Hôm thứ Năm 6/8, Tổng thống Donald Trump đã ký lệnh hành pháp cấm đối với Tencent và sản phẩm hàng đầu của hãng này là WeChat. Ngoại giới cho rằng, so với Tik Tok thì việc cấm WeChat, ứng dụng liên quan mật thiết đến mọi khía cạnh kinh tế xã hội Trung Quốc, mới thực sự là đòn nặng, ảnh hưởng mạnh mẽ hơn nữa đối với ĐCSTQ.

ung dung wechat mobile
Ngoại giới cho rằng, tiếp theo Tik Tok thì việc Mỹ cấm WeChat, ứng dụng liên quan mật thiết đến mọi khía cạnh kinh tế xã hội Trung Quốc, mới thực sự là đòn nặng, ảnh hưởng mạnh mẽ hơn cả đối với ĐCSTQ. (Ảnh: Shutterstock)

Ông Trump ký sắc lệnh cấm mọi cá nhân, tổ chức tại Mỹ giao dịch với Tencent, chủ sở hữu WeChat, có hiệu lực trong 45 ngày tới. Ngay sau khi lệnh chính thức ban hành, giá cổ phiếu Tencent – công ty mẹ của ứng dụng WeChat sụt giảm đến 10%, đây là mức giảm ngày nghiêm trọng nhất trong vòng 9 năm qua.

Giới phân tích còn chỉ ra, TikTok là phiên bản Douyin ở nước ngoài, được cấu trúc như hai thương hiệu độc lập. Nếu Tik Tok “bán mình”, miễn là có thể thoái vốn kinh doanh ở nước ngoài thì ByteDance vẫn có thể giữ được Douyin tại Trung Quốc. Ngược lại, tình hình WeChat phức tạp hơn nhiều, nó không có thương hiệu độc lập ở nước ngoài và hoạt động kinh doanh của nó không thể tách rời khỏi Tencent, không thể bán được. Một khi hoạt động kinh doanh ở nước ngoài gặp vấn đề, việc sử dụng WeChat ở Trung Quốc cũng có thể bị ảnh hưởng ở một mức độ nào đó. 

WeChat giữ một vị thế quan trọng hơn hẳn so với Tik Tok. WeChat chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc với số lượng người dùng khủng. Nền tảng WeChat đã hoàn toàn can thiệp vào cách thức giao tiếp và ứng xử trực tuyến của người Trung Quốc, cũng đồng thời thay đổi cả cách thức mà họ chuyển tiền cho nhau, thậm chí cách chi trả nhu yếu phẩm. WeChat đã không chỉ còn là một ứng dụng giao tiếp bình thường. Đưa ra so sánh thì, nếu Tik Tok bị chặn, giới trẻ nước ngoài sẽ mất đi một phương tiện giải trí quan trọng, nếu WeChat bị chặn, người Trung Quốc cả trong và ngoài nước sẽ mất đi một “phương tiện sống” quan trọng! 

Người Trung Quốc trong và ngoài nước phụ thuộc quá nhiều vào WeChat 

Chính phủ Trump nhắm vào WeChat, không chỉ là đang nhắm vào nền tảng truyền thông chiếm vị trí phổ biến và toàn diện trong đời sống xã hội Trung Quốc mà còn là nhắm vào ứng dụng quan trọng trong hoạt động kinh doanh xuyên biên giới.

WeChat không chỉ đơn giản là một công cụ giao tiếp bình thường. Bà Danielle Cave, Phó giám đốc Trung tâm Chính sách Mạng Internet Quốc tế thuộc Viện Chính sách Chiến lược Australia cho biết, đây là một “siêu ứng dụng” hiếm có trên thế giới, tích hợp nhiều chức năng, và tham gia vào nhiều hoạt động hàng ngày, bao gồm đọc tin tức, thanh toán hóa đơn và mua sắm trực tuyến…, do vậy lệnh cấm có thể gây ra hậu quả trên diện rộng. 

Tik Tok chủ yếu phục vụ ở phạm vi nước ngoài, trong khi đó khách hàng của WeChat là người Trung Quốc và Hoa kiều. Sức khống chế đối với người Hoa ở nước ngoài đặc biệt đáng báo động. Có thể nói, nguồn tin giả lan truyền trên WeChat đóng vai trò rất quan trọng trong việc “dắt mũi” và thao túng dư luận bằng các quan điểm ​​chính trị.

Nhà phân tích các vấn đề Trung Quốc Yokogawa nhận định, nguồn tin tức và thông tin người Hoa ở Mỹ tiếp nhận chủ yếu là qua WeChat, vì vậy ứng dụng này đã trở thành thứ vũ khí lợi hại của ĐCSTQ sử dụng để can thiệp vào công việc nội bộ của Hoa Kỳ.

Trong những năm gần đây, WeChat trở thành công cụ lan truyền tin tức chính trị sai lệch gây tranh cãi trong cộng đồng người Hoa ở New York và các khu vực khác ở Hoa Kỳ.

Không những vậy, dựa vào ứng dụng này, ĐCSTQ còn có thể dễ dàng tiến hành giám sát và kiểm duyệt người dùng ở cả trong và ngoài nước, can thiệp vào quyền tự do ngôn luận của người Mỹ gốc Hoa, thậm chí phá hoại nền chính trị và bầu cử Tổng thống Mỹ.

Theo phân tích của hãng Bloomberg, tính đến năm 2019, doanh thu bên ngoài Trung Quốc của gã khổng lồ công nghệ Tencent – công ty mẹ của WeChat – chiếm chưa đến 5% tổng doanh thu, tuy nhiên lệnh cấm của Trump sẽ khiến công ty có hơn một tỷ người dùng WeChat trên toàn thế giới này, gặp khốn cảnh trong hoạt động kinh doanh xuyên biên giới. 

Lệnh cấm có thể ảnh hưởng rất lớn đến việc giao tiếp với người dân và các công ty Trung Quốc ở nước ngoài trong tương lai

Phạm vi sử dụng WeChat ở Trung Quốc rất rộng rãi, về cơ bản nó thay thế e-mail và SMS, đồng thời còn được dùng để thanh toán các hóa đơn. Các phần mềm liên lạc ở nước ngoài như WhatsApp, Line và Facebook bị cấm ở Trung Quốc, do vậy việc cấm WeChat ở Hoa Kỳ sẽ khiến người dân và các công ty Trung Quốc gặp khó khăn trong việc giao tiếp với nước ngoài. 

Việc phong tỏa WeChat trong tương lai có khả năng sẽ không chỉ giới hạn ở Hoa Kỳ, mà còn có thể sẽ tiếp tục mở rộng ở các nước phương Tây khác, ảnh hưởng đến sự phổ biến toàn cầu của WeChat. Điều này không phải là không thể, ngày càng có nhiều quốc gia cấm Huawei tham gia xây dựng mạng 5G, đó chính là ví dụ điển hình cho việc cấm sử dụng công nghệ Trung Quốc ở nước ngoài.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Pompeo kêu gọi các quốc gia và các công ty đa quốc gia trên thế giới hưởng ứng “mạng internet sạch“, ngăn chặn các công ty công nghệ từ Trung Quốc phát triển thị trường nước ngoài. Hiện nay, đã có hơn 30 quốc gia và khu vực mong muốn trở thành “quốc gia sạch”, và nhiều công ty viễn thông quốc tế cũng đồng ý trở thành “công ty viễn thông sạch”. Nếu càng nhiều hơn nữa các quốc gia châu Âu hưởng ứng lời kêu gọi của Pompeo, có thể đẩy nhà cung cấp dịch vụ đám mây của Trung Quốc lâm vào khốn cảnh.

Hiện cả Tencent lẫn ngoại giới đều vẫn đang nghiên cứu mức độ tác động của lệnh cấm từ Mỹ sẽ như thế nào. 

“Vận mạng” các doanh nghiệp Tencent ở nước ngoài ra sao?

WeChat đóng vai trò “con ruột cưng” trong số rất nhiều các “con nuôi” khác của Tencent ở Hoa Kỳ. 

Năm 2012, Tencent mua lại 48,4% cổ phần của tập đoàn trò chơi Epic Games. 

Gã khổng lồ công nghệ này cũng sở hữu 5% cổ phần của loạt trò chơi điện tử “Call of Duty” của Activision Blizzard. Tháng 12/2015, nhà phát triển trò chơi điện tử Riot Games tiết lộ, Tencent đã mua lại tất cả cổ phần của công ty và biến nó thành công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của Tencent.

Vào năm 2017, Tencent đã mua lại 12% cổ phần của Snap, công ty sở hữu các sản phẩm như Snapchat và kính thông minh “Spectacles”. 

Cũng năm 2017, với 5% cổ phần được thâu tóm, “gã khổng lồ” công nghệ của Trung Quốc – Tencent trở thành cổ đông lớn thứ 5 tại Tesla với gần 8,2 triệu cổ phiếu, giúp Tencent gia tăng sự hiện diện trong lĩnh vực xe điện và xe tự hành, vốn đang là xu hướng của ngành công nghiệp ô tô.

Tencent Music được niêm yết trên sàn Nasdaq tháng 12/2018. Đến tháng Ba năm nay, Tencent tiếp tục mua lại 10% cổ phần của Universal Music Group (UMG).

Ngoài ra, Tencent cũng đã đầu tư vào nhiều công ty niêm yết tại Hoa Kỳ, bao gồm DOYU và HUYA.

Phạm vi rộng rãi trong các tuyên bố của Tổng thống Trump để ngỏ khả năng Mỹ có thể ngăn cản mọi giao dịch với Tencent, giáng một đòn mạnh vào hoạt động kinh doanh của công ty này tại Mỹ. Những công ty mà Tencent nắm cổ phần sẽ bị cắt khỏi công ty này. Số phận của các công ty được Tencent mua lại cũng đang thu hút sự quan tâm của ngoại giới. 

Hãng tin Bloomberg phân tích, mặc dù lệnh cấm của Tổng thống Trump áp dụng với WeChat nhưng không công bố lệnh cấm đối với các doanh nghiệp khác của Tencent. Tuy nhiên, sáng kiến “mạng internet sạch” của Pompeo lại có liên quan đến dịch vụ đám mây của Tencent, truyền thông trên WeChat… Vì vậy, ngoại giới đang chờ xem màn hành động tiếp theo của Hoa Kỳ sẽ như thế nào.

Ngoài ra, truyền thông Ấn Độ đưa tin, nước này cũng có thể cấm công ty “Supercell” của Phần Lan mà Tencent nắm giữ phần lớn cổ phần.

Ấn Độ, quốc gia gần đây đã có xung đột ngoại giao gay gắt với Trung Quốc, đã cấm 59 ứng dụng liên quan đến Trung Quốc, bao gồm cả các app game thuộc Tencent, đây cũng có thể là hành động Hoa Kỳ có thể tham khảo.

Văn Khả Y

Xem thêm: