Cảnh sát Hồng Kông xác nhận, hôm 22/9, trên mặt biển thuộc dãy Đỉnh quỷ (Devil’s Peak) ở khu vực Yau Tong đã phát hiện một thi thể nữ nổi trên mặt nước. Qua điều tra, nhiều khả năng đây là cô gái Hồng Kông mất tích 15 tuổi họ Trần.

Nhiều người từng bên cạnh Trần Ngạn Lâm xác nhận thi thể chính là cô, tuy nhiên, bản thân cô cũng là một kiện tướng bơi lội, cô từng nhiều lần tham gia vào hoạt động phản đối Dự luật Dẫn độ, do đó nguyên nhân dẫn tới cái chết của cô là rất đáng nghi ngờ. Hội đồng Đào tạo Nghề (Vocational Training Council) cũng xác nhận Trần Ngạn Lâm là học sinh của trường thuộc cơ quan này, và xác nhận chuyện tử vong của cô. Thông tin này vừa được truyền ra đã khiến công chúng phẫn nộ, do vụ án xảy ra đúng thời điểm có nhiều sự kiện “bị tự sát”, và phong trào phản đối Dự luật Dẫn độ đang ngày càng nở rộ.

Biểu tình Hồng Kông, người biểu tình bị sát hại
Chân dung cô gái Hồng Kông Trần Ngạn Lâm. Cảnh sát Hồng Kông xác nhận, tháng 9 vừa qua đã phát hiện thi thể nữ lõa thể trên mặt biển ở khu vực Yau Tong, Hội đồng Đào tạo Nghề cũng xác nhận người tử vong là học sinh của trường mình. (Ảnh từ internet)

Cô gái biểu tình 15 tuổi biến thành thi thể trôi trên mặt nước

Theo tờ Apple Daily tại Hồng Kông đưa tin, trên mạng lan truyền một bản tin thông báo tìm người là cô gái 15 tuổi tên Trần Ngạn Lâm, bị mất tích từ ngày 19/9. Gần đây có bình luận trên mạng nói thẳng rằng cô “đã chết rồi, đã biến thành thây trôi”.

Thông báo tìm người tên Trần Ngạn Lâm xuất hiện từ đêm ngày 24/9, được lan truyền trên các nhóm Telegram và diễn đàn Lihkg. Thông báo nói, Trần Ngạn Lâm 15 tuổi, cao 1,53 mét, lần cuối cùng chia tay bạn bè là lúc 2:15 chiều ngày 19/9, 10 phút sau, cô nhắn tin cho bạn mình nói đang trở về nhà.

Đáng tiếc là đã đi 5 ngày nhưng chưa về đến nhà và mất tích từ đó. Sau đó, có người nhặt được điện thoại, thẻ căn cước, thẻ học sinh của cô ở trong trường cô đang theo học thuộc khu vực Tseung Kwan O. Trong khi đó, tuần trước, người phát ngôn của Hội đồng Đào tạo Nghề trả lời chất vấn cũng nói, học sinh Trần Ngạn Lâm 15 tuổi đang học tại Học viện Thanh Niên trực thuộc Hội đồng Đào tạo Nghề, phía nhà trường rất buồn trước thông tin cái chết của em và gửi lời chia buồn sâu sắc tới người nhà của em.

Hôm 22/9, phía cảnh sát Hồng Kông công bố thông tin, trong cùng ngày, trên mặt biển gần dãy Đỉnh quỷ ở khu vực Yau Tong nghi ngờ có người bị đuối nước, tàu cảnh sát đến hiện trường đã vớt được một thi thể nữ không rõ danh tính. Thông tin tại hiện trường cho thấy, thi thể cao khoảng 1,5m, tóc dài màu vàng, suy đoán độ 25 – 30 tuổi, tại hiện trường không phát hiện di thư.

Hôm 5/10, Phòng Quan hệ Công chúng của Cơ quan Cảnh sát Hồng Kông khi trả lời phỏng vấn có nói, qua điều tra sơ bộ, tin chắc rằng người bị hại trong vụ thi thể trôi trên biển này là cô gái 15 tuổi đã mất tích trước đó. Cảnh sát cũng cho biết, giữa tháng 9 đã nhận được báo án mất tích của người nhà, vụ án này được liệt vào “phát hiện thi thể”, và chuyển giao cho Đội trọng án Số 2 thuộc cảnh sát Quận Đông điều tra. Hôm 9/10, phía cảnh sát cũng xác nhận bằng miệng rằng thi thể này chính là cô gái họ Trần mất tích trước đó.

Nguyên nhân tử vong đáng nghi của cô gái Hồng Kông

Những người có liên hệ mật thiết khi Trần Ngạn Lâm còn sống, bao gồm cả bạn bè thân thiết của cô đều cảm thấy vô cùng kinh ngạc trước thông tin cô tử vong, họ nghi ngờ nguyên nhân cái chết của cô.

Ngạn Lâm khi còn sống từng nhiều lần một mình tham gia biểu tình phản đối Dự luật Dẫn độ. Bạn cô đưa ra tin nhắn cuộc trò chuyện hôm 12/6, xác nhận cô có tham gia buổi mít tinh tại Kim Chung trong cùng ngày. Một người bạn khác tiết lộ, trong một cuộc biểu tình tĩnh tọa tại sân bay hồi tháng 8 đã từng gặp mặt cô. Một cư dân mạng đọc được thông báo tìm người trên khu vực thảo luận của diễn đàn Lihkg nói rằng đã từng gặp cô xuất hiện tại hiện trường biểu tình trong “trang phục ngoài phố”.

Ngạn Lâm là kiện tướng bơi lội, từng tham gia vào đội thể thao nhảy nước, khoảng 3 năm trước đã từng được huấn luyện định kỳ về môn nhảy nước. Bạn bè tiết lộ: “Cô có khả năng nhảy từ ván cao 5 mét xuống hồ sâu 5 mét, sau đó tiếp tục tự bơi lên bờ.”

Ngạn Lâm từng học Trường Trung học Kỷ Niệm Đặng Bội Quỳnh Bệnh viện Bác Ái (Pok Oi Hospital Tang Pui King Memorial College). Theo báo cáo của trường cho thấy, trong cuộc thi bơi lội trường trung học khu vực Yuen Long năm 2016-2017, Ngạn Lâm cùng bạn trong đội của trường đã giành được giải xuất sắc bộ môn bơi tiếp sức tự do.

Nói về vụ án này, luật sư kiêm nghị viên Hội đồng Lập pháp thuộc đảng Dân chủ Từ Cẩn Thân (James To) cho biết, liên quan đến sự kiện sẽ do thẩm phán nguyên nhân tử vong ra quyết định điều tra như thế nào. Nếu theo trình tự thông thường, cảnh sát phát hiện thi thể sẽ tận lực điều tra, nhưng hiện nay cảnh sát Hồng Kông chưa hẳn đã được công chúng tin tưởng, thậm chí là một trong những đối tượng bị nghi ngờ. Do đó, ông cho rằng, người nhà cần đề xuất vấn đề với thẩm phán, chỉ thị phía cảnh sát đưa ra hồi đáp. Ví dụ, cô gái liên quan đến vụ việc liệu có phải đã từng bị cảnh sát bắt giữ vì liên quan đến biểu tình phản đối Dự luật Dẫn độ và được thả vào thời điểm nào. Ông cũng kiến nghị người nhà nên chủ động mời cảnh phía cảnh sát điều tra bạn bè xung quanh cô.

Cảnh sát Hồng Kông là ngòi nổ khiến công chúng phẫn nộ

Từ khi phong trào phản đối Dự luật Dẫn độ bùng nổ đến nay, sự kiện người biểu tình “bị tự sát” liên tiếp được lan truyền ra. Gần đây nhất là hôm 10/10, tại Sa Điền xảy ra một vụ nhảy lầu tự tử đến nỗi chân bị đứt rời, nhưng thi thể lại không hề có dấu vết chảy máu, cư dân mạng cho biết người này đã tử vong trước khi rơi xuống đất.

Ngoài ra, từ trước đó đã có thông tin xôn xao về việc cảnh sát Hồng Kông dùng bạo lực tình dục và xâm hại tình dục đối với người biểu tình. Hôm 10/10, có một nữ sinh vừa khóc vừa tố cáo, ở trong trại tạm giam San Uk Lang đã bị cảnh sát bạo lực tình dục, còn có người bị bắt khác nói bị một cảnh sát xâm hại và ngược đãi.

Người biểu tình Hồng Kông, Biểu tình Hồng Kông, Xâm hại tình dục
Mộ nữ sinh Đại học Trung văn Hồng Kông đeo khẩu trang kể về việc bị xâm hại, sau khi bị bắt giam tại trại tam giam San Uk Lang. (Ảnh từ Facebook)

Trong khi đó, nhân vật chính trong vụ án “thi thể trôi trên mặt nước” này lại là một người biểu tình nữ, tử vong trong tình trạng lõa thể, càng khiến công chúng nghi ngờ cảnh sát Hồng Kông xâm hại sau đó sát hại. Do đó, sau khi thông tin về vụ án được lan truyền, công chúng đã vô cùng phẫn nộ.

Chia sẻ trên Twitter, ông Solomon Yue, Phó Chủ tịch Tổ chức Sự vụ Hải ngoại của Đảng Cộng hòa Mỹ cho biết, ông rất nghi ngờ về vụ án này, và ông sẽ nhờ bạn bè chuyển thông tin tới Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Ted Cruz đang ở Hồng Kông.

Một số bình luận của cư dân mạng:

“Chỉ riêng việc nhìn thấy lõa thể, đã biết rằng không phải là tự sát”;

“Thi thể nữ lõa thể, 80% là ‘hắc cảnh’ xâm hại sát hại rồi ném xuống biển”;

“Không chỉ là nữ sinh bị hại đâu, bị cưỡng gian còn có cả nam nữa”;

“Lần này tôi bắt đầu tin là ‘hắc cảnh’ giết người”;

“Thiên thần ơi, hãy cho sét đánh chết những ‘hắc cảnh’ tàn ác kia đi!”;

“Hàng loạt người nhảy lầu, nhảy xuống biển đều không hề có di thư, lại tiếp tục lừa người ư, cảnh sát Hồng Kông và ngũ mao sẽ không có kết cục tốt đẹp”;

“Mới 15 tuổi, một đứa trẻ dũng cảm biết bao nhưng lại gặp phải loại chính quyền này”;

“Công an Trung Quốc ở Trung Quốc Đại Lục đại khái đều giết người như thế này, đổi sang bộ đồng phục cảnh sát Hồng Kông cũng cho rằng có thể làm như vậy tại Hồng Kông”;

“Bạo chính tất vong!”.

Trí Đạt

Xem thêm: