Việc ngôi sao điện ảnh Trung Quốc Lưu Diệc Phi công khai ủng hộ cảnh sát Hồng Kông đã làm dấy lên làn sóng phản đối của cư dân mạng. Nhưng trên thực tế, không chỉ có Lưu Diệc Phi mà còn nhiều nghệ sĩ tại Đại Lục, Hồng Kông và Đài Loan cũng đồng loạt biểu thị thái độ thông qua việc dẫn lại Weibo của Nhân dân Nhật báo ủng hộ cảnh sát Hồng Kông, và hầu như rất ít người bày tỏ sự đồng cảm với phong trào biểu tình ở Hồng Kông. Có thể nói rằng việc biểu thị thái độ ủng hộ hay phản đối, chính là một sự lựa chọn quyết định sự nghiệp của các nghệ sĩ này.

Embed from Getty Images

Nhiều ngôi sao nổi tiếng tại Đại Lục và Hồng Kông đã bày tỏ sự ủng hộ cảnh sát Hồng Kông, trong đó có cả Huỳnh Hiểu Minh và Lưu Diệc Phi (Ảnh Getty Images)

Các ngôi sao ở Đại Lục, Hồng Kông và Đài Loan đồng loạt bày tỏ quan điểm

Ngày 13/8, Nhân dân Nhật báo đã đăng một bài viết trên Weibo nhấn mạnh: “Tôi ủng hộ cảnh sát Hồng Kông.” Nhiều nghệ sĩ tại Đại lục sau đó đã đồng loạt dẫn lại bản tin này, thậm chí cũng biểu thị thái độ bản thân ủng hộ cảnh sát Hồng Kông. Các nghệ sĩ này gồm có Lưu Diệc Phi, Lý Băng Băng, Huỳnh Hiểu Minh, Lưu Thi Thi, Dương Tử, Lý Dịch Phong, Lý Hiện, Đặng Luân, Dương Dương, Ngô Cẩn Ngôn, Tần Lam, Trương Vũ Ỷ, Bạch Bách Hà, Lộc Hàm, Ngô Diệc Phàm, Hàn Canh, Tống Thiến, Trương Gia Nghệ, các thành viên của TFBOYS Vương Tuấn Khải – Vương Nguyên – Dịch Dương Thiên Tỉ, Cao Viên Viên, Phạm Thừa Thừa, Ngụy Đại Huân, Dương Mịch, Từ Chân Chân…

Điều đáng nói là không chỉ có nghệ sĩ tại Đại Lục ủng hộ cảnh sát Hồng Kông, mà còn có các nghệ sĩ người Hồng Kông và Đài Loan như Đinh Phi Tuấn, Âu Dương Na Na, Lại Quan Lâm hay Lợi Tình Thiên.

Không ít cư dân mạng cảm thấy khó hiểu trước hành vi nói trên của các nghệ sĩ Hồng Kông và Đài Loan, bởi họ hoàn toàn có thể biết được tin tức xác thực trong phong trào biểu tình, chứ không phải là những thông tin sai lệch mà chính quyền Trung Quốc tuyên truyền. Cư dân mạng đã phát biểu nhiều bình luận mang tính chất vấn như “Là người Đài Loan lớn lên trong một quốc gia theo đuổi dân chủ, rốt cuộc bạn có biết người Hồng Kông mong muốn điều gì không? Hay là cảm thấy đồng Nhân dân tệ tốt hơn, đến lương tri cũng không còn nữa?” “Là người của công chúng, bạn rốt cuộc có hiểu được tình hình không?” “Lý trí của bạn để ở đâu rồi? Lý trí của bạn chỉ là vì tiền” “”Cảm giác thật nguy hiểm khi để cho bạn di cư từ Hồng Kông vào Đại Lục, Hồng Kông không cần người vô lương tâm như bạn.”

Tính đến nay, phong trào biểu tình phản đối Luật dẫn độ của Hồng Kông đã kéo dài hơn hai tháng. Các nghệ sĩ thực sự công khai ủng hộ người biểu tình Hồng Kông chỉ có Đỗ Vấn Trạch, Hoàng Thu Sinh, Hà Vận Thi, Huỳnh Diệu Minh, Diệp Đức…

Cũng có một số nghệ sĩ chỉ thể hiện thái độ trong chớp nhoáng. Chẳng hạn, hồi giữa tháng 6, sau khi một người biểu tình ở Hồng Kông vô tình trượt ngã và thiệt mạng khi treo biểu ngữ, nữ ca sĩ Hồng Kông Dương Thiên Hoa đã đăng một bức ảnh đen trắng với thông điệp R.I.P lên Instagram, biểu thị sự thương tiếc cho người quá cố. Tuy nhiên, bức ảnh đã bị xóa một cách lặng lẽ.

Ngày 12/6, sau khi cảnh sát Hồng Kông dùng bạo lực trấn áp người biểu tình, ngôi sao Hồng Kông Lương Triều Vỹ đã đăng duy nhất một chữ thể hiện sự cảm thán của mình trên Facebook, nhiều người cho rằng điều đó cho thấy sự bất mãn của nghệ sĩ này với cảnh sát Hồng Kông. Tuy nhiên không lâu sau, lời cảm thán này cũng bị gỡ xuống lặng lẽ.

Ngôi sao Hồng Kông Xa Thi Mạn nổi tiếng với sê-ri phim truyền hình Diên Hy công lược đã ca ngợi phong trào biểu tình trên Instagram, nhưng sau đó bị cư dân mạng tại Đại Lục “ném đá”, cô đã không thể không thu hồi bình luận, thậm chí còn phải tuyên bố “yêu Trung Quốc yêu Hồng Kông”.

Ủng hộ phong trào biểu tình phản đối Luật dẫn độ sẽ phải trả giá đắt

Quan sát kỹ hơn có thể nhận thấy, những nghệ sĩ Đại Lục, Hồng Kông và Đài Loan công khai ủng hộ cảnh sát Hồng Kông đều có một đặc điểm chung – phát triển sự nghiệp chính ở Đại Lục. Thành viên nhóm nhạc D5 Đinh Phi Tuấn người Hồng Kông, nghệ sĩ Âu Dương Na Na, Lại Quan Lâm, Lợi Tình Thiên người Đài Loan đều từng tham gia các bộ phim hoặc chương trình truyền hình tại Đại Lục.

Hồi tháng 7, tờ New York Times đã đưa tin, bất kỳ nghệ sĩ nào ủng hộ phong trào biểu tình phản đối Luật dẫn độ sẽ phải trả giá đắt.

Năm 2014, mức độ nổi tiếng của nghệ sĩ người Hồng Kông Hà Vận Thi tại Trung Quốc tăng cao, có tới hơn 100 buổi hòa nhạc được tổ chức tại đây. Tuy nhiên, vì cô đã tham gia phong trào ô ở Hồng Kông, còn kêu gọi bầu cử tự do hơn ở Hồng Kông nên đã bị chính phủ Trung Quốc “cấm cửa”. Nghệ sĩ Hà Vận Thi nói rằng việc bị Trung Quốc đưa vào danh sách đen đã khiến thu nhập của cô giảm hàng trăm nghìn đô la Mỹ mỗi năm.

Nghệ sĩ Huỳnh Diệu Minh cũng cho hay, chỉ vì ông ủng hộ phong trào biểu tình của người Hồng Kông, thu nhập hàng năm từ thị trường Trung Quốc và hợp tác với các thương hiệu quốc tế đã giảm hơn một nửa. Ông nói: “Tôi đã hát hơn 30 năm, cái giá này tôi vẫn chịu được.” “Rất nhiều người có thể sợ hãi, không dám công khai biểu đạt ý kiến cá nhân. Đây là điều khiến cho người ta cảm thấy lạnh tâm nhất.”

Thời báo New York chỉ ra rằng, đối với những người nổi tiếng và việc phát triển sự nghiệp phụ thuộc vào thị trường Đại Lục, hình phạt dành cho Hà Vận Thi và những người khác chính là cảnh báo của chính quyền Trung Quốc, vốn cực kỳ không khoan dung với bất kỳ ý kiến bất đồng chính trị nào.

Trên thực tế, ngoài Hà Vận Thi và Huỳnh Diệu Minh, có bản tin còn cho rằng Châu Nhuận Phát và Lương Triều Vỹ cũng bị liệt vào danh sách đen khi hai nghệ sĩ này lên tiếng ủng hộ phong trào ô dù năm 2014 của người Hồng Kông. Trước thông tin này, nghệ sĩ Châu Nhuận Phát chỉ nói: “Vậy thì kiếm tiền ít đi một chút thôi!”

Trong phong trào ô dù Hồng Kông 5 năm trước, có khoảng 20 nghệ sĩ Hồng Kông lên tiếng công khai trước công chúng. Trước đó từ rất lâu, năm 1989, hơn 300 nghệ sĩ đã tham gia hoạt động “Bài hát nhân dân cống hiến cho Trung Hoa” và ủng hộ Phong trào Dân chủ ngày 4 tháng 6 tại Thiên An Môn, cách Hồng Kông đến 2.000 km.

Minh Ngọc

Xem thêm: