Cảnh sát Trung Quốc sắp được trang bị hàng loạt kính nhận dạng khuôn mặt, với lý do là để phát hiện tội phạm. Camera gắn trên kính có khả năng nhận diện khuôn mặt của những người qua đường và đối chiếu nó với hồ sơ của cảnh sát.

1 m914GTWi vzJQT5oItUGqQ
Cảnh sát đeo kính

Tờ Nhân Dân Nhật Báo đầu tuần này đăng ảnh giới thiệu các nhân viên cảnh sát tại ga tàu Trịnh Châu ở Hà Nam đang sử dụng thiết bị giám sát mới này. Theo tờ báo, đã có 6 nghi phạm và 26 người sử dụng giấy tờ giả bị bắt kể từ đầu năm nay nhờ thiết bị này.

Chính quyền Trung Quốc cho biết, để đảm bảo việc về quê ăn tết không xảy ra vấn đề gì, an ninh đường sắt được trang bị kính thông minh, trên chiếc kính đen này có gắn một camera mini, giống như camera được lắp đặt trên điện thoại thông minh, bảo vệ tại ga tàu có thể chụp lại hình ảnh của “nghi phạm”, sau đó hình ảnh được gửi về kho dữ liệu để tiến hành đối chiếu. Tại kho dữ liệu, các thông tin như danh tính, chủng tộc, địa chỉ, v.v. của “nghi phạm” sẽ được trích xuất. Tuy nhiên có tổ chức nhân quyền lo lắng chính quyền Trung Quốc đang lợi dụng công nghệ nhận dạng hình ảnh để khống chế toàn diện người dân.

1 I0YPPNAk4zEOdPSvZNcRYw
Cảnh sát xem thông tin của người đi qua được nhận diện. Hình ảnh trên kính cũng đồng thời được chiếu về trung tâm giám sát.

Phóng viên tờ Wall Street Journal, Fan Wenxin cung cấp một số hình minh họa về các trung tâm giám sát.

Công nghệ nhận diện khuôn mặt

“Bạn có muốn tag Mary vào bức ảnh này không?”

Khi một người dùng upload một tấm hình lên mạng xã hội Facebook hoặc dịch vụ lưu trữ ảnh Google Photos, các dịch vụ này sẽ chỉ rõ vị trí khuôn mặt của người bạn vừa upload và hỏi bạn có muốn tag để chia sẻ bức ảnh.

Đây là một ứng dụng vô cùng tiện lợi và hiệu quả của công nghệ nhận diện khuôn mặt (face recognition). Công nghệ này cho phép so sánh các đặc điểm chính trên khuôn mặt (tỷ lệ của mắt và mặt, vị trí của mũi, v.v.) với các dữ liệu lấy từ các ảnh đã có trong quá khứ. Cho đến tận cách đây vài năm thì người dùng vẫn phải làm việc thủ công là bấm lên ảnh và chọn tên của người bạn mình muốn đánh dấu.

Tuy nhiên, công nghệ nhận diện khuôn mặt không chỉ được dùng trong các chức năng thú vị như vậy. Nhiều nhà nghiên cứu xã hội đang lo ngại rằng công nghệ này sẽ đặt dấu chấm hết cho sự riêng tư của chúng ta. Trong khi đó, các nhà hoạt động nhân quyền cho rằng nó đang được sử dụng để xây dựng hệ thống kiểm soát công dân lớn nhất thế giới tại Trung Quốc.

Công nghệ nhận diện khuôn mặt (face recognition) đã có từ lâu và được áp dụng một cách có giới hạn tại các khu vực kiểm tra an ninh trước khi được sử dụng trên các ứng dụng dịch vụ. Nhật Bản từ lâu đã áp dụng công nghệ này để kiểm tra người nhập cảnh tại các sân bay lớn.

Quyền riêng tư có thể bị xâm phạm dễ dàng

Không giống như công nghệ nhận dạng vân tay đòi hỏi một quá trình phức tạp hơn để lấy thông tin sinh trắc học (biometric) của một người, dữ liệu về hình ảnh của một người có ở khắp mọi nơi trên mạng xã hội. Hầu hết các mạng xã hội đều lưu trữ dữ liệu khổng lồ về bất kỳ một người nào. Các công ty thu thập dữ liệu cá nhân cũng luôn lợi dụng sự lỏng lẻo trong quy định về quyền riêng tư để hút các dữ liệu này về cơ sở dữ liệu riêng của mình.

Vào năm 2016, một ứng dụng tên là FindFace đã gây nên một cơn chấn động nhỏ ở Nga khi nó cho phép người dùng chụp ảnh một người trong đám đông và tìm thấy profile của người đó trên Vkontakte, một mạng xã hội phổ biến ở Nga và các nước Liên Xô cũ. Chỉ trong thời gian ngắn, ứng dụng này đã thu hút 500.000 người dùng. Các nhà phát triển cho biết công nghệ của họ cho phép tìm kiếm siêu tốc trên dữ liệu lớn, với độ chính xác 70%. “Nếu bạn thấy một ai đó bạn thích đi ngang qua đường, bạn có thể chụp ảnh họ và gửi một tin nhắn làm quen”, các nhà phát triển ứng dụng nói với tờ The Guardian. Tuy nhiên, người ta cũng có thể sử dụng nó để theo dõi và quấy rối một người nào đó dễ dàng.

Vùng xám của quyền riêng tư

Ở Mỹ, các sòng bạc đều sử dụng công nghệ này để phát hiện những người bị cho là từng gian lận. Walmart cũng từng cho tờ Fortune biết họ định thử nghiệm hệ thống nhận diện những người bị đánh dấu là lấy cắp từ cửa hàng (sau đó hãng này đã tuyên bố bỏ dự án này).

Với các trường hợp trên, công nghệ nhận diện khuôn mặt có thể được áp dụng tương đối dễ dàng với số lượng camera an ninh đã có sẵn tại các sòng bạc và siêu thị. Ở nhiều nước, chính phủ quy định việc lắp camera an ninh phải đi kèm với lời cảnh báo “camera an ninh đang ghi hình“. Tuy nhiên, người bị ghi hình không hề biết mình bị theo dõi bởi một nhân viên an ninh ngồi trước màn hình hay bởi công nghệ nhận diện khuôn mặt tự động.

An ninh công cộng hay giám sát công dân?

Trong cuộc chiến chống lại khủng bố ở châu Âu, cảnh sát Đức đã bắt đầu cho lắp đặt hàng loạt camera nhận diện khuôn mặt tại các ga tàu ở Berlin. Mỹ cũng bắt đầu sử dụng nhận diện khuôn mặt cho các hành khách xuất, nhập cảnh tại 6 sân bay lớn. Trong khi đó, sau vụ đánh bom ở Manchester, Anh đang thử nghiệm sử dụng camera nhận diện khuôn mặt để thu thập thông tin tình báo tại nơi công cộng.

Điều đáng chú ý là các nhà hoạt động nhân quyền đều đang theo dõi thái độ của Trung Quốc trong việc sử dụng công nghệ này. Điều mà những nhà hoạt động này lo ngại là chính quyền Trung Quốc sẽ sử dụng công nghệ này để gia tăng việc theo dõi những bất đồng chính kiến.

Tháng 11/2017, Bloomberg News dẫn lời một nguồn tin cho biết công ty hợp đồng quốc phòng China Electronics Technology Group đang triển khai một mạng lưới camera nhận diện khuôn mặt ở Tân Cương để báo động cho cảnh sát nếu những người Duy Ngô Nhĩ (Uyghur) “bị tình nghi” rời khỏi “khu vực an toàn” mà hệ thống thiết lập.

Bloomberg cũng dẫn lời của Jon Cropley, nhà phân tích của IHS Markit cho biết, Trung Quốc có thể chiếm đến 46% toàn thị trường camera an ninh có trị giá 17,3 tỷ USD.

Tháng 12 vừa qua, cảnh sát Quảng Châu đã “thể hiện” khả năng sử dụng mạng lưới camera khổng lồ của họ để tìm thấy và bắt một phóng viên của BBC giữa thành phố 4 triệu dân chỉ trong vòng 7 phút.

Trung Quốc hiện đang có khoảng 170 triệu camera an ninh và có kế hoạch lắp đặt thêm 400 triệu nữa trong vòng 3 năm tới.

Tự Minh

Xem thêm: