Cải tổ các doanh nghiệp nhà nước là một yêu cầu cơ bản của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại các cuộc thương lượng trong chiến tranh thương mại. Tuy vậy, Trung Quốc vẫn đang tiếp tục củng cố mô hình kinh tế do nhà nước định hướng mặc cho yêu cầu thay đổi từ phía Mỹ, và trên thực tế đang tăng cường ảnh hưởng của các công ty nhà nước và sự thâm nhập của ĐCSTQ vào các công ty tư nhân.

công nhân Trung Quốc; xưởng may
Có học giả cho rằng, trong chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, người dân Trung Quốc đứng cùng mặt trận với Mỹ và đối lập với chính quyền Trung Quốc. (Ảnh minh họa từ Getty Images)

Đầu tháng 7, Uỷ ban Quản lý Giám sát Tài sản Nhà nước Trung Quốc (SASAC), cơ quan trực tiếp giám sát hơn 50 tỷ nhân dân tệ (khoảng 7,3 tỷ đôla Mỹ) tài sản nhà nước, đã thông báo rằng Tập đoàn Poly, một trong số ccs tập đoàn công nghiệp khổng lồ thuộc quyền giám sát của Uỷ ban, sẽ sáp nhập với Tổng công ty Tơ lụa Trung Quốc như một phần của kế hoạch tái cơ cấu của Chính phủ.

Việc hợp nhất các doanh nghiệp Nhà nước đã gây ảnh hưởng tới các doanh nghiệp địa phương, đặc biệt là những doanh nghiệp thuộc các ngành công nghiệp tài nguyên, cảng biển và các ngành công nghiệp dư thừa công suất. 

Trong nửa đầu năm nay, việc kiểm soát góp vốn tại ít nhất ở bốn công ty niêm yết, gồm cả Công ty tàu biển Hainan và Công ty sắt Maanshan, đã bị chuyển từ chính quyền địa phương sang cho SASAC.

Hôm 8/7, Công ty truyền thông Huayi Brothers Media đã gia nhập vào hàng ngũ các công ty tư nhân thành lập các chi bộ đảng trong tổ chức của mình. 

Theo số liệu chính thức, các chi bộ đảng tương tự đã được thiết lập trong hơn 1,5 triệu công ty tư nhân trên toàn quốc.

Ông Li Yiping, giáo sư kinh tế tại Đại học Nhân dân (Remin University), đã lên tiếng bảo vệ mô hình tăng trưởng của Trung Quốc. Ông cho rằng nó có những đặc điểm chung với các nền kinh tế thị trường, gồm các thực thể công ty có chế độ sở hữu rõ ràng; cơ chế thị trường đóng vai trò quyết định trong phân bổ nguồn lực; và vai trò của chính phủ để cung cấp các dịch vụ công cần thiết và hướng dẫn phát triển.

“Không chỉ có một mô hình kinh tế thị trường duy nhất. Các nước phát triển có những mô hình khác nhau,” ông tuyên bố trong một bài báo đăng hôm 9/7 trên trang mạng của tờ Nhân dân hàng ngày, cơ quan phát ngôn của ĐCSTQ.

Bình luận của ông Li đại diện cho cho phe đang ngày càng có tiếng nói trong giới hoạch định chính sách tại Bắc Kinh và trong giới học thuật Trung Quốc, kêu gọi đất nước bám sát vào mô hình phát triển hiện thời, bất chấp áp lực từ Mỹ.

Việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tìm cách xuất khẩu mô hình phát triển của mình thông qua Sáng kiến “Vành đai và Con đường,” đã khiến Washington phải chuyển hướng tập trung vào việc kiềm chế các công ty nhà nước Trung Quốc phụ thuộc nặng vào bao cấp và các chính sách công nghiệp do nhà nước điều hành như “Made in China 2025.”

Trong báo cáo trước Quốc hội Mỹ hồi tháng Hai, Cơ quan đại diện thương mại Mỹ nói rằng Trung Quốc không đi theo chính sách mở cửa định hướng thị trường, và việc “cải cách thực sự doanh nghiệp nhà nước không xuất hiện một cách trực tiếp trong những việc phải làm của Trung Quốc.”

“Nhà nước vẫn kiểm soát nền kinh tế và can thiệp nặng nề vào thị trường để đạt được các mục tiêu chính sách công nghiệp,” báo cáo nói.

Phát biểu tại một hội nghị chuyên đề vào cuối tháng 6, ông Timothy Stratford, Chủ tịch phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, nhận định hệ thống kinh tế lai ghép của Trung Quốc đã tạo ra một sân chơi không cân sức.

“Hệ thống kinh tế đặc sắc của Trung Quốc… [tức là] có một nền kinh tế thị trường, nhưng nền kinh tế đó còn có phần đặc trưng của chủ nghĩa xã hội,” ông nói.

“Đối với các ngành công nghiệp quan trọng ở Trung Quốc, Chính phủ có các kế hoạch, các chính sách và các biện pháp nhà nước hỗ trợ các lĩnh vực công nghiệp đó… Nó tạo ra một loại tình huống cạnh tranh không công bằng.”

Vào tháng 11 năm ngoái, Bắc Kinh đưa ra khái niệm “cạnh tranh trung lập,” tuyên bố thực hiện đối xử công bằng không tính đến thành phần sở hữu – dù là nhà nước hay tư nhân, trong nước hay ngoài nước.

Dụng ý này đã được cụ thể hoá trong luật đầu tư nước ngoài thông qua hồi tháng 3/2019. Trung Quốc cũng đã giảm bớt danh sách cấm các lĩnh vực có đầu tư nước ngoài vào tháng 6/2019. Nhưng Bắc Kinh tiếp tục từ chối bất cứ chất vấn nào về mô hình phát triển của đất nước.

“Trung Quốc không phải là chủ nghĩa tư bản nhà nước,” ông Guo Shuqing, Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc, nói hồi tháng Năm.

 “Thành phần hợp thành nền kinh tế của Trung Quốc đang trở nên đa dạng hơn, và thị phần của các công ty nhà nước đang ngày càng giảm,” ông nói.

Thế nhưng trên thực tế, nền kinh tế nhà nước của Trung Quốc và doanh nghiệp nhà nước đang tiếp tục phát triển. Các công ty nhà nước không thuộc lĩnh vực tài chính đã báo cáo tài sản hợp doanh là 192 nghìn tỷ nhân dân tệ vào cuối tháng 5, tăng 8,8% so với một năm trước đó, trong khi lợi nhuận ròng của họ tăng 9,3% lên 1,02 nghìn tỷ nhân dân tệ trong năm tháng đầu năm 2019, theo số liệu từ Bộ Tài chính. 

Ông Julian Evan-Pritchard, một nhà kinh tế cao cấp của Trung Quốc tại Capital Economics, nói chiến tranh thương mại khiến Trung Quốc gặp nhiều khó khăn trong việc cải cách các công ty nhà nước, nhưng Bắc Kinh tiếp tục dựa vào mô hình kinh tế do nhà nước chỉ đạo.

“Tôi không cho rằng điều gì đó đã thực sự thay đổi,” ông nói. “Thay vào đó, nó củng cố lập luận của phái diều hâu ở Trung Quốc rằng Mỹ đúng là đang cố kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc, và cách làm đúng đắn là không nhập khẩu hàng hoá nước ngoài, đồng thời tăng cường đẩy mạnh các chính sách công nghiệp do nhà nước điều hành để chống lưng cho các doanh nghiệp nhà nước.”

Bảo Minh (theo SCMP)

Xem thêm: