Ngày 01/8 vừa qua là ngày đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kỷ niệm 91 năm ngày thành lập quân đội, một mặt nhà cầm quyền tìm cách xoa dịu sự bất mãn về chế độ phúc lợi cho giới cựu chiến binh, mặt khác vẫn trấn áp mạnh tay các cựu chiến binh đấu tranh bảo vệ quyền lợi của họ. Kể từ tuần trước, cựu chiến binh ở nhiều nơi trên khắp Trung Quốc đã kéo đến Bắc Kinh để nói lên tiếng nói của họ.

cựu chiến binh
Giới cựu chiến binh kiến ​​nghị bảo vệ quyền lợi nhưng bị cảnh sát ngăn chặn (Ảnh chụp màn hình video)

Đài VOA Mỹ đưa tin, kể từ tuần trước đông đảo cựu chiến binh tại các nơi như Yên Đài – Sơn Đông, Từ Châu – Giang Tô, Đại Danh – Hồ Bắc, đã tập trung biểu tình kháng nghị. Ở Yên Đài tỉnh Sơn Đông có hơn 10 cựu chiến binh dự định đi tàu hỏa lên Bắc Kinh kháng nghị nhưng bị chính quyền bố trí một số lượng lớn cảnh sát và nhân viên trị an bao vây ngăn chặn tại nhà ga Yên Đài. Cựu chiến binh và cảnh sát đứng đối đầu nhau bên ngoài nhà ga, cảnh sát không cho mua vé xe lửa. Cuối cùng, cảnh sát đã giải tán được các cựu chiến binh.

Đài Á châu Tự do (RFA) đưa tin, gần đây tại Tế Nam tỉnh Sơn Đông có khoảng 30 cựu chiến binh đã đến được Bộ Cựu Chiến binh tại Bắc Kinh kiến nghị, nhưng cho đến đêm ngày 31/7 chính quyền địa phương đã điều động hơn 50 nhân viên an ninh đến trấn áp, hai bên giằng co căng thẳng kéo dài.

cựu chiến binh
Đêm 30/7, ông Vương (Wang), một cựu chiến binh chuẩn bị lên Bắc Kinh kháng nghị nhưng bị cảnh sát Sơn Đông ngăn cản (Ảnh: RFA)

Trước đó, để xoa dịu tình hình kháng nghị của các cựu chiến binh, Bộ Cựu chiến binh và Bộ Tài chính Trung Quốc đã ban hành một thông báo khẩn cấp nâng cao tiêu chuẩn trợ cấp cho giới cựu chiến binh. Tân Hoa Xã đưa tin, theo thông báo thì những cựu chiến binh bị bệnh tật phải giải ngũ về quê sống được trợ cấp 550 Nhân dân tệ (khoảng 1,95 triệu đồng), cựu chiến binh tham gia chiến tranh và tham gia vào các vụ thử hạt nhân được trợ cấp 600 Nhân dân tệ (khoảng 2,13 triệu đồng), lính nghĩa vụ quân sự gốc vùng nông thôn cứ mỗi năm phục vụ trong quân đội thì  được hưởng 35 Nhân dân tệ (khoảng 124.000 đồng) một tháng.

Tuy nhiên, ông Tưởng (Jiang), một cựu chiến binh tại Hà Nam cho biết thông báo của chính quyền trung ương đưa xuống rất khác với chính quyền địa phương. Ở một số nơi, các cựu chiến binh thậm chí không nhận được một xu nào, đó là lý do tại sao các cựu chiến binh ở khắp nơi phải tiếp tục lên tiếng bảo vệ quyền lợi của họ. “Mỗi nơi một chính sách, nhiều người công trạng như nhau nhưng chế độ đãi ngộ chênh lệch rất xa nhau, và thậm chí nhiều người còn không nhận được gì, tuổi già mà không có tiền thì sống ra sao? Cho nên các cựu chiến binh mới phải kiên quyết kháng nghị. Nếu họ làm đúng theo quy định của chính sách quốc gia thì làm gì có chuyện đông đảo các cựu chiến binh phải cùng nhau biểu tình kháng nghị bảo vệ quyền lợi? Nếu không quá tức giận thì họ làm gì phải chạy lên tận Bắc Kinh kêu oan để vừa mệt lại tốn kém?”

Trong những năm gần đây, sự kiện các cựu chiến binh trên khắp Trung Quốc Đại lục kháng nghị bảo vệ quyền lợi liên tục xảy ra, vào cuối tháng Sáu năm nay, cựu chiến binh Trấn Giang tỉnh Giang Tô vì biểu tình bảo vệ quyền lợi đã bị giới cảnh sát trấn áp bằng bạo lực. Khi đó hàng chục ngàn cựu chiến binh từ khắp Trung Quốc đại lục đã hưởng ứng ủng hộ, họ kéo đến Trấn Giang đối đầu với lực lượng trị an Trấn Giang nhiều ngày, cuối cùng nhà cầm quyền điều động cả cảnh sát vùng khác đến trấn áp bạo lực, dẫn đến bùng nổ xung đột làm nhiều cựu chiến binh bị trọng thương.

cựu chiến binh
Cựu chiến binh Trấn Giang tỉnh Giang Tô kháng ​​nghị đã bị đánh đập trọng thương (Ảnh từ internet)

Nhưng đối với trường hợp kháng nghị ở Trấn Giang lần này, chính quyền Trấn Giang không những không công bố thông tin, mà giới truyền thông nhà nước cũng “rủ nhau im lặng”. Khi đó tìm kiếm từ khóa “cựu chiến binh Trấn Giang” trên mạng Weibo cho thấy nhiều người chia sẻ video và thông tin liên quan, nhưng sau đó đã nhanh chóng bị kiểm duyệt xóa bỏ.

Ngoài ra, trong tháng 10/2016 tại Bắc Kinh cũng đã xảy ra sự kiện hơn chục ngàn cựu chiến binh bao vây tòa nhà 81 Ủy ban quân sự Bắc Kinh, họ yêu cầu Chính phủ giúp đỡ giải quyết việc làm, trợ cấp hưu trí…

Trên mạng xã hội Wechat tại Trung Quốc Đại lục từng xuất hiện chia sẻ cho biết, một “người trong cuộc” thuộc Tổng cục Chính trị tiết lộ rằng đa số yêu cầu kiến ​​nghị trong nhiều năm của các cựu chiến binh đều bị ém lại ở Cục Khiếu nại Tổng cục Chính trị, đặc biệt là trong thời kỳ ông Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng làm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Nguồn tin cũng chỉ ra, hầu hết các cựu chiến binh kháng nghị làm việc từ năm 1993 -2000 dưới thời cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân, họ bị Tổng cục Chính trị của quân đội Trung Quốc dùng danh nghĩa giải trừ quân bị để xây dựng lực lượng tinh nhuệ cho giải ngũ theo tiêu chuẩn chi trả tiền chính sách một lần. Chính sách thời điểm đó là giải quyết trợ cấp một lần khoảng vài chục ngàn nhân dân tệ rồi cho giải ngũ sớm, nhưng khi về địa phương họ rơi vào cảnh thất nghiệp. Sau khi các cựu chiến binh tiêu hết tiền trợ cấp thì cuộc sống rơi vào khó khăn. Nhiều người không có việc làm, hoặc bị bệnh, và chỉ được vài chục nhân dân tệ mỗi tháng…

Hiện nay, vấn đề giải quyết an sinh xã hội của các cựu chiến binh Trung Quốc đã trở thành một vấn đề “đau đầu” đối với các nhà lãnh đạo đương nhiệm, thậm chí vấn đề còn được xem là yếu tố gây bất ổn xã hội. Vào đầu năm nay, Nhân đại Trung ương Trung Quốc đã thành lập Bộ Quân nhân giải ngũ để phụ trách vấn đề tạo việc làm, trợ cấp sinh hoạt và hưu trí cho quân nhân giải ngũ. Tuy nhiên chỉ trong hơn một trăm ngày, các phòng ban liên quan đã phải tiếp hơn 23.000 người đến kiến nghị phản ánh, mỗi ngày phải tiếp hơn 100 người.

Một cựu chiến binh đi kiến nghị đã trả lời truyền thông rằng Bộ Cựu chiến binh không giải quyết được vấn đề gì, cuối cùng vẫn đẩy trách nhiệm về chính quyền địa phương.

Tuyết Mai

Xem thêm: