Sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra cảnh báo về di trú, Đại học California Davis (University of California, Davis) gần đây cũng đưa ra một số lưu ý cho sinh viên khi đến Trung Quốc du lịch. Trong đó có nhắc đến việc không nên sử dụng các phần mềm nhắn tin như WhatsApp hoặc Wechat (Weixin) tại Trung Quốc, hoặc đăng bất cứ bình luận nào để tránh bị chính quyền Trung Quốc “bắt bớ một cách tùy tiện”. 

weixin2
Đại học California Davis gần đây đã nhắc nhở sinh viên đi du lịch đến Trung Quốc không nên sử dụng phần mềm nhắn tin WhatsApp hoặc WeChat (Ảnh từ internet)

Theo Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), một người phụ trách tại Đại học California Davis mới đây đã gửi e-mail đến một bộ phận sinh viên, nhắc nhở khi đến Trung Quốc du lịch không nên sử dụng Wechat và WhatsApp. Trong email có nói, “Mặc dù sử dụng WhatsApp hoặc Wechat tại Trung Quốc là hợp pháp, nhưng điều chúng tôi lo lắng là, trước đó khi Nga điều tra người Mỹ bị cáo buộc là gián điệp, đã từng nhắc đến việc người này sử dụng WhatsApp, Trung Quốc có thể dùng cách tương tự của Nga để xử phạt các du khách phương Tây, hoặc lấy đó làm lý do để từ chối không cho du khách phương Tây xuất cảnh. Chúng tôi kiến nghị hiện nay không nên sử dụng những ứng dụng này.”

Ngoài ra, trong e-mail còn liệt kê ra 6 điều cấm kỵ khi đến Trung Quốc du lịch. Đó là không nên ký kết bất cứ thứ gì tại Trung Quốc; không nên giao nộp hộ chiếu; nếu bị bắt cần lập tức yêu cầu gọi điện đến Đại sứ quán Mỹ cho đến khi được nói chuyện hoặc được thả; cẩn thận khi trả lời các câu hỏi, tránh vô tình cung cấp bất kỳ thông tin nào có thể bị bóp méo là lệnh cấm xuất cảnh hoặc lệnh bắt giữ; không nên có bất cứ tuyên bố hoặc công cáo chính trị “bất lợi” nào trên mạng xã hội, trong tình huống chưa được phép, không nên chụp ảnh bất cứ cơ quan chính phủ nào; cần nhớ kỹ, sau khi bị bắt, tại Trung Quốc sẽ không có quyền lợi gọi điện thoại, do đó nhà trường thiết lập thủ tục đăng ký để thông báo cho bên thứ 3 biết nơi bạn đến và rời đi.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) tại Hồng Kông, bức e-mail này được một nhân viên của nhà trường gửi đi hôm 7/1, và được gửi tới các sinh viên Khoa Kỹ thuật Điện tử và Máy tính của trường. Hai nghiên cứu sinh của khoa này cũng xác nhận họ đã nhận được email liên quan, nhưng không đưa ra bình luận về vấn đề cảnh báo du lịch.

Sau khi email này được công khai, phía nhà trường đã lên tiếng, e-mail này không phải là một thông báo chính thức từ nhà trường. Nó chỉ được gửi trực tiếp đến các sinh viên Khoa Kỹ thuật Điện tử và Máy tính bởi “hộp thư riêng của hiệu trưởng”, đồng thời nhấn mạnh rằng những cảnh báo này không đại diện cho lập trường của nhà trường.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố cảnh báo di trú tại Trung Quốc với cấp độ 2.

Sau sự kiện bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc Tài chính của Huawei bị Canada bắt giữ, chính quyền Trung Quốc đã liên tiếp bắt giữ công dân Canada. Sau đó, Bộ Ngoại giao Mỹ kiến nghị, những công dân Mỹ tại Trung Quốc cần phải cẩn thận việc Trung Quốc “tùy ý chấp pháp”. Ngày 3/1, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố cảnh báo di trú tại Trung Quốc, nhắc nhở công dân Mỹ đến Trung Quốc và công dân Mỹ đang ở Trung Quốc cần nâng cao cảnh giác. Trong cảnh báo có nói, chính phủ Trung Quốc lợi dụng “lệnh cấm xuất cảnh” để cấm công dân Mỹ rời Trung Quốc, thỉnh thoảng còn có trường hợp công dân Mỹ bị giữ tại Trung Quốc nhiều năm. Cảnh báo còn viết: Công dân Mỹ “có thể bị tạm giữ tại Trung Quốc”.

Thời báo Tự do (Liberty Times) tại Đài Loan còn dẫn phân tích của Trợ lý giáo sư Ryan Mitchell tại Đại học Trung văn Hồng Kông cho biết, mặc dù người Mỹ đến Trung Quốc du lịch không hẳn là sẽ gặp phải những nguy hiểm thực sự, nhưng vô cớ bị chính quyền tạm giữ thì đúng lại là một vấn đề khác. Ông nói, “Tùy tiện tạm giữ du khách phương Tây là một sự thực và là vấn đề tồn tại đã lâu tại Trung Quốc”, tùy tiện đưa ra một cáo buộc mơ hồ về an ninh quốc gia liền khiến cho du khách có thể bị bắt giữ, và người bị bắt giữ sẽ không dễ liên hệ được với bên ngoài.

Huệ Anh

Xem thêm: