Bắc Kinh liên tục tấn công các nước kêu gọi điều tra về nguồn gốc virus corona, thậm chí đã ngừng nhập khẩu thịt bò từ Úc. Các nhà quan sát cho rằng Trung Quốc sợ mất mặt và đang cố tránh làm tổn hại đến thanh danh.

unnamed 1
(Ảnh: kremlin.ru)

Bắc Kinh đang bị sức ép ngày càng tăng từ Mỹ, Úc và các cường quốc châu Âu đòi hỏi một cuộc điều tra quốc tế tại Trung Quốc về nguồn gốc của đại dịch Viêm phổi Vũ Hán (COVID-19).

Các nhà phân tích cho biết việc Bắc Kinh phản đối các cường quốc phương Tây, đặc biệt là Mỹ, kêu gọi mở một cuộc điều tra độc lập về cách xử lý và nguồn gốc đại dịch là do lo sợ sẽ làm xấu hơn nữa hình ảnh trên thế giới của họ, vốn đã bị méo mó bởi nỗ lực che giấu ban đầu cùng thái độ hung hăng nhằm đổ tội cho người khác.

Ngoại trưởng Trung Quốc nói sẽ ủng hộ việc điều tra “tại một thời điểm thích hợp”, nhưng chỉ trích Mỹ và nhiều nước khác đã chính trị hoá vấn đề nguồn gốc virus để đòi hỏi “trên cơ sở đã định sẵn tội.”

Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được nguồn gốc của virus hoặc tìm được “bệnh nhân số không”, nhưng họ có sự đồng thuận rằng nó đã lây truyền từ động vật sang người ở Vũ Hán.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết họ đã đàm phán với Trung Quốc để đưa một phái đoàn đến điều tra về khả năng virus bắt nguồn từ động vật.

Tuy nhiên, điều đó không làm giảm mối quan tâm trên toàn cầu, khi có nhiều chỉ trích rằng WHO đã quá thiên vị Bắc Kinh. Thêm vào đó, phái đoàn các chuyên gia của Mỹ cũng bị loại khỏi việc tiếp cận các phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.

Angela Stanzel, cộng tác viên của vụ châu Á, Viện Các vấn đề An ninh và Quốc tế Đức, nói rằng trong giai đoạn này, lợi ích của Bắc Kinh là duy trì sự nhập nhằng về nguồn gốc virus, vì nếu chứng minh được Trung Quốc là nguồn gốc “sẽ là một thảm hoạ về quan hệ công chúng.”

“Hình ảnh về Trung Quốc sẽ trở nên tồi tệ khi đại dịch có liên hệ với Trung Quốc, vì thế bất cứ chứng cứ nào cũng được xem là có tính phá hoại,” bà nói. “Chứng cứ như vậy sẽ trái ngược với toan tính của Trung Quốc khi đang nỗ lực tìm một câu chuyện khác cho nguồn gốc của virus, và đặc biệt nó có thể khiến Mỹ có thêm động lực để đổ lỗi Trung Quốc về điều này.”

“Trung Quốc có thể cho phép vài dạng điều tra để thế giới bên ngoài thấy họ hợp tác, nhưng tôi hoàn toàn không thấy bất cứ cơ hội nào cho các chuyên gia Mỹ tham gia.”

Vấn đề nguồn gốc của virus corona đã dẫn đến trò chơi đổ lỗi giữa Bắc Kinh và Washington. Dự kiến đây sẽ là vấn đề nổi bật khi Hội đồng Y tế Thế giới, cơ quan ra quyết sách của WTO, triệu tập một cuộc họp chính thức vào hôm 18/5.

Uỷ ban châu Âu, đại diện cho 27 nước thành viên, cho biết họ sẽ đồng tài trợ một nghị quyết tại cuộc họp cho một “đánh giá độc lập” về đại dịch. Nghị quyết này đã nhận được sự ủng hộ của Úc, Anh và Mỹ. Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cũng nói bà “rất, rất công khai” hỗ trợ cuộc điều tra.

Ông Tập thành “chiến binh cô đơn” khi Nga cũng muốn điều tra nguồn gốc virus?

Hiện đã có hơn 100 quốc gia thành viên của LHQ ủng hộ bản đánh giá. Trước đó, Úc đã đặc biệt chủ động đi vận động các nước khác tham gia,  gồm cả Israel và Singapore. Điều này đã gây căng thẳng giữa Canberra và Bắc Kinh. Đại sứ Trung Quốc tại Úc đã đe doạ rằng điều này có thế kích động người Trung Quốc tẩy chay rượu vang và thịt bò Úc, nói rằng sự chỉ trích công khai của các quan chức Úc là “sự ép buộc về kinh tế”. 

Bắc Kinh sau đó đã thông báo cho chính phủ Úc rằng họ sẽ dừng nhập khẩu từ bốn công ty thịt bò lớn của Úc. Trước đó, Trung Quốc cũng đe doạ tăng mạnh thuế chống các nhà xuất khẩu lúa mạch Úc.

Yanzhong Huang, nhà nghiên cứu cao cấp về y tế toàn cầu tại Uỷ ban Đối Ngoại ở New York, nói rằng việc Bắc Kinh tự đóng khung hình ảnh mình như một lãnh đạo trong đại dịch và quảng cáo về thành công trong ứng phó chống đại dịch của họ đã gây ra sự phẫn nộ, đặc biệt từ các nước phương Tây.

Trung Quốc cũng đã thay đổi cách giải thích về các sự kiện, không tranh cãi về nguồn gốc của virus tới tận cuối tháng Hai khi Chung Nam Sơn, chuyên gia dịch tễ hàng đầu và là cố vấn chính phủ, nói virus không nhất thiết bắt nguồn từ Trung Quốc dù cho những ca đầu tiên được phát hiện tại đó, ông Huang nói.

“Nếu không có gì phải giấu giếm – và khi phần lớn các nhà khoa học đã đồng ý rằng dịch bệnh có nguồn gốc tự nhiên chứ không phải do con người tạo ra – thì không có bất kỳ lý do nào [để Trung Quốc] chống lại việc điều tra,” ông cho hay. 

“Việc đánh giá là quan trọng, để giúp ngăn chặn dịch bùng phát trong tương lai và để phá vỡ chuỗi lây truyền của bệnh.”

Wei Zongyou, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Phục Đán ở Thượng Hải, nói chính quyền Trung Quốc có thể đồng ý với một cuộc điều tra độc lập nếu nó được “khởi xướng một cách tự nguyện chứ không phải từ sức ép quốc tế.”

“Nhưng khi nào chấp nhận cuộc điều tra này và liệu nó chỉ nhằm vào Trung Quốc hay không, có thể cần thảo luận thêm nữa,” ông nói. “Trung Quốc đã bác bỏ giả định họ có tội và cho rằng việc đổ lỗi cho Trung Quốc là nhằm lấp liếm về phản ứng với đại dịch của các nước khác.”

62 nước ủng hộ yêu cầu của Úc về điều tra virus corona Vũ Hán

Người phát ngôn bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh trong những ngày gần đầy đã đăng các báo cáo về những ca nghi nhiễm virus corona sớm tại Pháp và Mỹ đế nhấn mạnh tính phức tạp của việc truy tìm nguồn gốc. Đồng sự Triệu Lập Kiên trước đó thậm chí đã thúc đẩy một thuyết âm mưu vô căn cứ rằng virus là do quân đội Mỹ mang đến Vũ Hán.

Sulmaan Khan, giáo sư môn lịch sử quốc tế và quan hệ đối ngoại với Trung Quốc tại đại học Tufts ở Massachusetts, nói lý do chính khiến Trung Quốc phản ứng lại về cuộc điều tra độc lập là do bị mất mặt, kiểu như ‘anh bất tài không tự điều tra được và người khác phải làm điều đó giúp anh.’

Trung Quốc cho biết đã tiến hành điều tra riêng về nguồn gốc của virus. Tuy vậy, WHO nói rằng họ không được mời tham gia.

“Dựa vào mối quan hệ giữa Trung Quốc và WHO hiện tại, kể cả WHO có nói Trung Quốc đang hợp tác với họ cũng không làm giảm số người kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế,” ông Khan nói.

Thậm chí nếu có một cuộc điều tra quốc tế, các chuyên gia cũng rất khó đạt đến một kết luận chung dứt khoát, ông nói thêm.

Xuân Lan (theo SCMP)

Xem thêm: