Giới truyền thông Mỹ tiết lộ, Google có thể hợp tác với đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong công tác kiểm duyệt thông tin để đổi lấy được tham gia vào thị trường Trung Quốc. Trên Twitter của Nhân dân Nhật báo Trung Quốc (bản tiếng Anh) cũng đã chia sẻ trạng thái rằng “hoan nghênh Google chấp nhận kiểm duyệt”.

google
Ảnh từ internet

Nhiều kênh truyền thông Mỹ đưa tin, từ năm ngoái Google đã bắt đầu xây dựng một công cụ tìm kiếm có kiểm duyệt, công cụ tự động lọc bỏ các từ nhạy cảm “nhân quyền, dân chủ và tôn giáo” theo quan điểm của ĐCSTQ. Dự án được đánh dấu “cơ mật”, chỉ có vài trăm người trong Google biết. Liên quan vấn đề này, 6 thượng nghị sĩ liên bang Mỹ bao gồm cả Marco Rubio đã viết thư yêu cầu CEO Google Sundar Pichai cho biết rõ Google có kế hoạch này hay không. Dưới đây là những chia sẻ của các chuyên gia.

Rubio: “Ở Mỹ, họ nói về tự do ngôn luận. Nhưng họ lại chuẩn bị trở lại thị trường Trung Quốc, giúp chính phủ Trung Quốc sàng lọc thông tin, chặn con đường truy cập thông tin của nhân dân (Trung Quốc). Động thái này là tráo trở, đáng kinh tởm”.

Đường Tĩnh Viễn (Tang Jing Yuan, nhà bình luận người Mỹ gốc Hoa): “Về lo ngại đối với Google, đầu tiên là liên quan đến an toàn thông tin, bởi vì có khả năng máy chủ được đặt tại Trung Quốc Đại lục, nếu vậy rủi ro bị hacker của ĐCSTQ đánh cắp thông tin sẽ rất cao. Ngoài ra phải đối mặt với rủi ro nhà cầm quyền ép buộc chuyển giao thông tin người dùng với lý do điều tra tội phạm hoặc an ninh quốc gia. Nên biết rằng Google không chỉ lưu trữ lịch sử tìm kiếm của người dùng, cũng bao gồm thông tin về việc sử dụng các thiết bị, thông tin vị trí, v.v. Một khi những thông tin này được bàn giao cho nhà cầm quyền, nhà cầm quyền ĐCSTQ có thể sẽ sử dụng kết hợp với hệ thống dữ liệu khổng lồ của họ, biến những thông tin này thành vũ khí để đàn áp các nhóm bảo vệ nhân quyền và kháng nghị.”

Ngày 06/8, một trạng thái twitter trên Nhân dân Nhật báo Trung Quốc (phiên bản tiếng Anh) đã đặc biệt gửi lời chào mừng Google trở lại Trung Quốc, nhưng phải tuân theo luật pháp địa phương, tôn trọng quản lý Internet của ĐCSTQ.

Trong lá thư gửi Google, 6 thượng nghị sĩ Mỹ đã chất vấn: “Liệu nhân viên của Google có trở nên giống như các công ty internet (Trung Quốc) khác, phải đi học bồi dưỡng chủ nghĩa Mác và các giá trị quan xã hội chủ nghĩa?” Các nhà lập pháp cũng lo lắng rằng nếu Google chịu tuân phục ĐCSTQ sẽ trở thành tấm gương xấu đối với các doanh nghiệp nhỏ khác.

Tưởng Phẩm Siêu (Jiang Pinchao, nhà thơ và nhà đấu tranh nhân quyền): “Là công cụ tìm kiếm lớn nhất thế giới, nếu Google đầu hàng nhà cầm quyền ĐCSTQ là đã phát tán một thông điệp rằng không công ty nào có thể chống lại chế độ kiểm duyệt thông tin của ĐCSTQ.”

Tưởng Phẩm Siêu từng công bố một bài viết cho biết, ông đã bị ĐCSTQ bỏ tù và bị tra tấn vì tham gia sự kiện Thiên An Môn ngày 04/6/1989. Một nghiên cứu năm 2004 của trang Động Thái (Dongtaiwang) tại Mỹ đã phát hiện ra rằng, tên của Tưởng Phẩm Siêu đã bị tìm kiếm của Google ​​Trung Quốc kiểm duyệt.

Ngoài ra còn nhiều nhà hoạt động nhân quyền và các nhóm tín ngưỡng đã bị ĐCSTQ đàn áp và bôi nhọ, họ cũng bị Google Trung Quốc xếp vào danh sách từ khóa nhạy cảm.

Tưởng Phẩm Siêu: “Sự thật là công bằng tối thiểu đối với người yếu thế. Những người thường chúng tôi sống trong khốn khó nhưng vẫn đang cố gắng đấu tranh cho dân chủ, chúng tôi kêu gọi Google phải biết giới hạn, dù sao họ cũng phát triển được từ thế giới tự do.”

Đường Tĩnh Viễn: “Bị ĐCSTQ liệt vào từ nhạy cảm đều là những sự thật mà họ lo sợ dân chúng biết được, đây cũng là cơ sở để nhà cầm quyền tiếp tục dùng lời dối trá nhằm duy trì nền chính trị bạo ngược. Chính phủ Mỹ nên nhận ra rằng ĐCSTQ buộc các công ty Mỹ phải chịu kiểm duyệt của họ để đổi lấy tiếp cận thị trường; cũng yêu cầu doanh nghiệp Mỹ muốn tiếp cận thị trường Trung Quốc phải đánh đổi bằng trao lại quyền sở hữu trí tuệ; bản chất hai vấn đề tương tự nhau. ĐCSTQ nhắm vào mục tiêu làm suy yếu ưu thế kinh tế cũng như nền chính trị của Mỹ. Chính phủ Mỹ nên huy động mọi công cụ chính sách để giúp sự thật và tự do thông tin đi vào Trung Quốc Đại lục”.

Hồi năm 2010, vì Google không chịu hợp tác với các yêu cầu kiểm duyệt ngày càng nghiêm ngặt của ĐCSTQ nên bị các tin tặc của nhà cầm quyền ĐCSTQ tấn công, và sau đó Google đã rút khỏi thị trường Trung Quốc Đại lục trong bốn năm. Giới quan sát đang tiếp tục chú ý đến việc liệu trong tương lai Google có làm ngược lại nguyên tắc “Không làm điều ác/Don’t be evil” mà đã từng khiến doanh nghiệp này phải rút khỏi Trung Quốc đại lục hay không”.

Huệ Anh

Xem thêm: