Gần đây, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc Hoàng Khiết Phu (Huang Jiefu) đã tham gia Hội nghị thượng đỉnh Vatican về Chống buôn bán nội tạng. Đáng chú ý là bài trả lời phỏng vấn của ông trên báo chí Trung Quốc trong thời gian tham dự Hội nghị đã bị gỡ bỏ đồng loạt. Một số chuyên gia cho rằng, vấn đề này có liên quan đến ván cờ đấu đá trong bộ máy chính trị Trung Quốc hiện nay.

Hoang Khiet Phu tai Vatican
Gần đây, ông Hoàng Khiết Phu đã tham dự và phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về chống buôn bán nội tạng do Vatican tổ chức.

Theo thông tin, tại Hội nghị lần này, đại diện Trung Quốc không chia sẻ nhiều tài liệu liên quan. Phần nội dung trả lời phỏng vấn trên truyền thông Trung Quốc của ông Hoàng Khiết Phu liên quan đến vấn đề tạp chí quốc tế cho gỡ bỏ toàn bộ luận văn về cấy ghép gan của hai Viện sĩ Trung Quốc.

Thông tin phỏng vấn ông Hoàng Khiết Phu bị gỡ bỏ

Trong thời gian diễn ra Hội nghị về chống buôn bán nội tạng tại Vatican, báo mạng ThePaper của Trung Quốc Đại Lục đã đưa tin về vấn đề «Tạp chí Quốc tế về gan» (Liver international) gỡ bỏ luận văn về cấy ghép nội tạng của học giả Trung Quốc.

Xuất bản phẩm công bố khoa học bị gỡ bỏ là của hai chuyên gia cấy ghép tạng: bác sĩ Trịnh Thụ Sâm (Shusen Zheng) – Viện trưởng Bệnh viện số 1 Đại học Chiết Giang, và bác sĩ Nghiêm Thịnh (Sheng Yan) – Chủ nhiệm Khoa ngoại Tụy Gan Mật. Luận văn nghiên cứu 564 ca phẫu thuật cấy ghép gan trong thời gian từ 4/2010 – 10/2014. Theo luận văn thì những ca phẫu thuật cấy ghép gan này là do hiến tặng.

Ngày 30/1/2017, «Tạp chí Quốc tế về Gan» đã đăng bài chất vấn liên quan đến việc luận văn không cho biết rõ vấn đề có hay không việc sử dụng nội tạng phạm nhân tử hình.

Khi trả lời phỏng vấn, ông Hoàng Khiết Phu cho biết “số liệu của luận văn đưa ra là không chính xác”. Ông Hoàng Khiết Phu nói: “Số gan công dân của chúng ta hiến tặng từ 2011 – 2014 là 1.910 trường hợp, tại Bệnh viện số 1 Chiết Giang có 166 trường hợp. Luận văn cho biết thực hiện theo dõi 564 trường hợp là không chuẩn xác”.

Theo thông tin, ông Hoàng Khiết Phu đã điện thoại liên lạc với ông Trịnh Thụ Sâm và được cho biết là “số liệu do bác sĩ cấp dưới thống kê”. Nhưng trang tin ThePaper lại không liên lạc tìm hiểu trực tiếp với ông Trịnh Thụ Sâm.

Thông tin này sau đó được nhiều trang tin khác đăng tải lại, tuy nhiên cuối cùng đều đồng loạt bị gỡ bỏ.

Qua sự kiện, một số chuyên gia cho rằng, câu chuyện vô tình cho thấy tình trạng hỗn loạn trong số liệu về cấy ghép nội tạng, cũng để lộ một phần tấm màn đen cấy ghép nội tạng tại Trung Quốc.

Vì sao ông Hoàng Khiết Phu cải chính số liệu 564 ca phẫu thuật?

Trả lời phỏng vấn của truyền thông ngoài Trung Quốc, ông Hoàng Kim Thu (Huang Jinqiu), một người có thâm niên trong ngành truyền thông ở Trung Quốc Đại Lục cho biết, đây là vấn đề học thuật nên phải đặc biệt cẩn trọng, mọi thứ phải có cơ sở rõ ràng. Số liệu 564 trường hợp này đáng tin cậy hơn lời phủ nhận của ông Hoàng Khiết Phu.

Ông Hoàng Kim Thu nói: “Căn cứ theo số liệu này thì có hơn 1.000 bệnh viện có phẫu thuật cấy ghép nội tạng trên toàn quốc, một con số khủng khiếp. Nhà chức trách Trung Quốc dĩ nhiên không muốn chuyện này bị tuyên truyền ra ngoài, vì thế ông Hoàng Khiết Phu phải cải chính thông tin”.

Bà La, một người từng làm nghiên cứu về y học tại Trung Quốc cho rằng, nguồn gốc nội tạng được dùng trong cấy ghép ở Trung Quốc là dấu hỏi lớn, ngày 13/6 năm ngoái Quốc hội Mỹ đã thông qua Nghị quyết 343 yêu cầu chính quyền Trung Quốc phải chấm dứt “mổ cướp nội tạng nhắm vào tù nhân lương tâm là những người tập Pháp Luân Công. Trong tình hình này, luận văn nghiên cứu của Bệnh viện Đại học Chiết Giang khó tránh bị nghi ngờ.

Ngoài ra, “thái tử Đảng” La Vũ sống tại Mỹ cho biết, ông Hoàng Khiết Phu muốn che lại số liệu do ông Trịnh Thụ Sâm công bố, trước đây chính quyền Trung Quốc từng tuyên truyền số ca cấy ghép nội tạng mỗi năm khoảng 10.000 ca.

Bà Wendy Rogers, nhà đạo đức học ngành y của Úc là người đã tố cáo vì nghi ngờ trong công trình nghiên cứu của ông Trịnh Thụ Sâm có sử dụng nội tạng tử tù. Trả lời phỏng vấn VOA, bà Wendy Rogers cho biết:

“Tại các nước Tây phương, để đạt được con số 564 ca phẫu thuật phải có hơn 1.800 người hiến tặng. Tôi biết, trong thời gian này toàn Trung Quốc chỉ có hơn 2.000 người hiến tặng. Theo tôi, một bệnh viện không thể chiếm ưu thế nhiều như thế trong tiếp cận số người hiến tặng trên toàn quốc, vì thế tôi thông báo cho tạp chí hiểu tôi nghi ngờ nguồn nội tạng lấy từ phạm nhân tử hình”.

Ông La Vũ nhấn mạnh: “Số liệu đưa ra mà không rõ nguồn gốc là không thể chấp nhận. Việc Vatincan mời ông Hoàng Khiết Phu tham gia phát biểu tại Hội nghị vì thế khó tránh bị cộng đồng quốc tế phản đối”.

Nguyên nhân truyền thông Trung Quốc Đại Lục nhượng bộ

Vì ông Hoàng Khiết Phu bị nghi ngờ liên quan đến tội ác mổ cướp nội tạng nên việc được mời tham gia Hội nghị thượng đỉnh chống buôn bán nội tạng gây bất bình trong dư luận quốc tế. Tuy nhiên, trước những tiếng nói của dư luận quốc tế, không thấy những cơ quan ngôn luận hàng đầu của Trung Quốc quan tâm.

Ngày 7/2, ông Trần Khang, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong buổi họp báo, việc ông Hoàng Khiết Phu đến Vatican không liên quan gì đến quan hệ giữa Trung Quốc và Vatican.

Về vấn đề này, ông La Vũ chia sẻ:

“Việc ông Hoàng Khiết Phu tham gia Hội nghị lần này là đề tài tương đối khó xử lý đối với truyền thông Trung Quốc ở trong nước. Cho dù cả Quốc hội Mỹ và Nghị viện châu Âu đều lên án, nhưng Bắc Kinh lại không thể đáp trả, tỏ ra không muốn tranh luận về đề tài này. Trong lá thư công khai gửi ông Tập Cận Bình tôi từng nói ‘nếu cứ để ông Hoàng Khiết Phu lừa dối cộng đồng quốc tế là bôi nhọ vào mặt mình’. Có lẽ lần này truyền thông Trung Quốc im lặng vì ông Tập Cận Bình không muốn bị bôi thêm nhọ vào mặt nữa”.

Ông La Vũ cho biết, trên quốc tế, hình ảnh của ông Hoàng Khiết Phu rất xấu, vì thế ông Tập Cận Bình không muốn gây tranh luận để ông Hoàng Khiết Phu xuất hiện nhiều trên truyền thông quốc tế.

Ông Hoàng Khiết Phu lặng lẽ hơn tại Vatican

Thời báo Hoàn Cầu dẫn ý kiến của Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Margaret Chan cho biết, hoạt động cải cách về hiến tặng và cấy ghép nội tạng của Trung Quốc rất thành công, thậm chí “kinh nghiệm của Trung Quốc” đáng để các nước khác tham khảo.

Nhưng theo hãng tin AP (Pháp), tại Hội nghị lần này ông Hoàng Khiết Phu đưa ra quá ít tư liệu, chỉ cho chiếu 2 slide.

BBC đưa tin, ông Hoàng Khiết Phu thừa nhận hoạt động cải cách cấy ghép nội tạng của Trung Quốc tiến triển chậm chạp, “vô cùng khó khăn”. Giới chuyên gia quốc tế từng đề nghị được điều tra độc lập trong hoạt động này của Trung Quốc nhưng đã bị chính quyền Trung Quốc từ chối.

Do thực trạng thiếu minh bạch về người hiến tặng nội tạng và hoạt động của thị trường chợ đen chưa bao giờ chấm dứt, nên tình trạng nội tạng ở Trung Quốc luôn bị chất vấn.

Ông Hoàng Kim Thu cho rằng: “Sau Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình có cách tiếp cận riêng đối với vấn đề mổ cướp nội tạng, vì dĩ nhiên ông ấy phải cảnh giác bị thế lực đen đổ tội lỗi lên đầu mình”.

Theo Tổ chức Thế giới Điều tra Đàn áp Pháp Luân Công, tội ác mổ cướp nội tạng bùng phát sau khi ông Giang Trạch Dân ra lệnh đàn áp Pháp Luân Công.

Bổ nhiệm Thị trưởng Bắc Kinh phụ trách tổ lãnh đạo chấm dứt dịch vụ thu phí trong quân đội

Trong thời điểm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh về Chống buôn bán nội tạng tại Vatican, Nhật báo Bắc Kinh đưa tin, Bộ đội Khu Bắc Kinh mở Hội nghị Tổ Lãnh đạo Chấm dứt phục vụ thu phí trong quân đội, tổ trưởng tổ lãnh đạo là ông Thị trưởng Thái Cơ (Cai Ji) của thành phố Bắc Kinh.

Chính sách chấm dứt phục vụ thu phí trong quân đội do ông Tập Cận Bình đưa ra vào tháng 11/2015, là một phần trong kế hoạch cải cách quân đội Trung Quốc.

Ông La Vũ phân tích: “Năm 2015, ông Tập Cận Bình yêu cầu chấm dứt các hoạt động dịch vụ thu phí trong quân đội, khi đó mọi người đều cảm nhận mục đích của việc này để nhắm vào hoạt động cấy ghép nội tạng tại các y viện quân đội. Tuy nhiên công việc này chưa có nhiều tiến triển trong hơn một năm qua”.

Ông La Vũ cũng nói: “Nếu hiện nay truyền thông Trung Quốc Đại Lục đưa tin này thì có thể thấy tình hình đã có tiến triển tốt, đây là tin vui. Nếu Bắc Kinh đã thành lập tổ lãnh đạo triển khai chấm dứt hoạt động dịch vụ thu phí trong quân đội thì có nghĩa là sẽ có thể chấm dứt hoạt động buôn bán nội tạng”.

Theo ông Hoa Pha (Hua Po), một nhà quan sát, cho biết: “Thời ông Hồ Cẩm Đào còn bị phái Giang Trạch Dân thao túng. Nhưng hiện ông Tập Cận Bình đã trở thành lãnh đạo hạt nhân, không thể tiếp tục tình trạng này. Ông ấy buộc phải làm cho quân đội rời xa lĩnh vực này. Đây là nguyên nhân khiến ông Tập Cận Bình cử thân tín là Thị trưởng Bắc Kinh phụ trách tổ lãnh đạo nhằm xử lý tình hình”.

Chuyên gia Tân Tử Lăng cũng chia sẻ trên truyền thông ngoài Trung Quốc, thế lực ông Tập Cận Bình và Giang Trạch Dân sẽ có trận quyết chiến trong năm 2017. Ông Tập muốn giải quyết vấn đề phái Giang trước Đại hội 19, nếu để phái Giang liên kết mạnh mẽ sẽ uy hiếp đến quyền lực của ông. Điều này không chỉ liên quan đến an nguy của thể chế Trung Quốc mà còn cả sinh mạng người thân của họ.

Tuyết Mai

Xem thêm: