Trước thềm cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp Hồng Kông sẽ diễn ra vào ngày 4/9, điều chính quyền Trung Quốc quan ngại nhất là quyết tâm của các ứng viên trẻ có tư tưởng chống đối. Do đó, họ đã yêu cầu ứng viên khi đăng ký tranh tuyển phải ký một biên bản cam kết, trong đó thừa nhận rằng Hồng Kông là “một bộ phận không thể tách rời” của Trung Quốc.

Phong trào chiếm Trung tâm Hồng Kông năm 2014 (Ảnh: Katie Brinn/Flickr)
Phong trào chiếm Trung tâm Hồng Kông năm 2014 (Ảnh: Katie Brinn/Flickr)

Chỉ trong một tuần qua, các quan chức bầu cử đã tước tư cách ứng viên của 6 người cự tuyệt ký vào giấy cam kết. Ngoài ra, ứng viên Lương Thiên Kỳ, 25 tuổi, mặc dù có ký giấy cam kết nhưng do trước đây từng tham gia phát ngôn về Phong trào Hồng Kông Độc lập nên cũng bị tước tư cách. Bất chấp việc ông này gần đây đã nói rằng sẽ ngừng ủng hộ Hồng Kông độc lập, các quan chức đã dẫn một số bài viết trên facebook và trên báo để quy chụp rằng lập trường của ông vẫn chưa “thành thật thay đổi”.

30 luật sư có uy tín, bao gồm cả cựu Chủ tịch Đoàn Luật sư trong tuần này cùng đồng loạt đưa ra tuyên bố phản đối chính phủ. Họ nói, dựa trên luật pháp Hồng Kông, quan chức không có quyền đánh giá hồ sơ của ứng viên, càng không được dùng lý do rằng “ứng viên không đủ khả năng tuân thủ luật pháp cơ bản” dựa trên các quy định của đảng đương quyền để tước tư cách ứng cử, điều này hoàn toàn là một quyết định mang tính chính trị.

Tờ Wallstreet Journal viết, vào năm 2014, trong thời gian 75 ngày của Phong trào chiếm Trung tâm đòi đảm bảo quyền tự trị và phổ thông đầu phiếu, Phong trào Hồng Kông Độc lập chỉ có một vai trò rất nhỏ ở bên lề. Tuy nhiên, khi chính phủ phản ứng cứng rắn đối với các cuộc vận động đòi dân chủ, đã phê phán phong trào như một nhóm các phần tử cực đoan. Điều này ngược lại càng làm phong trào nhận được nhiều tín nhiệm, đặc biệt từ những người trẻ tuổi.

Bài viết cũng nói thêm, tước tư cách ứng cử của những người này, sẽ chỉ càng có tác dụng ngược, càng cấp thêm động lực lớn hơn cho họ.

Ông Lương Chấn Anh, Trưởng đặc khu Hồng Kông, không lâu sau hiệp ước với Phong trào Dù, trong một bài phát biểu về chính sách đã đặc biệt điểm danh và đả kích một số ít người được cho là đã viết bài kêu gọi Hồng Kông độc lập trên tờ báo “Học Uyển” của trường Đại học Hồng Kông. Kết quả là tờ báo này bán đắt như ‘tôm tươi’.

Năm ngoái, Đại học Hồng Kông đã trưng cầu ý kiến của 570 sinh viên, có 28% số người ủng hộ Hồng Kông độc lập, so với năm trước đó là tăng gấp đôi. Mùa hè năm nay, khi trưng cầu ý kiến của toàn thành phố thì có 17% số người tán thành Hồng Kông độc lập.

Wallstreet Journal viết, nếu chính quyền Trung Quốc gia tăng hành động loại trừ các ứng cử viên ủng hộ Hồng Kông độc lập, đến mức như trước kia thực hiện đả kích “chủ nghĩa ly khai” ở Đại Lục nhằm ngăn cản Đài Loan tách ra làm nước riêng, sẽ chỉ càng làm cho số người ủng hộ Hồng Kông độc lập tăng cao. Những ứng cử viên bị tước tư cách hiện nay đều đã gửi kiến nghị lên toà án, với các lý do và luận chứng mạnh mẽ về việc các quan chức bầu cử đã vi phạm pháp luật.

Tự Minh

Xem thêm: