Bộ Ngoại giao có 7 Thứ trưởng, Bộ Công an, Tài chính có 6 Thứ trưởng, nhiều Bộ như Bộ KH&ĐT, Bộ Công Thương, Bộ GTVT… đều có 5 Thứ trưởng… chưa kể các Bộ dư Phó cục trưởng, Vụ phó. 

botaichinh
Trụ sở Bộ Tài chính. (Ảnh: coninco.com.vn)

‘Lạm phát’ lãnh đạo

Chính phủ vừa có báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016. Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, về cơ bản, số lượng cấp phó tại các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong một số thời điểm tại một số tổ chức, số lượng cấp phó có vượt so với quy định.

Về số lượng Thứ trưởng và tương đương, theo tổng hợp của Bộ Nội vụ, tại thời điểm tháng 8/2011 có 122 Thứ trưởng và tương đương, đến tháng 3/2016 tăng lên 135 người, sang tháng 12/2016 giảm xuống còn 106 người.

Trong đó, một số Bộ có số lượng thứ trưởng nhiều như Bộ Ngoại giao 7 Thứ trưởng, Bộ Công an, Tài chính 6 Thứ trưởng, nhiều Bộ như KH&ĐT, Công Thương, GTVT… đều có 5 Thứ trưởng.

Tính đến ngày 31/12/2016, tổng số lượng cục trưởng tại các Cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ là 337 người, trong đó riêng Bộ Tài chính có 181 cục trưởng, Bộ Kế hoạch Đầu tư có 63 cục trưởng, Bộ Tư pháp có 57 cục trưởng.

Một số tổ chức có số lượng cục phó vượt so với quy định như: Bộ GTVT có Cục Quản lý xây dựng đường bộ, Cục Quản lý đường bộ cao tốc, mỗi đơn vị 4 cục phó; Bộ Công Thương có Cục Công nghiệp địa phương, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Quản lý thị trường, mỗi đơn vị 4 cục phó…

Ngoài ra, trong toàn hệ thống có 767 Phó cục trưởng, 218 Vụ trưởng, 593 Phó vụ trưởng, 1.200 Giám đốc Sở và tương đương, gần 4.600 Trưởng phòng và tương đương…

Bộ Tài chính có một số vụ, đơn vị thuộc Bộ có số lượng Phó Vụ trưởng vượt quá quy định, như Vụ Pháp chế có 5 phó vụ trưởng, một số vụ, đơn vị khác có 4 phó vụ trưởng.

Một số địa phương có số lượng phó giám đốc sở hoặc tương đương, phó phòng cấp huyện vượt quá quy định của Chính phủ, như: Hải Dương, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Lai Châu, Thừa Thiên Huế, Bạc Liêu…

Về tỷ lệ công chức giữ chức danh lãnh đạo từ cấp phó phòng trở lên/công chức, tại Bộ Công Thương, cứ 4 công chức thì có 3 chức danh lãnh đạo; tại các Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, cứ 5 công chức thì có 3 chức danh lãnh đạo…

Tại Hà Giang, ở một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cứ 4 công chức thì có 3 lãnh đạo; tại Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Kiên Giang, cứ 2 công chức thì có 1 lãnh đạo…

11 tỉnh vượt gần 8.000 biên chế

Theo thống kê của Bộ Nội vụ, tổng biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước từ Trung ương đến cấp huyện (thuộc khối Chính phủ quản lý) là gần 270.000 người.

Hiện 11 địa phương sử dụng vượt 7.951 biên chế so với số biên chế công chức được Bộ Nội vụ giao, gồm: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Dương, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Long An. Ngoài ra, còn 19.900 người là lao động hợp đồng cho 18 bộ ngành, 46 địa phương sử dụng.

Báo cáo không nêu con số tiền lương chi trả cho gần 270.000 biên chế trên trong một năm. Báo cáo chỉ nêu từ 2007-2017, Nhà nước đã 7 lần điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu chung (nay là mức lương cơ sở) từ 450.000 đồng lên 1.210.000 đồng/tháng (tăng 268,9%). Hiện lương cơ sở áp dụng từ 1/7/2017 là 1.300.000 đồng/tháng.

Cấp xã và bộ phận hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố là gần 1,3 triệu người. Quỹ lương và phụ cấp từ ngân sách nhà nước chi cho nhóm này là hơn 32.400 tỷ đồng/năm (trong đó quỹ lương của cán bộ, công chức cấp xã là hơn 19.600 tỷ đồng/năm).

Hiện cả nước đang có khoảng 58 nghìn đơn vị sự nghiệp công lập với 2,5 triệu biên chế đang làm việc tại đây.

Năm 2015, theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng số biên chế cán bộ, công chức, viên chức từ Trung ương đến cấp xã khoảng gần 3 triệu người. Trong đó, viên chức trên 2,3 triệu người; cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp xã 653.000 người (không bao gồm biên chế của công an, quân đội, lao động hợp đồng).

Trong giai đoạn 2015-2021, dự kiến tinh giản biên chế trên 296.000 người, chiếm 10% tổng số cán bộ, công chức, viên chức hiện nay.

Riêng năm 2016, tổng kinh phí thực hiện tinh giản biên chế là 500 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương.

Nguyễn Sơn

Xem thêm: