Tăng Khánh Hồng, cựu Phó Chủ tịch nước Trung Quốc là nhân vật thứ hai trong phe cánh cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân (phái Giang), được xem là “quân sư phái Giang”, tham gia vào mọi kế hoạch giúp phái Giang giành quyền lực. Theo điện báo được tổ chức WikiLeaks giải mật, tại Đại hội 17 ông Tăng Khánh Hồng đã tranh giành quyền lực với ông Hồ Cẩm Đào quyết liệt, nhưng cuối cùng ông Hồ Cẩm Đào tự vệ thành công vì biết nhiều vấn đề nhạy cảm về tài chính liên quan đến gia tộc Tăng Khánh Hồng.

Giang Trạch Dân
Tăng Khánh Hồng là nhân vật số hai của phe cánh Giang Trạch Dân, là người đã vạch ra nhiều âm mưu chính trị của phái Giang (Ảnh từ internet).

Từ sau khi ông Tập Cận Bình nhậm chức, những tin đồn về vấn đề đảo chính vẫn thỉnh thoảng lại xuất hiện. Truyền thông Hồng Kông từng chỉ ra, ngay trước thềm Đại hội 18 năm 2012 ông Tập Cận Bình đã biến mất một cách bí ẩn trong 13 ngày. Trong thời gian này, ông Tập Cận Bình đã gặp gần một trăm nhân vật “Thái tử Đảng” quan trọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Tại thời điểm đó, có đến 80% đại diện “Thái tử Đảng” ủng hộ ông Tập Cận Bình; nhưng một thiểu số phe ông Tăng Khánh Hồng đã đưa ra những quan điểm khác nhau.

Giới truyền thông Hồng Kông có chỉ ra, ông Tăng Khánh Hồng tham gia vào việc lập kế hoạch để ông Chu Vĩnh Khang và Bạc Hy Lai làm đảo chính,  trong vòng hai năm sau Đại hội 18 sẽ lấy lại quyền lực cao nhất từ ​​tay ông Tập Cận Bình. Tuy nhiên, âm mưu đảo chính này cuối cùng thất bại sau sự kiện Phó Thị trưởng Trùng Khánh Vương Lập Quân trốn chạy vào Lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô.

Ngoài âm mưu ám sát ông Tập Cận Bình, ông Tăng Khánh Hồng còn thường xuyên tìm cách can thiệp vào chính sự, thậm chí muốn ông Hồ Cẩm Đào giao lại chức Chủ tịch nước.

Ông Hồ Cẩm Đào nhậm chức vào năm 2002. Trong nhiệm kỳ 5 năm đầu, hai ông Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo thường ở trong trạng thái “lệnh không ra khỏi Trung Nam Hải” vì ông Tăng Khánh Hồng và Giang Trạch Dân can thiệp chính sự. Năm 2004, sau khi ông Giang Trạch Dân rút khỏi chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương, nhưng ông Tăng Khánh Hồng vẫn sử dụng quyền lực có từ trước đó để can thiệp việc chính sự của Hồ và Ôn.

Tháng 7/2012, WikiLeaks giải mật một tài liệu điện báo từng gửi cho chính phủ Mỹ ngày 14/2/2007 cho thấy, trước Đại hội 17 việc tranh giành quyền lực cấp cao trong ĐCSTQ đang rất quyết liệt, khi đó ông Tăng Khánh Hồng giữ chức Phó Chủ tịch nước, đã gây sức ép để ông Hồ Cẩm Đào nhường lại chức Chủ tịch nước.

Tiêu đề điện báo: Trước Đại hội Đảng, cuộc đấu tranh bố trí nhân sự dữ dội hơn (PRE-PARTY CONGRESS INFIGHTING OVER PERSONNEL INTENSIFIES).

Theo nội dung của bức điện, ngày 2/2/2007 giáo sư Cốc Tô (Gu Su) chuyên ngành Luật và Triết học Đại học Nam Kinh cho biết, Phó Chủ tịch nước Tăng Khánh Hồng đang đấu tranh vì sinh mệnh chính trị của ông ta.

Người liên lạc với Cốc Tô tại Bắc Kinh cho biết, tại Đại hội 17 ông Tăng Khánh Hồng muốn ở lại Bộ Chính trị, muốn giành chức Chủ tịch từ tay ông Hồ Cẩm Đào. Ông Tăng Khánh Hồng từng giúp ông Hồ Cẩm Đào loại bỏ Bí thư Thành ủy Thượng Hải Trần Lương Vũ, vì cảm thấy ông Hồ Cẩm Đào còn món nợ ân tình với mình.

Bức điện cho biết, ông Hồ Cẩm Đào không muốn bỏ chức vụ Chủ tịch nước, một phần vì Thế vận hội Olympic 2008. Ông Hồ không muốn bỏ lỡ cơ hội làm cho hình ảnh cá nhân nổi bật trên trường quốc tế trong vị thế của một nhà lãnh đạo lớn trên thế giới. Bởi vì chức Tổng Bí thư và Chủ tịch Quân ủy Trung ương không thể giúp ông Hồ giao lưu nhiều với các nhà lãnh đạo thế giới, ông Hồ không muốn chỉ tận hưởng quyền lực ở hậu trường, và để cho ông Tăng Khánh Hồng trở thành tâm điểm chú ý của quốc tế.

Tháng 1/2007 hãng tin Reuters dẫn lời một người trong giới truyền thông có quan hệ với các lãnh đạo cấp cao ĐCSTQ cho biết, phe cánh ông Tăng Khánh Hồng yêu cầu ông Hồ Cẩm Đào nhường lại chức Chủ tịch nước sau năm 2008, chỉ giữ chức Tổng Bí thư và Chủ tịch Quân ủy Trung ương, để cho ông Tăng Khánh Hồng lên chức Chủ tịch nước.

Theo nội dung bức điện, dựa theo lời của giáo sư Cốc Tô thì chính ông Tăng Khánh Hồng đứng sau chủ mưu thông tin mà Reuters đưa tin, ông ta muốn cộng đồng quốc tế chú ý vấn đề này nhằm gây áp lực lên ông Hồ Cẩm Đào, hy vọng được ở lại Bộ Chính trị. Những người ủng hộ ông Tăng Khánh Hồng nói sau lưng rằng, ông Hồ Cẩm Đào không có quyền lực gì nhưng lại giữ ba chức vụ đứng đầu.

Điện báo cho biết, ông Hồ Cẩm Đào từng lấy tấm gương cựu lãnh đạo tối cao Đặng Tiểu Bình hoàn trả toàn bộ chức vụ và rút khỏi Quân ủy Trung ương để thúc ông Giang Trạch Dân noi theo. Bây giờ, những người ủng hộ ông Tăng Khánh Hồng tranh luận rằng, ông Hồ cũng nên làm theo tấm gương của ông Đặng Tiểu Bình, từ bỏ chức vụ Chủ tịch nước, cũng nhấn mạnh thêm rằng không bao giờ ông Đặng Tiểu Bình có ba chức vụ, qua đó lên án ông Hồ rằng: “Ông có noi gương Đặng Tiểu Bình không?”

Ông Cốc Tô cho biết, theo “quy tắc 68 tuổi”, ông Tăng Khánh Hồng đáng lẽ cần nghỉ hưu tại Đại hội 17. Cách duy nhất để ông Tăng Khánh Hồng ở lại là, hoặc Bộ Chính trị phá lệ cho, hoặc được trao chức Chủ tịch nước, Tổng Bí thư hoặc Chủ tịch Quân ủy Trung ương, ba vị trí này có thể cho phép người dưới 70 tuổi đảm nhận.

Điện báo cho biết, dựa theo lời Cốc Tô, các chuyên gia tư vấn của ông Hồ Cẩm Đào đưa ra những quan điểm khác nhau về vấn đề này, có người nói rằng ông Hồ Cẩm Đào nên tìm một giải pháp thỏa hiệp để ông Tăng Khánh Hồng ở lại, thể hiện lòng trung thành và sự khuyến khích giúp đỡ. Những người khác cho rằng để ông Tăng Khánh Hồng ở lại quá nguy hiểm. Ông Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo đồng quan điểm sau này.

Ông Tăng Khánh Hồng là trợ tá và phụ trách tổ chức cho ông Giang Trạch Dân nhiều năm, là người nắm tất cả các hồ sơ nhân sự cấp cao, hiểu tất cả những bí mật của họ. Ông Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo hiểu rõ nếu để ông Tăng Khánh Hồng ở lại, nhiều khả năng rất phiền phức.

Ông Andrew Zhang, người phụ trách tài chính của công ty dịch vụ tài chính nổi tiếng JPMorgan Chase, cũng là phó chủ tịch khu vực Trung Quốc của tập đoàn này cho biết, ông không nghĩ rằng ông Hồ Cẩm Đào ngại ông Tăng Khánh Hồng trong vấn đề chức vụ Chủ tịch nước. Ông chỉ ra, trong cùng ngày mà Reuters đưa tin, ông Hồ Cẩm Đào đã có bài phát biểu tại Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, thảo luận về các vấn đề chống tham nhũng. Theo lời Andrew Zhang, phát biểu của ông Hồ chĩa vào từng người trong Đảng, cho thấy vị thế rất chủ động của ông Hồ Cẩm Đào.

Để giành được chức vụ Chủ tịch nước tại Đại hội 17, phái Giang đã nhiều lần tìm cách ám sát ông Hồ Cẩm Đào nhưng thất bại; trái lại người thừa kế quyền lực phái Giang là Bí thư Thành ủy Thượng Hải Trần Lương Vũ lại bị ông Hồ Cẩm Đào xử lý vì lý do tham nhũng.

Trước Đại hội 17 ông Hồ Cẩm Đào đã nắm được nhiều bằng chứng về tham nhũng của gia tộc ông Tăng Khánh Hồng, và cuối cùng trong một cuộc họp Bộ Chính trị ông Hồ Cẩm Đào đã bất ngờ ra tay hành động, dùng quy tắc ngầm trong Đảng “67 tuổi nghỉ hưu” ép được ông Tăng Khánh Hồng rút lui.

Trong nội bộ phái Giang, vì nhiều lý do khác nhau mà các ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị phái Giang đồng loạt ủng hộ việc ông Tăng Khánh Hồng phải nghỉ hưu, cuối cùng buộc ông Tăng Khánh Hồng phải rút lui.

Truyền thông Nhật Bản có đưa tin, tình hình khi đó cho thấy là người kế nhiệm phái Giang là Bạc Hy Lai xếp hạng cuối cùng trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của ĐCSTQ, phái Giang đành phải tạm thời chấp nhận ông Tập Cận Bình vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị.

Trí Đạt

Xem thêm: