LOTUSat-2 (600 kg).

ten lua mang theo ve tinh vao quy dao, Vệ tinh Việt Nam
(Ảnh minh họa: qua vnsc.org.vn)

Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị triển khai kế hoạch 2017-2022 dự án Trung tâm Vũ trụ Quốc gia được tổ chức vào ngày 23/3. Bốn dự án vệ tinh đang và sẽ được hoàn thiện sắp tới đều thuộc chương trình phát triển của Trung tâm.

Tại hội nghị, ông Phạm Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm Vệ tinh quốc gia (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ) cho biết với sự hỗ trợ của Nhật Bản, vệ tinh MicroDragon của Việt Nam đang trong giai đoạn thử nghiệm và dự kiến sẽ được phóng lên quỹ đạo bằng tên lửa của Nhật Bản vào năm 2018.

MicroDragon nặng 50 kg được phát triển bởi 36 kỹ sư của Việt Nam được cử sang Nhật Bản đào tạo. Vệ tinh này sẽ quan sát vùng bờ biển của Việt Nam nhằm xác định vị trí tàu thủy, chất lượng nước biển, phục vụ ngành nuôi trồng thủy sản,…

che tao ve tinh micro dragon tai nhat ban
Các kỹ sư của Trung tâm Vệ tinh Quốc gia học tập và thực hành chế tạo vệ tinh MicroDragon tại Nhật Bản. (Ảnh: vnsc.org.vn)

Sau vệ tinh MicroDragon và NanoDragon, theo kế hoạch, vệ tinh LOTUSat-1 sẽ được phóng đi và hoạt động vào năm 2019; đến năm 2022, các hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho việc nghiên cứu, lắp ráp, tích hợp và thử nghiệm vệ tinh sẽ được trang bị sẵn sàng để phát triển vệ tinh LOTUSat-2. Trong hai vệ tinh này, LOTUSat-1 được các kỹ sư Việt Nam tham gia chế tạo với sự hỗ trợ của Nhật Bản, LOTUSat-2 sẽ được chế tạo ngay tại Việt Nam.

Hai vệ tinh LOTUSat-1 và LOTUSat-2 có khối lượng 600 kg, tuổi thọ hoạt động trên quỹ đạo là 5 năm. Không sử dụng công nghệ quang học như vệ tinh VNREDSat-1 trước đây, hai vệ tinh này sử dụng công nghệ radar cho phép chụp ảnh trong mọi điều kiện thời tiết, nhất là khi xảy ra thiên tai, bão lũ, quy hoạch lãnh thổ,…

Theo ông Tuấn, với hai vệ tinh công nghệ cảm biến radar này, Việt Nam có khả năng quan sát toàn bộ lãnh thổ và vùng biển quốc gia trong mọi điều kiện thời tiết, với độ phân giải cao, góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai, quản lý nguồn tài nguyên và giám sát môi trường.

Ông Tuấn cũng cho hay việc chế tạo và phóng hai vệ tinh là hợp phần quan trọng trong dự án Trung tâm Vũ trụ Quốc gia, giúp tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm nhờ giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Trước đó, Trung tâm Vệ tinh Quốc gia đã phát triển thành công vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon (1kg). PicoDragon đã được phóng vào quỹ đạo nhờ tàu vận tải của Nhật Bản vào sáng ngày 4/8/2013, có nhiệm vụ chụp ảnh trái đất, đo đạc một số thông số vệ tinh bằng các cảm biến gắn trên vệ tinh và thử nghiệm thông tin liên lạc với mặt đất. Sự thành công trong việc phóng vệ tinh PicoDragon vào quỹ đạo được coi là bước trưởng thành của các kỹ sư, nghiên cứu viên trẻ của Trung tâm Vệ tinh Quốc gia.

Dự án Trung tâm Vũ trụ Quốc gia có tổng giá trị hơn 12 ngàn tỷ đồng từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản, là dự án trọng điểm quốc gia được đầu tư lớn trong lĩnh vực khoa học – công nghệ. Được khởi công từ năm 2012 và dự kiến hoàn thành vào năm 2022, Trung tâm sẽ đảm nhận việc phóng các vệ tinh do Việt Nam sản xuất, đồng thời đào tạo nhân lực nguồn công nghệ vũ trụ, xây dựng Trung tâm Vệ tinh quốc gia tại Khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc.

Hải Anh

Xem thêm: