Ngay ngày đầu năm 2019, Bắc Kinh đã gặp phải những điều không may mắn về kinh tế, chính trị. Ngày 2/1, là ngày đầu tiên mở cửa giao dịch thị trường chứng khoán trong năm, chỉ số SSE Composite Index (tại Thượng Hải) đóng của với phiên giao dịch giảm 1,15%, đứng đầu là trong lĩnh vực tài chính, tiêu dùng và vốn. Về chính trị, chính phủ và người dân Đài Loan liên tiếp có thái độ cứng rắn với Bắc Kinh, khiến Bắc Kinh phải ngậm ngùi.  

thái anh văn
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Ảnh từ CNA)

Chính phủ và người Đài Loan mạnh mẽ phản pháo

Sau khi Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn lần đầu tiên công khai biểu thị thái độ “chưa từng chấp nhận ‘Nhận thức chung năm 1992′”, “Tuyệt đối không chấp nhận 1 nước 2 chế độ”, đến ngày 3/1, cựu Tổng thống Mã Anh Cửu cho biết, “1 nước chính là Trung Hoa Dân Quốc”, “cần phải đứng vững lập trường của Trung Hoa Dân Quốc, giữ vững hiến pháp của Trung Hoa Dân Quốc”, “tại Đài Loan, ‘1 nước 2 chế độ’ không có thị trường”, 2 bờ eo biển không có sẵn các điều kiện để thống nhất.

Tân thị trưởng thành phố Cao Hùng Hàn Quốc Du cũng nói: “có thể nghi ngờ ngày mai mặt trời liệu có mọc từ hướng đông hay không, nhưng không cần phải nghi ngờ về dã tâm của chính quyền Trung Quốc, cũng không cần phải nghi ngờ quyết tâm tìm sự tự do dân chủ của người dân Đài Loan.”

Trong bài phát biểu kỷ niệm 40 năm Trung Quốc công bố “Thư gửi đồng bào Đài Loan”, ông Tập Cận Bình đề xuất phương án “1 nước 2 chế độ” để thống nhất Đài Loan, đồng thời nói “người Trung Quốc không đánh người Trung Quốc”, nhưng ông lại nói “không cam kết từ bỏ sử dụng vũ lực”. Sau đó, Văn phòng Sự vụ Đài Loan của Trung Quốc tiếp có bài viết chỉ trích bà Thái Anh Văn, nói “kích động sự đối lập của 2 bờ eo biển”.

Những phát biểu của Trung Quốc đã khiến cho cộng đồng người Hoa toàn thế giới chú ý, và phản ứng cũng tương đối mạnh mẽ.

Bắc Kinh mạnh miệng với Đài Loan để chuyển dịch khủng hoảng?

Bắc Kinh đã nói, “không từ bỏ thống nhất bằng vũ lực”, nhưng Trung Quốc có thực sự dám đánh Đài Loan không? Ông Hồ, một học giả tại Chiết Giang đã có thời gian dài chú ý đến quan hệ giữa hai bờ eo biển, chia sẻ với Đài Á châu Tự do rằng, một khi hai bên xảy ra xung đột, khả năng lớn là Mỹ sẽ can dự vào. Thời đại ông Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình cũng đều không dám có hành động quân sự đối với Đài Loan, hiện nay lại càng không dám làm vậy.

Ông Hồ nói: “Với tình hình chính trị hiện nay tại Đại lục, về cơ bản không có khả năng dùng vũ lực để giải quyết vấn đề Đài Loan. Tình hình chính trị của Trung Quốc hiện tại cũng không đủ để ứng phó với một cuộc chiến tranh.”

“Không ứng phó nổi một cuộc chiến tranh”, vì sao Bắc Kinh lại đưa ra thông điệp “1 nước 2 chế độ’? Ông Hồ nói, quan hệ của Trung Quốc và các nước xung quanh cũng đang dần xấu đi, lại gặp phải áp lực từ Mỹ, khiến cho kinh tế đi xuống thấy rõ. Đầu tư nước ngoài cũng liên tiếp rời Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đóng cửa, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Trong bối cảnh nhiều khó khăn thế này, mà lại mạnh miệng gây áp lực với Đài Loan, thực ra là để cho người dân trong nước thấy rằng ĐCSTQ là một “chính quyền mạnh mẽ”, “mượn cơ hội này để dịch chuyển sự chú ý, và làm dịu sự chống Mỹ của người dân trong nước”.

Cũng tức là, Bắc Kinh phô trương thanh thế để dịch chuyển khủng hoảng và sự chú ý của người dân, nhưng lại gặp phải Đài Bắc đang dần trở lên cứng rắn. Dư luận cho rằng, thực ra từ tháng 10/2016, thái độ của bà Thái Anh Văn đã dần cứng rắn, bởi vì “thiện ý ban đầu của bà Thái Anh Văn không được đáp lại”. Khi đó Trung Quốc nói “Nhận thức chung năm 1992” là “bài thi chưa hoàn thành” của bà Thái Anh Văn, hiện nay bà Thái đã đưa ra trả lời, đó là một câu trả lời trực tiếp và hoàn chỉnh đối với người dân trong Đài Loan và cộng đồng quốc tế.

“1 nước 2 chế độ” là “trò bịp bợm”

Có thể thấy, do khác biệt quá lớn về chế độ chính trị giữa 2 bờ eo biển, nên khả năng đàm phán là rất khó. Một cuộc khảo sát tại Đài Loan trong dịp kỷ niệm 20 năm bàn giao chủ quyền Hồng Kông cho thấy, 52,5% người Đài Loan được hỏi cho rằng “1 nước 2 chế độ” ở Hồng Kông là thất bại. Nhà lập pháp Vương Định Vũ thuộc đảng Dân tiến Đài Loan chia sẻ với Đài Á châu Tự do rằng, “1 nước 2 chế độ” tại Hồng Kông đã chứng minh là “trò lừa bịp”, hiện nay họ lại muốn đến lừa Đài Loan.

Giáo sư Lương Vân Tường thuộc Đại học Bắc Kinh chia sẻ với kênh tin tức i-CABLE News Channel (Hồng Kông) rằng, Mỹ là trở ngại lớn nhất khi “dùng vũ lực thống nhất Đài Loan”, trở lực lớn nhất khi dùng “hòa bình thống nhất Đài Loan” là người dân Đài Loan về cơ bản không chấp nhận “chế độ quản lý” và “giá trị quan” của Trung Quốc.

Giáo sư Cao Kính Văn (Jean-Pierre Cabestan) công tác tại Đại học Tẩm Hội Hồng Kông (Hong Kong Baptist University,HKBU) nói với Đài BBC rằng, mấy năm nay, việc thực thi “1 nước 2 chế độ” tại Hồng Kông có quá nhiều tranh luận, và “1 nước 2 chế độ” đã mất “sức hấp dẫn” đối với Đài Loan. Hồng Kông không đợi được “50 năm không thay đổi”, “1 nước 2 chế độ” đã bắt đầu lung lay. Phát biểu lần này của Bắc Kinh đối với Đài Loan tiếp tục khiến cho Đài Loan nâng cao sự cảnh giác hơn nữa đối với Bắc Kinh.

Giáo sư Phạm Thế Bình công tác tại Đại học Sư phạm Đài Loan chỉ ra, chủ trương này của Bắc Kinh có thể sẽ khiến cho Đài Loan thêm đoàn kết hơn, sẽ một lần nữa chứng minh câu cửa miệng ” đảng Cộng sản Trung Quốc là vận động bầu cử tốt nhất của đảng Dân tiến”. Ông Phạm Thế Bình cho rằng điều này cũng giống như đang giúp đỡ bà Thái Anh Văn có thêm nhiệm kỳ tiếp theo.

Cộng đồng cư dân mạng người Hoa cũng để lại rất nhiều lời bình luận. Cư dân mạng Hồng Kông nhấn mạnh, “vết xe đổ của Hồng Kông đã rõ, ‘1 nước 2 chế độ” là lời nói dối; cư dân mạng Đài Loan nói, “người Trung Quốc không đánh người Trung Quốc, nhưng sẽ đánh người Đài Loan”; có cư dân mạng tại Đại lục tỏ ra nghi ngờ, “người Trung Quốc không đánh người Trung Quốc, nói còn hay hơn cả hát. Người Tân Cương, người Tây Tạng chẳng lẽ không phải là người Trung Quốc? Chẳng phải các ông vẫn đánh, vẫn giết hại còn gì?”

Trí Đạt

Xem thêm: