Tôi từng lái xe qua nhiều cung đường của Việt Nam và vô cùng khó chịu vì cứ một quãng lại chình ình một cái trạm thu phí, lại phải cứ móc tiền ra trả.

bot
Trạm BOT Cai Lậy (Ảnh Minh Thiện)

Tôi thầm lặng trả, ngoan ngoãn như một con cừu và đôi lúc cười nhẹ: Ừ, cũng chẳng đáng bao nhiêu. Nhưng có lần không thể chịu nổi trước cái BOT trước sân bay Vinh, thu luôn cả tiền gửi xe máy. Cô thu tiền nói giọng rất hách: “Anh có là Chủ tịch tỉnh anh cũng phải nộp!”. Tôi đưa máy ra chụp ảnh, cô còn kênh cái mặt: “Anh chụp đi. Em được nổi tiếng em càng sướng”

Thái độ này, gương mặt này, tôi đã gặp hầu hết trên suốt các cung đường mà tôi qua, ở đất nước hình chữ S này. Thái độ này, gương mặt này, bao người dân Việt Nam đã phải nhận nhục chịu đựng, ngoan ngoãn cống nạp.

Đằng sau một cô thu tiền là ông chủ BOT, đằng sau ông chủ BOT là một nhóm lợi ích. Và tại sao họ lại vẫn lì lợm, vẫn nhơn nhơn như vậy được, giờ tôi hỏi ai?

Xin trích dẫn ý kiến của PGS Nguyễn Lê Ninh UV MTTQ Tp.HCM: “Từ xưa đến nay, tất cả các tuyến quốc lộ đều là của dân, do dân đóng góp tiền xây dựng cho nên không ai được quyền thu phí người dân. Không nên mượn cớ xây sửa đường mà buộc người dân gánh thêm mức phí vô lý.

Trong vấn đề tại trạm thu phí BOT Cai Lậy, Bộ GTVT có trách nhiệm lắng nghe, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho dân. Lãnh đạo bộ hãy nhìn nhận những điểm chưa hợp lý và khắc phục kịp thời”

Chúng ta biết nhưng chúng ta đã nhẫn nhịn. Bạn nhẫn nhịn, tôi nhẫn nhịn vì chúng ta quen rồi cách nhẫn nhịn này. Tôi không biết bạn nhận xét về chính mình thế nào, nhưng tôi nhận thấy mình nhu nhược, thậm chí là hèn. Nhất là trước những phản ứng của cánh tài xế ở BOT Cai Lậy mấy ngày qua.

Tôi có chữ nghĩa, cũng hiểu biết pháp luật, hay nói những lời hay ý đẹp, thế mà tôi lại không phản ứng, đấu tranh với bất công vô lý được như các anh. Tôi xin lỗi vì đã để các anh đơn độc làm điều đó.

Họ khác tôi một chút, là họ phải cống nạp từng ngày từng ngày một. Đều đặn như một kẻ liên tục bị nhỏ nước tong tỏng vào đầu. Họ sống trong ức chế, phải tìm đủ mọi cách để đối phó với BOT kia.

Tôi đứng ngoài cuộc đấu đó. Và không ít trong các bạn đứng ngoài cuộc đấu đó. Các hội đoàn liên quan đến họ, những người mang bổn phận bảo vệ họ, cũng đứng ngoài cuộc.

Riêng cảnh sát, với những hành động bạn thấy và những thông tin trên báo, họ đứng về ai, bạn sẽ có câu trả lời. Họ đã thu giấy tờ tuỳ thân của một số tài xế. Họ đúng hay sai, mời bạn tham khảo ý kiến của Luật sư Phạm Tất Thắng (Đoàn luật sư Tp.HCM), trên báo Tuổi trẻ sáng nay:

“Việc lực lượng cảnh sát túc trực để điều tiết, giữ gìn trật tự, đề phòng, xử lý hành vi gây rối (nếu có) tại trạm thu phí là cần thiết. Tuy nhiên, phải khẳng định ngay việc tài xế dùng tiền lẻ hay chẵn là quyền của tài xế, không vi phạm pháp luật. Mệnh giá tiền bao nhiêu hoặc phương thức thanh toán nào khác phù hợp (cà thẻ nếu có) giữa tài xế và trạm thu phí là quan hệ dân sự đơn thuần”

Theo luật sư, rắc rối phát sinh giữa tài xế và trạm thu phí chỉ là các bên chưa sử dụng phương thức thanh toán phù hợp. Rắc rối đó, phía tài xế chỉ là thiếu thiện chí trong thanh toán (nếu có) nhưng lỗi của trạm thu phí lớn hơn. Bởi lẽ trạm buộc tài xế đóng phí nhưng lại không chuẩn bị đầy đủ công cụ, phương thức thanh toán. Đó là chưa kể đến việc đặt trạm thu phí tại vị trí đó để thu tiền là chưa đúng.

“Như vậy, lực lượng cảnh sát giao thông tham gia giải quyết rắc rối đó bằng cách thu giữ bằng lái, giấy tờ xe của tài xế là hành vi trái luật”, ông Thắng khẳng định.

Vâng, để các anh không đơn phương, từ nay, trên các cung đường, nhất là các đoạn chi chít trạm thu phí như Bình Phước và Khánh Hoà, tôi sẽ áp dụng theo cách của các anh. Tôi sẽ trả tiền cho các BOT một cách đầy đủ như họ muốn và họ phải trả lại cho tôi phần tiền dư, cho dù chỉ là 100 đồng.

Theo facebook Nguyễn Hoàng Vũ

Xem thêm: