Dự kiến được đầu tư 312.435 tỷ đồng (14 tỷ USD) cho 1.372 km, dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông được chất vấn tại Quốc hội về giải pháp nhằm giảm chi phí đầu tư cho 1km đường – khi so sánh suất đầu tư ở Việt Nam gấp 2-4 lần so với các nước khác nhưng chất lượng không tương đương.

Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa trả lời chất vấn.
Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa trả lời chất vấn.

Tại phiên làm việc vào sáng nay (15/6), phần chất vấn về dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông được gửi đến Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đề cập đến mức chi phí quá cao đầu tư trung bình cho 1km đường.

Tham gia chất vấn, đại biểu Lê Công Nhường (đoàn Bình Định) trình bày: “Theo báo cáo của Bộ KHĐT gửi các đại biểu Quốc hội, dự án Bắc – Nam phía Đông dự kiến đầu tư 1.372 km với tổng mức đầu tư 312.435 tỷ đồng (14 tỷ USD), suất đầu tư đường cao tốc theo dự án là 10,12 triệu USD/km.

Theo GS.TS Võ Đại Lược và Thạc sỹ Nguyễn Xuân Thành (ĐH Fullbright), suất đầu tư bình quân của đường cao tốc ở Việt Nam khoảng 12 triệu USD (sau khi đã loại trừ các chi phí xây cầu dẫn và giải phóng mặt bằng).

Trong khi đó, Trung Quốc cũng có những điểm tương đồng với chúng ta nhưng chi phí làm đường cao tốc của họ chỉ là 5 triệu USD, của Mỹ và các nước Châu Âu là 3-4 triệu USD/km.

Như vậy, cùng làm đường cao tốc 4 làn xe nhưng chi phí làm đường cao tốc của nước ta cao gấp từ 2-4 lần so với các nước khác nhưng chất lượng hiện nay là chưa tương đương.

Đại biểu Lê Công Nhường (đoàn Bình Định)
Đại biểu Lê Công Nhường (đoàn Bình Định)

Theo đại biểu Nhường, “Bộ GTVT dự toán làm đường sắt cao tốc Bắc – Nam khoảng 50 tỷ USD, nhưng theo báo chí, tuyến đường sắt cao tốc Nong Khai của Thái Lan là 13,9 tỷ USD trên 874 km, tương đương với 20,67 tỷ USD chiều dài đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Như vậy suất đầu tư đường sắt cao tốc của ta cũng cao gấp 2,5 lần của Thái Lan.

Mới đây, trong thông tin của Bộ Ngoai giao gửi đại biểu cho biết đường sắt ở Bangladet 120km/h có suất đầu tư chỉ 13 tỷ USD trên hơn 270 km. Như vậy cũng rất là rẻ.

Xin hỏi Bộ trưởng, trong điều kiện nguồn lực của ta có hạn, Bộ trưởng có giải pháp gì để giảm suất đầu tư trên 1 km đường bộ hay đường sắt cao tốc để tiến tới ngang bằng với suất đầu tư của các nước khác mà có chất lượng tương đương?”

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết hiện Bộ Giao thông và Bộ Xây dựng báo cáo và đánh giá suất đầu tư dựa trên tiêu chuẩn Quy định 1161 ngày 11/10/2015 của Bộ Xây dựng: suất đầu tư nếu như mở 6 làn xe là 200 tỷ/km và chưa tính đến giải phóng mặt bằng.

Đối với đặc điểm ở Việt Nam, có một số khu vực có mức giá khác nhau. Ví dụ khu vực miền núi trung du phía Bắc, miền Trung, khu vực đồng bằng Bắc Bộ, khu vực Nam Bộ. Qua tổng hợp báo cáo của Bộ Xây dựng, chúng ta có giải từ 7,4 triệu/km ở miền trung du phía Bắc, cho đến 17,2 triệu/km đối với khu vực Tây Nam Bộ, Nam Bộ. Đây là một trong những đặc điêm rất lớn trong đầu tư, giá thành phụ thuộc rất nhiều vào địa chất và nguồn vật liệu .

Về suất đầu tư hiện nay, qua năm 2016 trong đề án, ví dụ đường cao tốc 6 làn xe quy về một tiêu chuẩn quy mô đường ở Đức là 10,9 triệu USD/km; Hungary: 13,3; Bồ Đào Nha 12,1; Áo: 16,7; Mỹ: 12,8-40,8; Trung Quốc; 10,5-13,6. Đề án cao tốc Bắc-Nam (Việt Nam): 9,5 triệu.

Bộ trưởng cũng cho hay đối với dự án đường sắt: 50 tỷ là dự kiến khi tư vấn của Nhật Bản. Vào kỳ họp thứ 2 năm 2018, Bộ Giao thông sẽ báo cáo Quốc hội về dự án này với số liệu chính xác hơn.

Đầu tư hơn 227 tỷ đồng cho 1 km đường bộ cao tốc

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam có điểm đầu tại nút giao Cao Bồ (điểm cuối cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình) thuộc địa phận huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định; Điểm cuối dự án tại nút giao Dầu Giây (điểm cuối cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây), thuộc địa phận huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.

Dự án có chiều dài khoảng 1.372km, đi qua 16 tỉnh, thành phố: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và Đồng Nai.

Theo tính toán sơ bộ, tổng mức đầu tư toàn dự án với quy mô hoàn chỉnh khoảng 312.435 tỷ đồng. Giai đoạn 1 (2017-2025) khoảng 243.312 tỷ đồng và giai đoạn 2 (sau năm 2025) khoảng 69.123 tỷ đồng.

Minh Hợp

Xem thêm: