Sinh viên khoa Trung văn Phó Vĩnh Quân đã dành nửa năm để đến các vùng nông thôn Trung Quốc điều tra, sau đó đã viết ra một bản báo cáo giản lược có tựa đề Đất nước chìm trong thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học – Ghi chép điều tra về tình hình thổ nhưỡng Trung Quốc”, với dự ngôn kinh người: “10 năm tới, ung thư ở Trung Quốc sẽ như giếng phun! 33% gia đình Trung Quốc sẽ vì thế mà phải dùng hết tất cả những gì tích góp được!”

GettyImages 56273101
(Ảnh: China Photos/Getty Images)

Lời này đã có người nói từ lâu, không phải là “33% gia đình” mà là “mỗi gia đình”. Năm 2012, tỷ phú Trung Quốc Jack Ma (Mã Vân) đã phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Trung Quốc Yabuli rằng: “10 năm sau, 3 bệnh ung thư sẽ làm khó mỗi gia đình Trung Quốc, đó là ung thư gan, ung thư dạ dày, ung thư phổi. Ung thư gan, khả năng lớn là do nguồn nước; ung thư phổi, có thể là do không khí của chúng ta; ung thư dạ dày, là do đồ ăn của chúng ta.” Kết luận của ông là: “Chúng ta vất vả như thế, cuối cùng tất cả số tiền chúng ta kiếm được sẽ dùng để mua thuốc và trị bệnh.” Câu nói này quả thật rất thấu đáo, cũng tức là, hơn 1 tỷ người vất vả kiếm tiền, cuối cùng thu nhập lại nộp cho bệnh viện, còn sót lại chỉ là nhiều chứng bệnh không có thuốc chữa. Vậy thì còn khoe khoang GDP làm gì, “ngàn năm thịnh thế” làm gì?

Bài báo cáo của Phó Vĩnh Quân chủ yếu nói đến việc sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học. Trong 30 năm “cải cách mở cửa”, sản lượng thuốc bảo vệ thực vật ở Trung Quốc tăng gần 100 lần, tính bình quân đầu người, tương đương với “mỗi năm mỗi người phải ăn vào 2,67 kg thuốc bảo vệ thực vật!”, “ở Trung Quốc, có tới gần 4000 doanh nghiệp làm về thuốc bảo vệ thực vật, trong số đó có 1506 doanh nghiệp có quy mô lớn được Bộ Công nghiệp và Thông tin phê chuẩn, nghiên cứu sản xuất hơn 1000 loại thuốc bảo vệ thực vật, nhưng những loại côn trùng gây hại thường thấy chỉ có 20 loại! …. mỗi năm với lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng, nhưng chỉ có khoảng 0,1% có tác dụng trực tiếp đến sâu bệnh, còn 99,9% là đi vào hệ sinh thái. Cuối cùng, những thuốc này sẽ thông qua các chuỗi thức ăn mà đi vào cơ thể người”. Con số này có lẽ đã tính toán cao hơn một chút, bởi cũng có lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học được xuất khẩu, nhưng chính bản thân người Trung Quốc cũng tiêu thụ lượng không nhỏ.

Còn phân bón hóa học thì sao? Bình quân mỗi người là 50 kg, trong 30 năm, lượng phân bón hóa học sử dụng đã tăng gần 7 lần, sản lượng lương thực tăng trưởng 87,4%. Do độ phì nhiêu của đất canh tác đã mất hết, sản lượng lương thực tăng trưởng chẳng qua chỉ là do sử dụng quá nhiều phân hóa học mà không tính đến hậu quả. Phân bón hóa học không chỉ làm mất độ tơi xốp của đất, mà nó còn để lại vật chất gây ung thư đáng sợ trong đất – kim loại nặng cadmium. Sau đó sẽ gây ra các bệnh ung thư gan, ung thư não, ung thư cổ tử cung, ung thư tuyến tiền liệt. Phó Vĩnh Quân cũng đưa ra dự đoán rằng những phát minh sinh hóa tiên tiến giúp chúng ta không phải lo lắng về ăn mặc, nhưng đã phá hủy phương pháp trồng trọt truyền thống, “cuối cùng sẽ giống như thu hoạch hoa màu, mọi người sẽ giống như từng gốc rạ héo dần được để lại trên cánh đồng sau thu hoạch”.

15 năm trước, tôi viết một bài có tựa đề “Từ làng ung thư cho đến sông ung thư”. Thời đó, làng ung thư không còn là tin tức mới mẻ gì nữa, bởi ô nhiễm công nghiệp đáng sợ đã tạo thành vô số làng ung thư trên khắp Trung Quốc. Điều nghiêm trọng hơn là, làng ung thư từ cô lập đã bắt đầu phát triển men theo lưu vực các con sông và sinh sôi với mật độ dày hơn. Khoảng 700 khúc sông có tổng độ dài 100.000 km của Trung Quốc bị ô nhiễm, nước sông không thể sử dụng được, theo tiêu chuẩn của Trung Quốc, theo cách nói bảo thủ, mức độ ô nhiễm chiếm khoảng trên 70%. Ngoài ra, theo một bản báo cáo 6 năm trước của Trường Y Johns Hopkins (Mỹ), “trên ¾ trong số 50.000 km sông ngòi chính, các loại cá không thể nào tiếp tục sinh tồn được nữa”. Nhiều khúc sông ô nhiễm nhất của các con sông như sông Đại Liêu, sông Hải Loan, sông Hoài và cả Hoàng Hà, có thể coi như khúc sông ung thư. Các bệnh ung thư ở quanh lưu vực sông ung thư cũng rất nhiều, như ung thư thực quản, ung thư gan, ung thư dạ dày, ung thư phổi, ung thư máu, ung thư ruột, ung thư tử cung, ung thư bàng quang, đều đã xuất hiện. Những năm 90 của thế kỷ trước, có địa phương tỷ lệ tử vong vì ung thư trung bình trong năm còn cao hơn 500 lần tỷ lệ tử vong vì ung thư trung bình của thế giới.

8 năm sau, tức là năm 2010, tôi lại viết một bài có tựa đề “Làng ung thư bao vây các thành phố ở Trung Quốc”. Năm 2011, bài viết theo dõi về sông ung thư của tôi khiến người đọc kinh sợ, bài viết có tên “Trung Quốc sẽ rơi vào tình cảnh còn tuyệt vọng hơn so với làng ung thư, sông ung thư”, dự đoán: “mẹ sông đã chăm sóc cho biết bao thế hệ dân tộc Trung Hoa, chỉ trong thời gian 20 -30 năm ngắn ngủi sẽ biến thành sông độc, sông ung thư. Đây là điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử thế giới. Nếu như chế độ chính trị, kinh tế của Trung Quốc không có sự thay đổi cơ bản, nói cách khác, nếu các giá trị phổ quát thế giới như tam quyền phân lập, tự do báo chí, tự do ngôn luận vẫn bị bài xích ở Trung Quốc, thì xu thế đi từ làng ung thư đến sông ung thư sẽ trở nên nhanh hơn nữa. Mấy thế hệ đang sống hiện nay, nhất định sẽ có thể tận mắt nhìn thấy những cảnh tượng bi thảm như sông ung thư, hệ sông ung thư, v.v.”

Khi đó, tôi viết ra những câu như thế vẫn còn cần một chút dùng khí. Sự nổi dậy nhanh chóng của Trung Quốc đã là sự thực không cần bàn cãi, trong ngoài nước đều một bài ca tụng, chỉ duy nhất tôi là ngược lại. Không ngờ, nhiều năm sau, những dự đoán khiến người ta phải kinh hãi này lại thành hiện thực – Phó Vĩnh Quân nói: “10 năm tới, ung thư ở Trung Quốc sẽ như giếng phun! 33% gia đình Trung Quốc sẽ vì thế mà phải dùng hết tất cả những gì tích góp được”, Jack Ma thì nói: “10 năm sau, 3 bệnh ung thư sẽ làm khó mỗi gia đình Trung Quốc”. Dù bạn có vui hay không, Trung Quốc cuối cùng cũng đi từ làng ung thư, đến sông ung thư, thành phố ung thư, quốc gia ung thư.

Thực ra, từ những lời dự ngôn 15 năm trước của tôi đến dự ngôn hiện nay của Phó Vĩnh Quân, Jack Ma đều không được coi là dự ngôn. Bất cứ ai, chỉ cần nắm rõ được sự thực nhất định, những con số cụ thể, vẽ ra được một vài đường đồ thị, đều dễ dàng nhìn ra những đường cong đồ thị kia đang chỉ đến sự hủy diệt một cách rõ ràng.

Blog Trịnh Nghĩa
(Bài viết thể hiện lập trường và quan điểm của cá nhân tác giả)

Xem thêm: