Dịch viêm phổi tạ Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) đang tiếp tục lây lan, hôm 11/1, cơ quan chức năng Trung Quốc xác nhận đã xuất hiện trường hợp tử vong đầu tiên, đồng thời có 7 trường hợp nghiêm trọng. Chuyên gia chỉ ra, loại virus corona mới ở Vũ Hán này có trình tự gen giống virus corona ở dơi đến 87% và giống với trình tự gen của virus SARS khoảng 79%.

Đeo khẩu trang
(Ảnh minh họa từ leungchopan/Shutterstock)

Cuối năm ngoái, thành phố Vũ Hán bùng phát “dịch viêm phổi không rõ nguyên nhân”. Biểu hiện lâm sàng của người bệnh chủ yếu là sốt cao, số ít xuất hiện triệu chứng khó thở, ảnh chụp X-quang cho thấy 2 phổi bị tổn thương xâm lấn, kết quả giám định virus được công bố vào ngày 8/1/2020, cơ quan chức năng Trung Quốc xác định đây là “virus corona mới”.

Theo thông báo hôm 11/1 của Ủy ban Y tế và Sức khỏe thành phố Vũ Hán, tính đến ngày 10/1, có 41 trường hợp viêm phổi chẩn đoán bước đầu là do virus corona mới, trong đó có 7 trường hợp nghiêm trọng, 1 trường hợp tử vong. Tất cả 739 người tiếp xúc, bao gồm cả 419 nhân viên y tế, nhân viên y tế chưa phát hiện trường hợp bệnh nào, cũng không phát hiện chứng cứ rõ ràng cho thấy lây truyền từ người sang người.

Điều đáng chú ý đó là, trường hợp tử vong đầu tiên là một người đàn ông 61 tuổi, người này đồng thời có khối u ở bụng và bệnh gan mãn tính, sau khi chẩn đoán thì tử vong vào ngày 9/1. Được biết, người tử vong này trước đó thường đến chợ hải sản Hoa Nam để mua thực phẩm.

Tờ HK01 tại Hồng Kông đưa tin, Giám đốc Trung Tâm Y tế dự phòng Đài Loan Hoàng Gia Khánh hôm 11/1 đã báo cáo với ngoại giới về tiến triển mới nhất của những trường hợp viêm phổi tại Vũ Hán. Giáo sư Viên Quốc Dũng thuộc bộ môn Bệnh truyền nhiễm, khoa Vi sinh của Học viện Y Lý Gia thành – Đại học Hồng Kông cũng có mặt.

Ông Viên Quốc Dũng cho biết, toàn bộ trình tự gen của virus “Viêm phổi Vũ Hán” có 30.200 thông tin, giống với loại beta coronavirus, trong đó gần giống với loại virus SARS trên dơi, “dù là virus SARS trên người, virus SARS trên loài cầy hương, toàn bộ trình tự gen đều giống nhau đến 80%”.

Ông Lưu Minh Xán, nghiên cứu viên thuộc Trung tâm Kiểm nghiệm và Nghiên cứu vắc xin thuộc cơ quan Kiểm soát dịch bệnh Hồng Kông chỉ ra, nhóm nghiên cứu đã tiến hành so sánh và phát hiện, loại virus corona mới có trình tự sắp xếp gen giống với loại virus corona trên dơi lên đến 87,6%, giống với loại virus gây bệnh đường hô hấp cấp tính nặng (SARS) lên đến 79%, giống với loại virus gây ra Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) khoảng 52,5%, điều này cho thấy tỉ lệ truyền nhiễm do dơi là tương đối cao, nhưng thực tế nguồn lây nhiễm vẫn chưa xác định rõ được.

Ông Viên Quốc Dũng cho biết, lo lắng nhất chính là dịch bệnh giống với SARS năm 2003. Ông lấy ví dụ trường hợp bùng phát dịch SARS tại Hồng Kông, khi đó dịch bệnh chia làm 3 giai đoạn, thời điểm đó động vật hoang dã lây lan virus cho người không quá mạnh mẽ, nhưng sau khi vào bệnh viện thì lại lây sang nhân viên y tế, virus biến đổi gen trở nên càng dễ dàng lây từ người sang người, kết quả khiến Hồng Kông “thất thủ”.

Tuy nhiên, ông cũng nói, hiện nay không cách nào thông qua phác đồ gen để dự đoán viêm phổi tại Vũ Hán liệu có giống với dịch SARS từng bùng phát hay không, ông kêu gọi người người dân và nhân viên y tế không nên buông lỏng với sự xuất hiện của dịch bệnh lây lan này.

Năm 2002, sau khi Trung Quốc bùng phát dịch SARS, từng có học giả dự đoán SARS có khả năng sẽ quay trở lại, thậm chí trở thành bệnh lan truyền thường thấy, đến nay Vũ Hán lại xuất hiện trường hợp nghi tương tự SARS.

Tờ Liên Hợp Tảo báo đưa tin, bà Hà Mỹ Hương, cựu nghiên cứu viên tại Viện Y sinh thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung ương (Đài Loan) hồi đầu năm nay từng chỉ ra, đối với nhân loại mà nói, virus SARS gây ra “Hội chứng hô hấp cấp nghiêm trọng” thuộc loại bệnh truyền nhiễm mới, nhưng đối với động vật mà nói, SARS là loại virus rất cũ, vật chủ tự nhiên là loài dơi ít có cơ hội tiếp xúc với con người, nhưng những loài động vật có vú như cầy hương, chồn bị lây nhiễm SARS, trở thành nguyên liệu thực phẩm đặc biệt và được đưa vào thị trường buôn bán, nên mới làm tăng cơ hội tiếp xúc của virus với con người.

Bà Hà Mỹ Hương chỉ ra, nếu hành vi của con người hoặc môi trường sinh thái không thay đổi, con người trực tiếp tiếp xúc với vật chủ hoặc động vật có vú nhiễm bệnh khác, rất có khả năng khiến cho SARS biến đổi lây truyền sang người.

Huệ Anh

Xem thêm: