Lắp đặt biển “Cấm đỗ xe” cách trước cabin thu phí BOT khoảng 50m, đặt biển hết lệnh cấm cách phía sau trạm khoảng 100-200m – là một trong những giải pháp được Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các nhà đầu tư dự án BOT giao thông thực hiện.

bot can tho
Trạm thu phí BOT Cần Thơ – Phụng Hiệp (quận Cái Răng, TP Cần Thơ), ngày 5/1/2018. (Ảnh: FB Thiên Hùng)

Lý do: để tránh tình trạng ùn tắc giao thông khu vực các trạm thu phí trên các quốc lộ, để đảm bảo điều kiện lưu thông thông suốt của người dân, đặc biệt trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

Vậy là tiền phí BOT vẫn thu, còn thời gian trả tiền bị giới hạn. Động thái chủ động đầu tiên từ phía chính quyền trước vấn đề BOT trong năm 2018, đáng tiếc thay, lại không mang dáng hình của giải pháp. Đó là cách đối phó ngây ngô trước những tiếng nói đang dồn lên như sóng tại gần chục trạm BOT mà đường BOT một nơi, trạm thu phí một nẻo.

Tết Nguyên đán là “mùa” bán hàng nhộn nhịp nhất trong năm. Theo một công ty kinh doanh vận tải tại Hà Nội, Tết Nguyên đán năm nay, dự báo lượng hành khách sẽ tăng từ 30-50% so với ngày thường, kéo dài từ ngày 7-15/2. Về hàng hóa, vào thời điểm cận Tết, lượng hàng về các chợ sẽ tăng khoảng 80% so với ngày thường, chưa kể tại hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, hàng hóa sẽ tăng gấp 2-3 lần so với tháng thường.

Tại Diễn đàn Thanh toán điện tử (VEPF) 2016, ông Vũ Quang Lâm, Thành viên HĐQT Tasco, kiêm Tổng giám đốc VETC cho biết Việt Nam hiện có hơn 21.000km đường quốc lộ, 730km đường cao tốc, khoảng hơn 100 trạm thu phí với lưu lượng xe khoảng 1,2 triệu lượt mỗi ngày đêm. Còn theo một công bố của Tổng cục Đường bộ hồi tháng 9/2017, tính riêng QL1 từ Bắc vào Nam, xe phải qua 29 trạm thu phí, mất gần 900.000 đồng tiền phí BOT đối với xe loại 1 (xe dưới 12 chỗ ngồi, xe tải dưới 2 tấn, xe buýt vận tải hành khách), gần 4,6 triệu đồng đối với xe loại 5 (xe tải 18 tấn trở lên, xe container 40 fit).

Với nhu cầu vận tải hành khách, vận tải hàng hóa đợt Tết tăng từ 30-80%/ngày nói trên, phí BOT phải trả cho những trạm thu phí tuyến tránh song đặt trên quốc lộ sẽ là bao nhiêu? Con số chi phí mà người tiêu dùng phải gánh để trả tiền vận chuyển là bao nhiêu? “Buôn” hàng còn mang tính hên xui, riêng “buôn” trạm BOT thì doanh thu tăng theo cấp số nhân.

Vì thế mà Tổng cục Đường bộ sợ. Sợ phản kháng, sợ ùn tắc, sợ phải xả trạm. Dù sao Tết cũng là thời điểm nhạy cảm. Nhưng thay vì nhìn từ góc độ giảm bớt chi phí xã hội, giải pháp mà cơ quan quản lý nhà nước đưa ra lại nhằm đối phó với việc phản ứng của người dân trước những bất cập đặt trạm thu phí BOT. Nỗi sợ nào lại khiến những người mang trách nhiệm quản lý chỉ suy nghĩ xoay quanh cách để đối phó với người dân?

Vì trạm thu phí là nơi thực hiện giao dịch dân sự giữa bên cung ứng dịch vụ và người sử dụng dịch vụ, không có quy định nào hạn chế hoặc ấn định thời gian giao dịch. Hiện biển báo cấm dừng quá 5 phút tại trạm BOT như trên không nằm trong danh mục các biển báo cấm theo luật giao thông đường bộ. Hơn nữa, việc ra quy định về biển báo, biển hiệu giao thông thuộc về trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải, Bộ chiếu theo Thông tư, Nghị định cụ thể; còn Tổng cục Đường bộ Việt Nam không có thẩm quyền để yêu cầu đặt biển cấm dừng đỗ xe.

Động thái của nỗ lực chống tham nhũng và sai phạm BOT hẳn nhiên không phải ở việc tùy ý hạn chế quyền đi lại, giao dịch của người dân. Thứ quyền lực mà Tổng cục Đường bộ đang phô trương – thứ quyền tự cho mình áp đặt chế độ kiểm soát người dân đi như thế nào, đi qua trong bao lâu – chỉ cho thấy một tập thể đang tự xướng tên giữa chốn công quyền, ăn lương ngân sách nhưng bám chắc nhóm tư bản thân hữu mua bán đặc quyền, gây tổn thất hàng nghìn tỷ đồng về phía người dân.

Lê Trai

Xem thêm: