Chuyến đi Đại Lục lần này của Trưởng Đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) đã có nhiều thu hoạch, sau khi được ông Tập Cận Bình tiếp kiến hôm 4/11, tiếp tục gặp mặt Phó Thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính tại Điếu Ngư Đài. Cả hai người trong giới lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đều biểu thị “ủng hộ” bà Lâm, hy vọng bà tiếp tục làm tốt việc “ngăn chặn bạo loạn”. Được sự khẳng định của 2 nhân vật hàng đầu, bà Lâm có chút tự mãn và biểu thị sẽ hạ quyết tâm lớn hơn nữa trong chuyện này.

Carrie Lam, Lâm Trịnh Nguyệt Nga
Mức độ người dân ủng hộ Trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã đạt mức kỷ lục mới, thấp nhất trong lịch sử, khi có tới 80% người phản đối. (Ảnh: Epoch Times)

Cách nói của Bắc Kinh và cách biểu đạt thái độ của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga không khỏi khiến người ta phải lo lắng rằng ĐCSTQ và Chính phủ Hồng Kông sẽ tiến hành trấn áp người Hồng Kông, Hương Cảng rất có khả năng biến thành một mảnh đất “màu đỏ”.  Tuy nhiên, có phân tích cho rằng mặc dù bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga được ủng hộ, nhưng không có nghĩa là địa vị của bà ta cũng vì thế mà ổn định. Rất có thể đây là mánh khóe chính trị của Bắc Kinh, sau khi đạt được mục đích, vận mệnh của bà Lâm rất có thể sẽ bị thay đổi. 

Lâm Trịnh Nguyệt Nga như được “tiêm thuốc trợ tim”

Ông Hàn Chính, người quản lý về sự vụ Hồng Kông – Macau cho biết, hy vọng bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga “nhớ kỹ” những lời “dặn dò” của ông Tập Cận Bình ở Thượng Hải, “dẫn dắt đội ngũ quản lý Hồng Kông tiếp tục tục xuất phát, tiếp tục tiến lên”.

Trước đó, ông Tập Cận Bình cũng đã có lời ủng hộ bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga và Chính phủ Hồng Kông đã “làm tốt chức trách”, cần tiếp tục “ngăn chặn bạo loạn và khôi phục lại trật tự của Hồng Kông”. 

Thái độ của “2 ông lớn” này khiến dư luận nghĩ đến việc Chính phủ Hồng Kông sẽ leo thang trong các thủ đoạn đàn áp, đối kháng cũng sẽ tiếp tục kịch liệt hơn. 

Nghe những lời khen ngợi của người đứng đầu, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga dường như có chủ kiến. Truyền thông của ĐCSTQ cho biết, bà Lâm nói rằng, “sẽ tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc ‘một quốc gia, hai chế độ’”, nỗ lực kết thúc bạo lực, và còn biểu thị một cách minh xác rằng sẽ không đại xá cho những người biểu tình bị cáo buộc tội trạng. 

Sau khi gặp mặt ông Hàn Chính, bà Lâm cho biết, ĐCSTQ sẽ đưa ra 16 biện pháp “có lợi cho cư dân Hồng Kông – Macau”, bao gồm nới lỏng hạn chế mua nhà ở khu vực vùng vịnh Quảng Đông – Hồng Kông – Macau, con cái ở Đại Lục cũng sẽ nhận được đãi ngộ giáo dục như nhau. Ngoài ra còn nhắc đến sự rối loạn xã hội hiện nay, lúc này là thách thức lớn khi đưa ra Điều 23 Luật cơ bản. Trong lời của bà Lâm, ẩn chứa khả năng tương lai sẽ đưa ra Điều 23 Luật cơ bản. 

Nhân vật số 2 trong Chính phủ Hồng Kông là ông Trương Kiến Tông cũng cho biết, cuộc gặp mặt và phát biểu của ông Tập Cận Bình, dường như đã “tiêm một mũi thuốc trợ tim” cho Chính phủ Hồng Kông.

Được sự ủng hộ của 2 ông lớn trong ĐCSTQ, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga như được tiếp thêm năng lượng để đưa ra những “lời thề son sắt”. Điều này liệu có nghĩa là bà ta đã an toàn? Đáp án có thể là “phủ định” vì có dấu hiệu cho thấy, 2 ‘con châu chấu’ khác cùng bị buộc chặt với bà Lâm được nghi ngờ đã bị chỉnh đốn. 

Văn phòng Sự vụ Hồng Kông Macau và Văn phòng Liên lạc Trung ương nghi bị chỉnh đốn

Trong thời gian ông Tập Cận Bình tiếp kiến bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, có không ít người tháp tùng. Cảnh quay trên truyền hình cho thấy, người tháp tùng là Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đinh Tiết Tường, Chủ nhiệm Văn phòng Ngoại sự Dương Khiết Trì, Ngoại trưởng Vương Nghị và Bộ trưởng Công an Triệu Khắc Chí. Tuy nhiên, tại buổi gặp không thấy xuất hiện Chủ nhiệm Văn phòng Sự vụ Hồng Kông Macau Trương Hiểu Minh, nói cách khác, Trương Hiểu Minh không có mặt trong cuộc gặp gỡ này, đây là một tín hiệu vô cùng bất thường. Rất có khả năng Văn phòng Sự vụ Hồng Kông – Macau và Văn phòng Liên lạc Trung ương bị chỉnh đốn, hoặc là đã bị cho ra rìa. 

Như đã biết, trước đây, khi lãnh đạo ĐCSTQ ở trong nước tiếp kiến Trưởng Đặc khu Hồng Kông thì Chủ nhiệm Văn phòng Sự vụ Hồng Kông – Macau đều có mặt trong phần lớn thời gian cuộc gặp. Tuy nhiên, từ trước và sau tháng Chín năm nay, Trương Hiểu Minh và Chủ nhiệm Văn phòng Liên lạc Trung ương Vương Chí Dân đã rất ít lộ diện trong các trường hợp công khai. Cũng trong khoảng thời gian này, truyền thông Hồng Kông đưa tin nói, Bộ trưởng Công an Triệu Khắc Chí trở thành Phó Trưởng Tiểu ban Trung ương điều phối công tác Hồng Kông – Macau. 

Mọi người đã biết, phong trào dân chủ chống độc tài ở Hồng Kông đến nay đã kéo dài liên tiếp 5 tháng. Đúng là do Văn phòng Sự vụ Hồng Kông – Macau và Văn phòng Liên lạc Trung ương đứng sau liên tiếp khuyến khích thì Chính phủ bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga mới ngày càng leo thang đàn áp người dân kháng nghị. Cũng vì thế, yêu cầu của người dân từ “rút lại Dự luật Dẫn độ, Lâm Trịnh Nguyệt Nga từ chức” đã biến thành “5 yêu cầu không thể thiếu 1”. Một hoạt động kháng nghị đơn giản của người dân, nhưng đã bị Văn phòng Sự vụ Hồng Kông – Macau và Văn phòng Liên lạc Trung ương cùng cảnh sát Hồng Kông “trợ sản” thành phong trào đấu tranh dân chủ quy mô lớn. 

Chính là nói, tình hình Hồng Kông phát triển như hiện nay, Văn phòng Sự vụ Hồng Kông – Macau, Văn phòng Liên lạc Trung ương, Chính phủ Hồng Kông đứng đầu là bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đều có trách nhiệm không thể thoái thác. Họ đã bị buộc chặt trong cùng một sợi dây, vận mệnh của 3 ‘con châu chấu’ rất có thể là “cùng vinh, cùng nhục”.

Thăm dò dư luận, Lâm Trịnh Nguyệt Nga được 20,2 điểm

Độ hài lòng của người dân đối với bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cũng đã xuống mức thấp nhất lịch sử, trở thành Trưởng Đặc khu có mức độ hài lòng thấp nhất kể từ khi bàn giao chủ quyền Hồng Kông. Cuộc điều tra dân ý của Đại học Trung văn Hồng Kông hồi tháng 10 cho thấy, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga chỉ đạt 25,5 điểm, giảm 2,7 điểm so với hồi tháng 9. Có đến 74% người cho rằng bà Lâm “không đạt tiêu chuẩn”, 32% số người cho bà điểm 0. 

Ngày 29/10, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga xuất hiện trong một cuộc họp báo, một nữ quan chức đứng ngay sau bà Lâm đột nhiên ngất xỉu. Người bình thường khi gặp phải tình huống này thì việc đầu tiên là cứu người. Nhưng bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga vẫn không rời vị trí, chỉ hơi quay đầu nhìn một cái, sau đó tiếp tục phát biểu như không có chuyện gì. Người chỉ có “quan uy” mà không có “nhân vị” thì điểm số trong các cuộc điều tra dân ý có thể sẽ tiếp tục thấp kỷ lục. Nếu là ở Đại Lục, quan chức của ĐCSTQ đều không khác nhau là bao, nên đổi ai cũng thế cả. Nhưng Hồng Kông đang được quốc tế quan tâm lại có sự khác biệt, biểu hiện của bà Lâm khiến cho thế giới đều cảm thấy chán ghét. Nếu tiếp tục để bà ta chấp chính, thì bằng như Bắc Kinh tự vả vào mặt mình, làm tổn hại đến hình tượng “vĩ đại, quang vinh, chính xác” của ĐCSTQ. 

Tương lai của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga

Một người coi người dân như kẻ địch như thế này, quần chúng xa lánh lại khiến cho Bắc Kinh thêm “ấm ức” thì việc hạ đài có thể chỉ là vấn đề thời gian. 

Nghị viên Hội đồng lập pháp thuộc phe dân chủ Hoàng Bích Vân nhắc nhở bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga không nên “đắc ý vênh váo”, ĐCSTQ “hôm nay có thể ủng hộ bà, ngày mai cũng có thể thay thế bà”. 

Cách nói của Hoàng Bích Vân, nếu dùng lời của ĐCSTQ thì chính là, “chớ xem bạn hôm nay vui vẻ ầm ĩ, ngày mai sẽ cho bạn một danh sách dài”. Những việc đạt được mục đích rồi vong ân phụ nghĩa, quay người lật mặt của ĐCSTQ, trong lịch sử có rất nhiều. Mới lúc trước còn bắt tay vui vẻ với bạn, ngay sau đó liền đẩy bạn vào trong ngục tù. 

Ông Thành Danh, Phó Giáo sư Đại học Khoa học Công nghệ Hồng Kông cho biết, chính quyền Bắc Kinh “rất hiện thực”, cơ hội bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga từ chức sớm là rất lớn, “Ông Tập Cận Bình bề ngoài có thể biểu thị sự ủng hộ bà ta trong ngắn hạn, bởi vì bà ta vẫn còn 5 tháng nữa mới hạ đài”. 

Nói bà Lâm vẫn còn 5 tháng để hạ đài, là bởi vì Thời báo Tài chính của Anh từng dẫn nguồn tin nói bà Lâm sẽ bị thay thế vào tháng 3 năm sau bởi một Trưởng Đặc khu khác. 

Thực ra, tình huống này đã không chỉ một lần xảy ra. Năm 2004, Trưởng Đặc khu nhiệm kỳ đầu tiên là Đổng Kiến Hoa đã báo cáo công tác với ông Hồ Cẩm Đào, ông Hồ Cầm Đào cũng ủng hộ Đổng Kiến Hoa và công tác của Chính phủ Hồng Kông ngay trước mặt. Quan chức Văn phòng Sự vụ Hồng Kông – Macau còn đặc biệt nhấn mạnh, lễ tiếp đón đối với ông Đổng Kiến Hoa không bị giáng cấp. Nhưng 2 tháng sau, ông Đổng Kiến Hoa đã từ chức.

Năm 2014, Trưởng Đặc khu Lương Chấn Anh cũng được coi là có công trong “bình định phong trào Ô dù”, nói ông ta “gió lớn mới biết cỏ cứng”. Nhưng tháng 12/2016, trước khi diễn ra bầu cử Trưởng Đặc khu, ông đã tuyên bố sẽ không tranh cử nhiệm kỳ tiếp theo. 

Nhà bình luận thời sự Lư Phong cho rằng, so sánh với Đổng Kiến Hoa và Lương Chấn Anh, tai họa mà bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga gây ra đã vượt xa hai người tiền nhiệm. Dù có thay thế bà ta thì cũng không thể giải quyết tình hình, nhưng ít nhất có thể khiến cho người dân nguôi ngoai cơn giận. Coi Trưởng Đặc khu thành quân cờ của Bắc Kinh, muốn đổi người không chỉ không có gì kỳ lạ, mà là “tình thế ắt phải vậy”. 

Cũng tức là, vận mệnh bị thay thế của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã là không thể thay đổi. Người Trung Quốc có câu “thiện ác hữu báo“, kẻ ác mấy ai mấy ai thoát? Nếu nói Đổng Kiến Hoa, Lương Chấn Anh đều là hạ đài một cách chán chường, vậy thì tương lai của Lâm Trịnh Nguyệt Nga có thể sẽ thảm hơn họ.

Trí Đạt

Xem thêm: