Phóng viên tờ CNN đã tiến hành nhiều cuộc phỏng vấn qua điện thoại với các cư dân ở Vũ Hán để tìm hiểu về việc tiến hành cách ly tại đây. Chỉ trong thời gian ngắn, Vũ Hán đã xây dựng xong 2 bệnh viện dã chiến với hơn 3.600 giường bệnh, đồng thời chuyển đổi hàng trăm khách sạn, ký túc xá .. thành những trung tâm cách ly tạm thời. Tuy vậy, lệnh yêu cầu gấp rút thực thi việc cách ly đã khiến xảy ra rất nhiều nhầm lẫn, những người khoẻ cũng bị gom đi cách ly, kéo theo nguy cơ lây nhiễm hàng loạt.

shutterstock 1647604066
(Ảnh minh hoạ: Shutterstock)

Sau khi những người đứng đầu Vũ Hán và Hồ Bắc bị cách chức do thất bại trong việc xử lý tình hình dịch bệnh, hai người khác được trung ương ĐCSTQ cử đến thay thế đều theo đường lối hành pháp cứng rắn. 

Ông Vương Trung Lâm (Wang Zhonglin) – tân bí thư Vũ Hán – gần như đã ngay lập tức thi hành các biện pháp cách ly mạnh tay.  

Theo lệnh ông Vương, thành phố bắt đầu cuộc vây bắt trong 3 ngày đối với những người có khả năng nhiễm virus corona. Nhiều người bị cấm rời khỏi khu nhà, thậm chí chỉ để ra ngoài mua rau. Các siêu thị ngừng bán hàng cho cá nhân, chỉ chấp nhận “đơn đặt hàng theo nhóm” từ các cộng đồng.

Ông Vương cảnh báo một cách cứng rắn rằng những người đứng đầu các quận sẽ phải chịu trách nhiệm nếu sau thời hạn vây ráp kết thúc vẫn tìm thấy ai đó bị nhiễm hoặc nghi nhiễm bệnh tại nhà. 

Chính quyền các khu vực ngay lập tức đã triển khai việc “gõ cửa từng nhà” để dồn tất cả các bệnh nhân nhiễm bệnh trong tình trạng nặng đang tự cách ly tại nhà vào các cơ sở y tế để điều trị. Những người nhiễm bệnh nhưng có triệu chứng nhẹ hơn sẽ được đưa tới các bệnh viện dã chiến gọi là “Fangcang” (Phương Thương) được xây lên từ sân vận động hay phòng triển lãm.

Tính đến ngày 18/2, hơn 8.500 bệnh nhân đã được đưa vào 12 bệnh viện dã chiến Fangcang, theo Tân Hoa xã.

Đối với các ca nghi nhiễm, hay những người tiếp xúc gần các ca bệnh và những người bị sốt khác sẽ được đưa vào các trung tâm cách ly tạm thời được lập ra tại các khách sạn bị trưng dụng hoặc các ký túc xá trường đại học.

Đến ngày 19/2, cảnh sát Vũ Hán đã đưa hơn 22.000 người từ nhà họ tới các bệnh viện và các trung tâm cách ly, theo Bộ công an Trung Quốc.

Câu chuyện thứ nhất: Người khoẻ mạnh bị chuyển tới 3 nơi cách ly

Cô Vương (bí danh) và chồng là hình ảnh của một gia đình trung lưu điển hình ở Vũ Hán, đại đô thị bên sông Dương Tử. Cuộc sống của họ, như hàng triệu người khác trong thành phố, đã bị đảo lộn khi dịch bệnh bùng phát. 

Chồng cô đã bị ốm vào ngày 22/1. Cô đã chăm sóc anh tại nhà 3 ngày trước khi anh được nhập viện. Sau đó, cô cũng bắt đầu bị sốt và tự cách ly vào ngày 28/1 sau khi bị 3 bệnh viện ở Vũ Hán từ chối. Thay vào đó, cô được cho thuốc và hướng dẫn tự cách ly tại nhà. Một tuần sau, cơn sốt của cô tự giảm và thân nhiệt trở lại bình thường.

Uỷ ban khu phố đã sắp xếp cho cô làm hai xét nghiệm axit nucleic, và cả hai lần đều âm tính với virus corona. Dù có kết quả như thế, cô nói uỷ ban vẫn nhất định bắt cô phải chuyển tới một “khách sạn cách ly”- một trong hơn 500 trung tâm cách ly tạm được chính phủ dựng lập trong các khách sạn, ký túc xá đại học trong thành phố. 

Các tổ dân phố địa phương là một trong những tàn tích điển hình còn lại từ thời Mao Trạch Đông, đóng vai trò trung gian giữa người dân và chính quyền, cũng như duy trì trật tự và ổn định ở cơ sở. Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh bùng phát, họ bị đẩy lên tuyến đầu trong cuộc đấu tranh chống virus với nhiệm vụ sàng lọc cư dân để tìm ra người nghi ngờ nhiễm bệnh, phân phối hàng hoá cho cộng đồng và phối hợp với các bệnh viện.

“Họ không cho tôi nhập viện khi tôi ốm. Hiện nay tôi đã khoẻ, thì họ bắt tôi vào đây,” cô Vương, yêu cầu dùng bí danh do sợ rắc rối, trả lời cuộc phỏng vấn với CNN qua điện thoại. “Tôi rất tức giận, vì cảm thấy tôi không cần phải đến đây,” cô nói.

“Tôi không còn lựa chọn nào… Tôi buộc phải tuân theo.”

Tại khách sạn cách ly, cô Vương được chụp phổi một lần nữa hôm 16/2. Kết quả cho thấy tình trạng nhiễm trùng trong phổi cô đã biến mất. Bác sĩ nói cô đã bình phục.  

Tuy nhiên, vào ngày 18/2, mọi việc đảo ngược khi uỷ ban khu phố nói rằng cô không thể về nhà vì không thể trình cho họ “giấy xuất viện.” Thay vào đó, cô phải tới bệnh viện Fangcang. Cô Vương phản đối, cho biết cô không có cách nào để có tờ giấy đó vì cô chưa bao giờ nhập viện. 

“Họ nói nếu tôi từ chối không đi, cảnh sát sẽ tới và ép buộc tôi phải đi,” cô Wang nói với CNN.

Bệnh viện container Vũ Hán: 1000 người dùng chung nhà vệ sinh không người quét dọn

Chiều hôm đó, cô Vương bị đưa tới một bệnh viện dã chiến Fangcang được biến đổi từ Trung tâm hội nghị triển lãm Optics Valley cùng với hơn 40 người khác. Vào tuần trước đó khi trung tâm này mới khánh thành, đài phát thanh truyền hình quốc gia CCTV đã ngay lập tức chiếu cảnh những khu vực mới bóng loáng của nơi này lên Tivi.

Tuy nhiên, các điều kiện trong “bệnh viện” trên thực tế lại khác hẳn. Các túi rác, những đĩa thức ăn thừa và khẩu trang đã sử dụng chất đống trên sàn nhà; không có thuốc hay việc điều trị nào cho bệnh nhân ngoại trừ việc kiểm tra thân nhiệt hàng ngày. “Ở đây, hai bác sĩ phụ trách 200 bệnh nhân,” cô Vương cho biết. 

Không có lò sưởi trong phòng, thay vào đó, những người bị cách ly được phát chăn giữ nhiệt. Dãy nhà vệ sinh lắp ghép nằm bên ngoài trong tiết trời lạnh giá. “Điều kiện ở đấy quá khắc nghiệt,” cô Vương nói. Cô lo rằng các bệnh có thể dễ dàng lan rộng trong không gian rộng với đầy những dãy giường bệnh không vách ngăn ở đây.

Các bệnh viện Fangcang vốn được chỉ định cho những bệnh nhân nhiễm virus corona có triệu chứng nhẹ. Do vậy, cô Vương nói cô và một vài bệnh nhân khác đều có kết quả xét nghiệm âm tính đã bị đưa đến những nơi này là một sự nhầm lẫn.

“Tôi nghĩ giờ đây họ đang thực hiện chính sách quét sạch,” cô Vương nói, nhằm đến chỉ thị “bắt tất cả những ai cần bắt” của chính phủ. “Họ thà bắt nhầm 10.000 người còn hơn bỏ sót 100 người.”

Tối ngày 19/2, cô Vương đã gọi cho trung tâm điều hành dịch bệnh của thành phố để khiếu nại về vụ việc của mình. Sáng hôm sau, một bác sĩ đến báo rằng cô có thể về. Tuy nhiên, thay vì về nhà, cô và một vài người “nhầm lẫn” khác lại được đưa đến một khách sạn cách ly khác, do họ đã ở cùng những người bị nhiễm bệnh. 

Cô Vương nói cô không biết sẽ phải ở đó trong bao lâu.

Cô Vương là một trong hàng nghìn người bị cách ly không tự nguyện ở Vũ Hán. Các cá nhân được cho là có nguy cơ cao như có dấu hiệu nhiễm virus, hoặc những người tiếp xúc gần những người đã mắc bệnh đều bị chuyển khỏi khu dân cư và đưa tới hàng trăm trung tâm cách ly tạm  được dựng lên khắp thành phố. Tuy nhiên, một số bệnh nhân đã khỏi bệnh – như cô Vương – lại bị cưỡng chế đi cách ly trong cuộc vây bắt khổng lồ của chính quyền thành phố và bị đặt vào tình huống có thể bị lây nhiễm chéo bất kỳ lúc nào.

 

Câu chuyện thứ 2: Vây bắt

Cô Vương không phải là trường hợp duy nhất bị “bắt nhầm” trong đợt vây bắt.

Ngày 18/2, anh Ba Hán Lâm (Bo Hanlin), một nhiếp ảnh gia ở độ tuổi 30, bị cưỡng ép vào khu cách ly của bệnh viện, nơi từng từ chối vợ anh hai tuần trước đây.

Hai tuần trước đó, vợ anh Ba đã phải đăng bài viết lên mạng xã hội (hiện đã bị xóa) cầu xin được giúp đỡ vì cô không được nhập viện. Sau khi bài viết của cô được xem hàng trăm nghìn lần và được các nhà chức trách chú ý đến, cô cuối cùng cũng được nhập viện điều trị và đã khỏi bệnh sau đó.

Lo lắng cho sức khỏe của mình, anh Ba đã đi chụp phổi nhưng không có dấu hiệu nhiễm bệnh. Hai lần xét nghiệm cuống họng theo lệnh của uỷ ban khu phố cũng đều cho kết quả âm tính, nhưng lúc đó anh không được thông báo kết quả. 

Ngày 18/2, sau khi đã tự cách ly 11 ngày, uỷ ban nói anh phải làm xét nghiệm axit nucleic lần thứ ba. Anh Ba bối rối và từ chối, yêu cầu được biết kết quả các lần xét nghiệm trước. Nhưng uỷ ban gọi điện thoại cho cảnh sát khu phố, họ tống anh lên một xe cấp cứu đưa tới bệnh viện.

Tuy nhiên, đó chỉ là một cái bẫy để đưa anh đến khu cách ly. Trên xe còn có 5 người khác cũng nói họ không có triệu chứng bệnh nào sau khi đã làm xét nghiệm cuống họng và chụp phổi. Họ phản kháng và bị cảnh sát trong những bộ đồ bảo hộ vây quanh, một xe cảnh sát được gọi đến.

Giữa lúc bế tắc, một nhóm bác sĩ từ bệnh viện được gọi đến để thuyết phục. Các bác sĩ xem xét kết quả xét nghiệm và “hoàn toàn không nói nên lời,” anh Ba nói.

“Các bác sĩ đã hét lên với những viên cảnh sát: Tất cả những người này đều âm tính, vì sao các ông đưa họ đến bệnh viện để cách ly?” anh Ba kể lại.

Cuối cùng họ được phép về nhà. Anh Ba cho biết anh đã gọi vào đường dây nóng của thị trưởng thành phố để kháng nghị về trường hợp của mình.

 “Tôi thấy rất tức giận với việc này. Có quá nhiều người không được vào viện, giường bệnh cũng không đủ, vì sao họ cách ly những người khoẻ mạnh?”

Chỉ mới tuần trước, CNN cho biết họ đã phát hiện hàng trăm người tuyệt vọng đăng các tin cầu cứu lên mạng xã hội để những người thân đang đau ốm của họ được vào viện. Một số người nhiễm virus đang chết dần tại nhà mà không được chữa trị.

“Tôi không cần họ xin lỗi – họ nên xin lỗi các bác sĩ và những người dân không được nhập viện,” anh Bo nói về chính phủ.

Uỷ ban y tế thành phố Vũ Hán không trả lời CNN về trường hợp cô Vương và anh Ba.

Câu chuyện thứ 3: “Chúng tôi chỉ có thể vâng lời và tin vào chính phủ.”

Một phụ nữ khác nói với CNN rằng toàn thể gia đình người chú của cô đã bị đưa vào khách sạn cách ly hôm 19/2, một tháng sau khi chú không được nhập viện vì viêm phổi do virus corona.

Không ai trong số 6 thành viên của gia đình có bất kỳ triệu chứng nhiễm bệnh nào trong tháng qua, họ đã tự cách ly tại nhà. Người chú cũng đã có những bản phim chụp phổi rõ sau khi được xuất viện, cô nói. Tuy nhiên, tất cả cũng vẫn phải đi cách ly.

Người phụ nữ nói rằng cô lo lắng cho ông bà cô ở độ tuổi 80 và đứa cháu mới 10 tuổi.

“Họ đều ở trong nhóm dễ tổn thương vì hệ miễn dịch yếu, làm sao họ có thể chịu đựng được những điều này chứ?” người phụ nữ giấu tên nói.

Khi CNN liên lạc lại với cô hôm thứ Tư, cô nói cả gia đình đã “tình nguyện” vào khách sạn cách ly, một hành động “hy sinh bản thân” cho sự tốt đẹp hơn của Vũ Hán.

“Không còn cách nào khác, đây là chính sách. Chúng tôi chỉ có thể tuân lệnh và tin vào chính phủ,” cô nói trong tin nhắn.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố một “cuộc chiến tranh nhân dân” chống lại virus corona mới, thúc giục các cấp chính quyền “dựa vào quần chúng để quyết tâm kiềm chế dịch bệnh lan rộng.”

Ông Vũ Cường (Wu Qiang), một nhà phân tích chính trị tại Bắc Kinh, nói rằng ngôn ngữ chiến tranh và cụm từ “bắt tất cả những ai cần bắt” đã được các quan chức Trung Quốc sử dụng trước đó trong cuộc đàn áp thẳng tay với những người thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

“Họ vay mượn các biện pháp chống khủng bố ở Tân Cương để xử lý khủng hoảng dịch bệnh,” ông nói.

Từ 2017, Trung Quốc đã tống giam hàng triệu người Ngô Duy Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác vào cái mà Bắc Kinh miêu tả là “các trung tâm dạy nghề” như một phần của chiến dịch “chống cực đoan hoá.” Tuy vậy các tù nhân cũ đã miêu tả chúng giống như nhà tù với các cáo buộc về việc ngược đãi, tra tấn và cưỡng bức giáo dục chính trị bằng bạo lực. Bắc Kinh phủ nhận những cáo buộc này.

“Tôi cho rằng đây cũng là lý do vì sao ban lãnh đạo trung ương và ông Tập quyết định phái đến Hồ Bắc các quan chức hành pháp cứng rắn, trung thành, và hiểu biết về chống khủng bố,” ông Vũ nói.

Xuân Lan

Xem thêm: