Ngày 23/3, lần đầu tiên trên cương vị Phó chủ tịch nước, ông Vương Kỳ Sơn có cuộc gặp mặt với ngoại trưởng Philipines; ngày 24, ông tiếp tục gặp mặt nhiều lãnh đạo cấp cao của các công ty lớn tại Mỹ. 

vương kỳ sơn
Ông Vương Kỳ Sơn (Ảnh: Worldjournal)

Truyền thông Trung Quốc Đại Lục đưa tin, ngày 23/3, tại Trung Nam Hải, ông Vương Kỳ Sơn đã có cuộc gặp với ông Alan Peter Cayetano – ngoại trưởng Philippines. Đây là lần đầu tiên ông Vương Kỳ Sơn có hoạt động đối ngoại trên cương vị Phó chủ tịch nước Trung Quốc, điều này cũng được cho rằng là bằng chứng rõ ràng về phương hướng chính trị trên lĩnh vực ngoại giao của ông Vương Kỳ Sơn khi quay trở lại chính đàn Trung Quốc.

Ngày 24/3, ông Vương Kỳ Sơn lại tiếp tục có cuộc gặp mặt với lãnh đạo các công ty lớn tại Mỹ. Truyền thông Trung Quốc đưa tin về việc này nói, diễn đàn cấp cao do Quốc vụ viện Trung Quốc tổ chức đã được khai mạc ngày 24/3, tham dự diễn đàn có hơn 100 khách mời là nhân vật cấp cao của các doanh nghiệp nước ngoài.

Tờ Minh Báo (Mingpao) của Hồng Kông tiết lộ nhiều chi tiết liên quan tới cuộc gặp này. Minh Báo dẫn nguồn tin cho biết, ông Vương Kỳ Sơn không phải là người tham dự diễn đàn, tuy nhiên chính quyền Trung Quốc lại sắp xếp cho ông gặp mặt với nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp nước ngoài tham dự diễn đàn.

Bản tin nói, các doanh nghiệp này đa số là doanh nghiệp Mỹ, trong đó có Sundar Pichai, Tổng giám đốc của Google; Virginia Rometty, Tổng giám đốc điều hành của IBM; Stephen Schwarzman, Tổng giám đốc điều hành của Tập đoàn Blackstone; Peter Thiel, người đồng sáng lập Paypal; Dennis Muilenburg, Tổng giám đốc điều hành của Boeing; v.v.

Cùng ngày, trang Nhật báo Pháp luật (legaldaily.com.cn)  tại Đại Lục đăng bài viết với tiêu đề “Nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ phản đối việc thu thuế cao đối với sản phẩm Trung Quốc”, bài viết nhắc đến các doanh nghiệp lớn như Apple, Google, Nike, v.v. ký tên vào đơn thỉnh nguyện.

Học giả Hà Thanh Liên hiện sống tại Mỹ viết trên Twitter cá nhân của mình nói, trong cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ, kế hoạch “Made in China 2025” trở thành mục tiêu chính. Trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, cơ giới hóa, máy tính lượng tử, v.v, Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh với Mỹ, tuy nhiên Mỹ không thể để Trung Quốc dẫn đầu trong các lĩnh vực này được, bởi vì liên quan đến an ninh quốc gia và an ninh quân sự của Mỹ.

“Sau khi ông Trump ký bản ghi nhớ, sẽ có thời gian 60 ngày để tham vấn, và phải xem kết quả đàm phán mới biết được thuế quan sẽ được thực thi như thế nào.”

“Trung Quốc không có trong tay nhiều lựa chọn, nhưng có thể thông qua vận động hành lang với giới doanh nghiệp và Phố K của Mỹ”.

Theo tài liệu công khai: Phố K ở Washington là nơi tập trung các cơ cấu vận động hành lang chuyên nghiệp và có sức ảnh hưởng lớn ở Mỹ, trong số cơ cấu này, đại đa số đồng thời là các trung tâm luật sư cấp cao. Nhiều nghị viên Quốc hội Mỹ sau khi rời Capitol Hill, đều đến Phố K để làm nghề vận động hành lang. Nhiều quan chức chính phủ Mỹ sau khi hết nhiệm kỳ cũng tới đây làm việc.

Ngày 22/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký bản ghi nhớ hành chính, công bố phương án trừng phạt thương mại đối với hàng loạt sản phẩm Trung Quốc, các sản phẩm Trung Quốc sẽ bị đánh thuế nhập khẩu khoảng 60 tỉ đô la Mỹ. Vài tiếng sau khi thông tin này được công bố, phía Trung Quốc đã lựa chọn biện pháp đáp trả, tuyên bố đánh thuế 3 tỉ đô la Mỹ đối với các sản phẩm của Mỹ.

Ông Vương Kỳ Sơn trở lại chính đàn, đúng lúc tranh chấp thương mại Trung – Mỹ đang trở lên căng thẳng, 2 tháng trước đó, Ủy viên Quốc vụ viên Trung Quốc Dương Khiết Trì đã trở về tay không từ Mỹ, sau đó, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Lưu Hạc tiếp tục đến thăm Mỹ, với mong muốn hóa giải quan hệ căng thẳng đang leo thang nhanh chóng giữa Trung Quốc và Mỹ, tuy nhiên ông Trump đã từ chối hội kiến với ông Lưu Hạc.

Nhà bình luận chính trị Lý Mục Dương cho biết, trong tình hình như thế này, rất nhiều người đều đã chuyển ánh mắt và tập trung vào ông Vương Kỳ Sơn, liệu ông có “cứu hỏa” thành công quan hệ thương mại Trung – Mỹ hay không thì vẫn cần đợi quan sát thêm.

Trí Đạt

Xem thêm: