Chiều ngày 15/10, Hạ viện Hoa Kỳ đã nhất trí thông qua hai đạo luật và một nghị quyết liên quan đến Hồng Kông. Điều này khiến chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc hết sức tức giận. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng họ “vô cùng phẫn nộ và kiên quyết phản đối”. Một số nhà bình luận nhìn nhận rằng, hai đạo luật và một nghị quyết này chính là “sát thủ” mà phía Mỹ dùng để bảo vệ Hồng Kông. Vậy thì rốt cuộc các đạo luật này có tác dụng như thế nào? Chúng có tác dụng chấn nhiếp và chế tài ra sao?

Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông
Trước khi Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông được Hạ viện Hoa Kỳ chính thông qua, người dân Hồng Kông đã phát động biểu tình vào tối ngày 14/10. (Ảnh: Epoch Times)

2 đạo luật và 1 nghị quyết ủng hộ biểu tình Hồng Kông

Hạ viện Hoa Kỳ nhất trí thông qua Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông (H.R.3289), Đạo luật Bảo vệ Hồng Kông (H.R.4270) và Nghị quyết H.Res 543 xác nhận mối quan hệ giữa Mỹ và Hồng Kông. Các đạo luật nêu trên sẽ được chuyển tới Thượng viện phê chuẩn và sẽ chính thức trở thành luật nếu được Tổng thống Donald Trump ký thông qua.

Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ hàng năm phải xác nhận xem liệu Hồng Kông có “đang tự trị đầy đủ” hay không để đảm bảo điều kiện được hưởng các đặc quyền thương mại và đầu tư.

Đạo luật cũng yêu cầu chính phủ Mỹ áp đặt các biện pháp chế tài với các quan chức Trung Quốc Đại Lục và Hồng Kông chịu trách nhiệm cho việc dẫn độ bất kỳ cá nhân nào tại Hồng Kông sang Đại Lục, cũng như những người chịu trách nhiệm cho việc “giam giữ tùy tiện, tra tấn, hoặc ép cung” hay ‘‘hủy hoại’’ ‘‘các quyền tự do căn bản’’ của người Hồng Kông. Các biện pháp này có thể bao gồm việc cấm những cá nhân này (cùng thân nhân) nhập cảnh Mỹ, thu hồi thị thực đã cấp, đóng băng tài sản của họ ở Mỹ… Đạo luật cũng yêu cầu Mỹ chấp thuận thị thực cho người dân Hồng Kông sang Hoa Kỳ, ngay cả khi họ đã bị bắt vì tham gia các cuộc biểu tình phi bạo động.

Đạo luật Bảo vệ Hồng Kông cũng được thông qua nhằm ngăn cấm các công ty Mỹ xuất khẩu vũ khí và công nghệ kiểm soát đám đông không gây chết người cho Chính phủ Hồng Kông và cảnh sát, chẳng hạn như hơi cay hay đạn cao su. Đạo luật nhấn mạnh rằng, những vũ khí như vậy đã bị cảnh sát Hồng Kông sử dụng một cách “không cần thiết và không tương xứng.”

Trong khi đó, Nghị quyết H.Res 543 công nhận mối quan hệ của Hồng Kông với Mỹ, trong đó lên án “sự can thiệp” của Bắc Kinh, ủng hộ quyền phản kháng và biểu tình của người dân Hồng Kông.

Vì sao Hồng Kông mong chờ Mỹ thông qua Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ?

Ngày 17/9, Ủy ban Hành pháp về Trung Quốc của Quốc hội Mỹ (CECC) đã tổ chức một phiên điều trần để đánh giá “quyền tự trị” của Hồng Kông và thảo luận về Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông. Hoàng Chi Phong, Tổng Thư ký Đảng Demosisto, ca sĩ Hà Vận Thi, Giám đốc điều hành Nhân quyền Trung Quốc Đàm Cạnh Thường cùng một số người khác đã được mời tham dự phiên điều trần.

Đồng chủ tịch của CECC, một trong những đồng sáng lập Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông, Thượng nghị sĩ Marco Rubio, nói rằng trong cuộc đấu tranh của người Hồng Kông, thế giới đã chứng kiến ​​”hai Hồng Kông”. “Một chính phủ Hồng Kông hoàn toàn do chính phủ Trung Quốc kiểm soát đã cho thấy rằng họ sẽ không mang lại tự do và tự trị cho Hồng Kông; một Hồng Kông khác là chính người dân Hồng Kông – họ đến từ mọi tầng lớp – sinh viên, nhà hoạt động trẻ, nghệ sĩ, luật sư, kế toán. Họ cho thấy một Hồng Kông tràn đầy khí thế.”

Tại phiên điều trần, Hoàng Chi Phong đã nói về lý do tại sao xã hội Hồng Kông ủng hộ Đạo luật: “Đồng chủ tịch CECC Marco Rubio gần đây đã nói rằng, ‘Bắc Kinh được hưởng lợi từ vị thế đặc biệt của Hồng Kông – vị thế đặc biệt đã biến Hồng Kông thành trung tâm tài chính quốc tế được xây dựng dựa trên những lời hứa về Hồng Kông mà Trung Quốc đã đưa ra với thế giới, nhưng nay họ lại tìm cách phá bỏ.’ Bắc Kinh không nên có được cả cá và gấu, vừa gặt hái tất cả lợi ích của vị thế Hồng Kông trên thế giới, trong khi lại xóa bỏ bản sắc xã hội chính trị của chúng tôi. Đó là lý do quan trọng nhất khiến Đạo luật Dân quyền và Dân chủ Hồng Kông được xã hội Hồng Kông ủng hộ rộng rãi.”

Trước khi Đạo luật này được thông qua, cư dân mạng Hồng Kông đã phát động “Đại hội Ủng hộ Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông” với sự góp mặt của khoảng 130.00 người và đã được phía cảnh sát phát đi thông báo không phản đối. Tổng Thư ký Đảng Demosistō Hoàng Chi Phong cũng đến tham dự hoạt động này. Phát biểu tại Đại hội, anh nhấn mạnh trong tương lai Đảng Demosistō sẽ thúc đẩy các nơi trên toàn cầu chế định dự luật tương tự, “Hy vọng chế tài nhằm vào quan chức và hắc cảnh (Hồng Kông), có thể như hoa nở khắp nơi trên thế giới. Nếu như Mỹ có Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ, thì Anh, Canada, Úc… cùng mỗi quốc gia trên thế giới đều có cơ chế chế tài, thì những hắc cảnh, quan chức chính phủ hay nghị sĩ bầu cử lạm quyền sẽ bị trừng phạt.”

Vì sao ĐCSTQ sợ Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông?

Trong số hai đạo luật và một nghị quyết được thông qua, Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông được dư luận chú ý nhiều nhất. Trọng tâm của Đạo luật này là ủy quyền cho chính phủ Mỹ hành động và có biện pháp chế tài những cá nhân nào phá hoại nhân quyền và dân chủ ở Hồng Kông. Theo đạo luật, chính quyền TT Trump cũng có thể tiến hành các biện pháp chế tài đối với các cá nhân hoặc tổ chức vi phạm nhân quyền bên ngoài Hoa Kỳ theo Đạo Luật Chịu trách nhiệm về Nhân quyền Toàn cầu Magnitsky.

Đạo Luật Chịu trách nhiệm về Nhân quyền Toàn cầu Magnitsky được thông qua tại Quốc hội Hoa Kỳ vào năm 2012, ban đầu là nhằm vào các quan chức Nga, những người mà phía Mỹ tin rằng cần phải chịu trách nhiệm về cái chết của nhà bất đồng chính kiến ​​Nga Sergei Magnitsky. Sau đó, đạo luật được mở rộng từ nước Nga ra toàn thế giới.

Khi nói về hiệu quả lệnh trừng phạt của Đạo luật Magnitsky, ông Bill Browder, Giám đốc điều hành kiêm người sáng lập Hermitage Capital Management nhận định: “Đây là một ví dụ chân thực. Một người Nga gửi tiền tại ngân hàng Thụy Sỹ. Ông bị Mỹ liệt vào danh sách chế tài. Ngân hàng Thụy Sỹ từ chối chuyển số tiền gửi của ông, bởi vì họ không muốn vi phạm quy định chế tài ‘Luật Magnitsky’ của Mỹ.” 

Ông nói thêm, người Mỹ nếu bị liệt vào danh sách trừng phạt này thì vô cùng đáng sợ: “Nếu một người bị Mỹ liệt vào danh sách chế tài, từng ngân hàng trên thế giới đều sẽ nhận được thông báo. Không có bất cứ ngân hàng nào làm việc trái với quy định chế tài của Mỹ, bởi vì những ngân hàng này sẽ phải đối mặt với mức phạt gấp ba lần người bị chế tài.”

“Cho nên, Luật Magnitsky của Mỹ sẽ khiến cho thị thực của những người bị chế tài bị hủy bỏ hoặc từ chối cấp, tài khoản của họ tại các ngân hàng trên thế giới sẽ bị đóng băng. Đây là lý do vì sao mà công cụ này, là có hiệu quả khi áp dụng với những sự việc đáng sợ xảy ra ở Trung Quốc hiện nay.” 

>> Vì sao Đạo luật Nhân quyền Magnitsky khiến ĐCSTQ sợ hãi? 

Đạo luật sẽ mở rộng chế tài trên toàn cầu

Đầu năm nay, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ tiết lộ, có 28 quốc gia đã chế định hoặc đang chuẩn bị chế định luật tương tự như Đạo luật Magnitsky của Mỹ, từ chối cấp thị thực và đóng băng tài sản của người bức hại nhân quyền. Do đó, nếu Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông chính thức thành luật, nó cũng sẽ mang lại hiệu ứng lớn cho thế giới học theo.

Nói về Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông, Nhà bình luận chính trị Yokogawa tin rằng đạo luật này có sức răn đe mạnh mẽ. “Hồng Kông có tác dụng rất quan trọng đối với việc phát triển kinh tế nhằm duy trì tính hợp pháp cho sự cai trị của ĐCSTQ; đó còn là trung tâm của hoạt động rửa tiền và chuyển dịch tài sản của tầng lớp quyền quý. Các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân cũng có tác dụng đặc thù, bởi vì cho dù các quan chức của ĐCSTQ hay Hồng Kông, khi họ làm điều ác thì đều không phải xuất phát từ lý niệm, mà là vì sợ tổn thất lợi ích cá nhân, cho nên về sau này trước khi làm gì họ nhất định phải suy xét cẩn thận.”

Minh Ngọc

Xem thêm: