Ngày 16/10 vừa qua, tòa án ở Berlin (Đức) đã xử một cụ bà 88 tuổi tên Ursula Haverbeck với mức án tù giam 6 tháng vì dám công khai phủ nhận tội ác giết người hàng loạt của phát xít (Nazi), tội danh dành cho bà Ursula Haverbeck là “kích động thù hận chủng tộc”.

GettyImages 468901654
Cảnh người Đức tưởng niệm nạn nhân bị phát xít Đức giết hại (Ảnh: Adam Berry/Getty Images)

Tại sao ở đất nước tự do ngôn luận, một bà cụ 88 tuổi lại có thể bị xử tội vì lời phát ngôn? Nguyên nhân vì người Đức không thể khoan nhượng đối với “tàn dư Nazi”, luật pháp nước Đức không khoan nhượng cho kẻ lưu giữ tư tưởng Nazi, cho dù cao tuổi thế nào.

Trước đó, vào tháng Tám, một ông cụ thậm chí còn cao tuổi hơn bà Ursula Haverbeck nhiều, đó là “ông lão Nazi” Oskar Gröning (đã 96 tuổi) cũng bị xử tù. Ông Oskar Gröning là cựu thành viên quân bảo vệ Nazi, kẻ đã hỗ trợ giết hại 300 ngàn người Do Thái trong thời Thế chiến thứ Hai, ông này đã từng bị xử tù giam 4 năm vào tháng 7/2015 nhưng đã kháng án. Sau khi bác bỏ kháng án, tháng 8/2017 vừa qua, tòa án Đức đã không chấp nhận hoãn yêu cầu hoãn thi hành án đối với ông Oskar Gröning, vì xác định tình trạng sức khỏe của ông Oskar Gröning ổn định, chịu được hình phạt.   

Ngoài ra, người Đức cũng đặc biệt nghiêm khắc đối với nhiều tư tưởng và hành vi cực đoan như: kỳ thị chủng tộc, mặc quân phục Nazi, đeo phù hiệu Nazi, chào kiểu Nazi. Ví dụ, ngày 5/8 năm nay, hai người đàn ông Trung Quốc làm tư thế chào kiểu Nazi trước đại sảnh Quốc hội Đức đã bị cảnh sát Đức bắt; Hoàng tử Harry của Anh từng hóa trang mang quân phục Nazi và khen ngợi quân phục “thiết kế rất có hồn”, cho dù lời phát ngôn ở ngoài nước Đức nhưng vẫn bị người dân Đức phẫn nộ lên án…

Thời thế chiến thứ Hai, Nazi đã đưa nước Đức cùng nhiều nước cuốn vào chiến tranh, gây thảm họa tàn khốc cho nước Đức và nhân dân thế giới, đặc biệt là người Do Thái. Sau thế chiến, phải ứng xử với tội ác lịch sử này như thế nào? Đây là bài học mà nhân dân và Chính phủ Đức không thể lơ là. Về mặt này, đa số người Đức chân thành ăn năn, họ chọn cách thẳng thắn nhìn lại trách nhiệm, cùng thảo luận và nỗ lực quét sạch nọc độc của chủ nghĩa Nazi.

Nhưng vì nhiệm vụ hàng đầu sau thế chiến là xây dựng lại đất nước trên đống đổ nát, sau đó lại bị cuốn vào cơn thủy triều chiến tranh lạnh, vì thế ban đầu người Đức chưa thực sự triệt để trong nhìn lại bài học quá khứ này, cho đến những năm 60 – 70 (thế kỷ 20) tình hình mới dần lên cao trào.

Ngày 7/11/1968, ở ngay trước mặt công chúng, cái bạt tai của nữ nhà báo Krasfield dành cho Thủ tướng Kissinger của Tây Đức (là cựu đảng viên và quan chức cao cấp Nazi) đã gây tiếng vang trong công luận. Theo quan điểm của Krasfield, thế chiến thứ Hai mới kết thúc chỉ 20 năm nhưng một cựu quan chức cấp cao và đảng viên Nazi lại có thể đường đường làm thủ tướng liên bang là sự sỉ nhục đối với nước Đức.

Năm 1969, dưới ủng hộ của phong trào sinh viên, Brandt, Chủ tịch đảng Dân chủ xã hội và đồng thời là chiến sĩ chống Nazi đã lên nắm quyền. Ngày 7/12/1970, tại Warsaw, Brandt đã đại diện Liên bang Đức ký hiệp ước hòa bình và hữu nghị với chính phủ Ba Lan. Hôm đó, ông đã có hành động khiến cả thế giới ca ngợi: quỳ tạ tội trước đài kỷ niệm người Do Thái bị Nazi giết hại.

Hiện nay, đài kỷ niệm những người bị Nazi giết hại được dựng lên tại nhiều trung tâm thành phố; bậc học tiểu học ở Đức đã giáo huấn bài học lịch sử thế hệ trước đã khoan hòa như thế nào để giúp cho một tên sát nhân lên cầm quyền, sách đào tạo hành chính quốc gia của Đức chỉ ra nọc động “tàn dư Nazi” như thế nào, bản thân người Đức gây tội ác khủng khiếp như thế nào…

Trong quá khứ, tại những sự kiện quốc tế không chính thức, từng có một thời gian dài người Đức không muốn chủ động nói về quốc tịch của họ, không muốn hát quốc ca, không treo cờ, vì e ngại gây phản cảm. Giới chính trị Đức không thể công khai lên án Israel, ngay cả chuyện Israel ức hiếp người Palestine cũng chỉ biết im lặng, phần nào đó cũng vì “há miệng mắc quai”.

Nhưng dù thế nào, thái độ không khoan nhượng đối với “tàn dư Nazi” đã thành mẫu số chung của người Đức thời hậu chiến. Tâm lý phản tỉnh sâu sắc đối với Nazi đã trở thành một phần tình cảm của người Đức, khắc sâu vào tâm hồn từng người Đức.

Thậm chí, thái độ phản tỉnh chính mình này đã ảnh hưởng toàn châu Âu. Năm 2014, một ứng cử viên phe cực hữu của Pháp vì mang tư tưởng Nazi kiểu mới đã bị hủy bỏ tư cách ứng viên, bị gạch tên khỏi tổ chức đảng; trước đó vài năm, ngôi sao bóng đá Hy Lạp George Katidis đã bị cấm khoác áo tuyển quốc gia suốt đời vì có hành vi ăn mừng kiểu Nazi…

Đối với tư tưởng và hành vi kiểu Nazi, cộng đồng xã hội chủ lưu toàn châu Âu đều đặc biệt cảnh giác, mục đích để ngăn chặn nạn Nazi xuất hiện trở lại.

Nhà văn người Anh Wells từng nói: “Lịch sử là cuộc đấu tranh giữa giáo dục và tai họa.” Việc bắt chước Hitler không thể xem là trò đùa, đó là vấn đề chính trị nghiêm khắc liên quan đến quan niệm lịch sử và nhận diện thị phi. Ngăn chặn mọi yếu tố liên quan đến phát xít có thể hồi sinh là giáo huấn sâu sắc của lịch sử, càng là thể hiện quan trọng mục tiêu bảo vệ nền hòa bình cho loài người.

Blog Hương Bách

Xem thêm: