Tối hôm trước, khi viết câu cuối cùng để kết bài viết này, tự nhiên khóe mắt cay cay, dù ban đầu tôi chẳng định viết gì. Những địa chỉ đẹp nhất của Hà Nội sẽ lần lượt biến mất để thay thế bằng những thứ hào nhoáng, phô trương và rỗng tuếch. Những di sản và văn hóa thanh lịch và quyến rũ như thế này sẽ lần lượt biến mất, để thay thế bằng những khu shopping mall vô hồn đang mọc nhan nhãn khắp nơi.

(Ảnh: Wikimedia Commons)
Hanoi Cinematheque (Ảnh: Wikimedia Commons)

Hanoi Cinematheque là nơi gắn bó nhất với tôi trong những năm ở Hà Nội. Đa số là lầm lũi một mình, đôi lúc lôi kéo thêm vài người bạn. Nhưng chưa bao giờ tôi thấy cô độc, bởi đã có những người bạn lớn trên màn hình, sẽ sắp sửa xuất hiện, sẽ kể tôi nghe câu chuyện của họ, và sẽ ở lại mãi mãi trong trí nhớ hay kí ức của tôi.

Tôi nhớ nàng hề Giulietta Masina, một “Charles Chaplin mặc váy” với hàm răng to cộ, đôi mắt trố mở to và luôn bị bọn đàn ông cục súc, thô lỗ đối xử phũ phàng, tàn nhẫn, dù nàng đến với bọn họ bằng một tấm chân tình, bằng sự khát khao tình yêu. Tôi yêu nàng hề Masina trong La Strada với vai một cô hề xiếc đi theo gã trưởng gánh xiếc Zampanò (Anthony Quinn), lăn lộn theo hắn, phục tùng hắn, cảm hóa hắn, nhưng cuối cùng, nàng chỉ nhận lại một con số 0 tròn trĩnh. Tôi yêu nụ cười trong nước mắt khi nàng vào vai cô “bán hoa” Maria trong Le notti di Cabiria, kẻ luôn khao khát một tình yêu đích thực, nhưng cuối cùng chỉ còn một trái tim tan vỡ. Cảnh cuối, nàng bước đi trên phố, giữa thành Rome, giữa đám đông xung quanh, nụ cười vẫn nở trên môi, dù nước mắt đã chảy hai hàng. Những khoảnh khắc như thế, làm sao quên được?

Tôi còn nhớ đám thanh niên mới lớn, mắc kẹt trong một thị trấn nghèo nàn sau Thế chiến 2 trong I vitelloni. Bọn họ vẫn lãng mạn, bọn họ vẫn khao khát, bọn họ vẫn vật vờ mơ hồ về cuộc sống của mình, cho đến khi có một kẻ lên tàu ra đi. Tôi nhớ mãi câu thoại cuối cùng, dù đã xem nó hơn 12 năm: “Ai cũng muốn lên đường, nhưng không phải ai cũng thực sự lên đường”.

Đó là 3 trong những bộ phim xuất sắc nhất thời đầu của Federico Fellini, một trong những đạo diễn Ý thích nhất của tôi.

Francois Truffaut mang đến cho tôi The 400 Blows (Les quatre cents coups), dù tôi không thấy cú đấm nào trong phim mà chỉ thấy một thằng nhóc ngỗ nghịch lang thang mà cô đơn biết nhường nào. Sau được giải thích, đó là tiếng lóng để chỉ những kẻ lang thang. Tôi còn yêu Truffaut qua Jules and Jim, câu chuyện tình tay ba đẹp nhất, tự do nhất, phóng túng nhất mà tôi từng xem trên màn ảnh. Rồi còn Shoot the Piano Teacher, Day for Night…

Những tuần phim Làn sóng mới của Pháp, Tân hiện thực của Ý – gần như tôi xem không sót phim nào vì nó mở ra một thiên đường điện ảnh thực sự. Rồi còn Ingmar Bergman, khó xem hơn với The Seven Seal, Wild Strawberries, Fanny and Alexander, xem được 3 phim thì bỏ cuộc vì nặng đô quá. Werner Herzog thì khiến tôi choáng ngợp với Fitzcarraldo, một thằng cha đạo diễn điên rồ làm phim về một kẻ điên rồ, kẻ muốn xây một nhà hát opera giữa rừng Amazon. Bộ phim làm mất 4 năm trong rừng. Anh diễn viên Klaus Kinski đòi bỏ cuộc vị chịu không nổi; anh đạo diễn “điên rồ nhất thế giới’ (sau này có tờ báo điện ảnh nào đó bình chọn), lắp 10 viên đạn vào khẩu súng, bảo mày bỏ đi tao coi, tao dành 9 viên trong nòng súng này cho mày, còn viên cuối dành cho tao. Anh Klaus hãi quá, vì biết ai chớ thằng cha điên này nó làm thật, thế là cun cút quay cho hết bộ phim khủng khiếp này. Tôi xem bộ phim này mà nước mắt chảy ra, không phải vì xúc động bởi bộ phim, mà xúc động vì sự quyết liệt và đày đọa của những kẻ sáng tạo. Hết phim rồi cứ ngồi im, thấy lần lượt những người nước ngoài ra khỏi rạp, chẳng thấy bóng một khán giả Việt Nam nào, chẳng thấy bóng một nhà làm phim nào.

Tôi nhớ Tokyo Story, đến đoạn ông bố tặng lại kỷ vật chiếc đồng hồ dây đeo của bà vợ vừa qua đời cho cô con dâu và khuyên cô hãy đi lấy chồng đi, đừng có để tang cho con trai ông nữa, đã 7 năm trôi qua rồi, thì không thèm cay mắt nữa, ông mém khóc thành tiếng trong rạp. Ra khỏi rạp, đứng tần ngần dưới góc cây Hoàng Lan, rồi dắt xe chạy một mạch ra về, như đứa mất hồn, trong đầu toàn nghĩ về ba mẹ mình ở quê, thế nào mà lại đi đúng đường về nhà mới tài.

Và còn bao nhiêu kiệt tác điện ảnh của thế giới nữa tôi xem ở đây. Hầu hết các buổi tôi xem đều vắng khán giả Việt. Ông Gerry ổng bảo ông xây cái rạp này vì muốn “educate and inspire a new generation of young Vietnamese filmmakers”, nhưng cuối cùng ông phải thú nhận là khán giả của ông chủ yếu là dân expat ở Hà Nội, vì ổng nói (nhẹ nhàng) thế này: “Young Vietnamese filmmakers were not interested in watching old movies (with so) much new stuff to discover” (Screen-space).

Một mình ổng gồng, ổng xoay xở để giữ nó 14 năm trời, để giữ một góc văn hóa mà bọn Tây chúng bảo là “the best thing in Hanoi”. Đến giờ thì làm sao ổng giữ được, khi bị cá mập tấn công? Và chúng ta lại nhao nhao lên khóc thương thêm một địa chỉ văn hóa thanh lịch của Hà Nội nữa lại biến mất.

Cây Hoàng lan nghe nói đã gãy và chết năm ngoái, như một điềm báo.

Và giờ là “Mourning for Hanoi Cinematheque”.

* Bài viết được nhắc đến ở đầu: Vĩnh biệt “rạp chiếu bóng thiên đường” của Hà Nội