Hôm thứ Ba (06/11), Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã thảo luận về tình hình nhân quyền tại Trung Quốc, chính quyền Trung Quốc đã phản hồi rằng họ xây dựng “hệ thống cơ sở giáo dục” ở Tân Cương để giúp nhiều người dân tộc thiểu số ở đây thoát khỏi tư tưởng chủ nghĩa khủng bố, nhưng đại biểu của Mỹ đã chỉ trích rằng những cơ sở này toàn là “trại tạm giam”, chỉ ra rằng ĐCSTQ đã dối trá. Các nước phương Tây khác cũng đồng loạt lên án việc ĐCSTQ xây dựng các trại giam ở Tân Cương.

liên hiệp quốc

Tại Hội nghị Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát về tình hình nhân quyền Trung Quốc, đại diện từ khoảng hơn mười quốc gia, trong đó đa số thuộc phương Tây, đã chỉ trích phái đoàn Trung Quốc và lên án mạng lưới trại giam của ĐCSTQ ở Tân Cương (Ảnh: Elma Okic/UN)

Sáng thứ Ba (6/11) tại Geneva Thụy Sỹ, Hội đồng Nhân quyền LHQ đã tổ chức Hội nghị Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (Universal Periodic Review, UPR), xem xét tình hình nhân quyền ở Trung Quốc.

Về vấn đề ĐCSTQ chủ yếu tập trung đàn áp các dân tộc thiểu số ở Tân Cương, LHQ từng đưa ra báo cáo rằng có tới cả triệu người Duy Ngô Nhĩ (Uighur) và những người thiểu số Hồi giáo khác ở Tân Cương đang bị giam trong các trại giam.

Tại Hội nghị Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát, đại diện từ khoảng hơn mười nước, đa số là các nước phương Tây, đã chỉ trích phái đoàn Trung Quốc và lên án mạng lưới trại giam của ĐCSTQ ở Tân Cương. Thời điểm hội nghị đã có nhiều người biểu tình bên ngoài tòa nhà LHQ phản đối cuộc bức hại nhân quyền của ĐCSTQ.

Embed from Getty Images

Ngày 6/11, nhiều người biểu tình bên ngoài tòa nhà LHQ phản đối ĐCSTQ đàn áp nhân quyền. Tại Hội nghị Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát, đại diện từ khoảng hơn mười nước, đa số là phương Tây, chỉ trích phái đoàn Trung Quốc và lên án mạng lưới trại giam của ĐCSTQ ở Tân Cương (Ảnh: Getty Images)

Mỹ kêu gọi ĐCSTQ hủy bỏ hệ thống trại giam Tân Cương

Đại biểu Úc đi đầu trong việc lên tiếng kêu gọi ĐCSTQ “ngừng việc giam giữ  tùy tiện nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm Hồi giáo khác tại Tân Cương”.

Mark Cassayre, đại diện của Mỹ tại LHQ ở Geneva đã yêu cầu ĐCSTQ đóng cửa hệ thống trại giam và thả tất cả mọi người vô tội bị giam giữ trái phép.

Khi đề cập đến vấn đề Tân Cương, đại diện của Mỹ dùng từ “trại giam”, thẳng thắn vạch trần ĐCSTQ đánh tráo khái niệm thành “trại cải tạo giáo dục chính trị” để ngụy biện.

Khi phát biểu, đại diện của Mỹ đã dùng lời lẽ mạnh mẽ, chỉ thẳng vào các hành vi khác đàn áp của chính quyền Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, người Kazakhstan và những nhóm Hồi giáo khác, cho biết người Mỹ bị sốc về vấn đề này, đồng thời kêu gọi nhà cầm quyền ĐCSTQ phải ngay lập tức ngừng quấy rối và bắt bớ những người lên tiếng vì quyền con người và người thân gia đình của họ.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch, HRW) cho biết, đánh giá của LHQ cho thấy sự tương phản giữa hồ sơ nhân quyền của ĐCSTQ và “thực tế tệ hại”.

Trong một thông báo qua e-mail, John Fisher – Giám đốc của HRW chức trụ sở ở Geneva cho biết, “Dù ĐCSTQ nỗ lực tô vẽ, ngụy biện cũng không thể che đậy được việc ngày càng có nhiều nước cho rằng hành vi lạm dụng có chủ ý và mang tính hệ thống của ĐCSTQ, và (ĐCSTQ) trấn áp tiếng nói khác quan điểm là vấn đề nghiêm trọng”.

Các nước phương Tây: ĐCSTQ phải ngừng đàn áp tôn giáo

Francois Rivasseau, Đại sứ Pháp tại LHQ chỉ ra, Bắc Kinh nên “chấm dứt hành vi giam giữ người trái phép trên quy mô lớn”, phải đảm bảo quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng, kể cả khu vực Tây Tạng và Tân Cương.

Đại biểu của Đức cũng kêu gọi ĐCSTQ phải chấm dứt mọi vụ bắt giữ bất hợp pháp, bao gồm các hành vi trái hiến pháp giam cầm người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo khác ở Tân Cương với quy mô lớn.

Đại biểu của Anh nhận định, các quyền chính trị và dân sự tại Trung Quốc ngày càng tồi tệ, đồng thời yêu cầu ĐCSTQ phải đảm bảo quyền lợi và tự do của người Hồng Kông.

Tamara Mawhinney, đại diện thường trực của Canada tại LHQ cho biết, ĐCSTQ phải “chấm dứt việc truy tố và đàn áp dựa vào tôn giáo hay tín ngưỡng”.

Dù vậy, đại diện của ĐCSTQ đã phủ nhận các cáo buộc trên.

Tân Cương đã trở thành một “tỉnh cảnh sát”

Gần đây phóng viên của Nhật báo Phố Wall (The Wall Street Journal) đã đến thăm Tân Cương, nhận thấy rằng cái gọi là “cơ sở tái giáo dục” của ĐCSTQ được xây dựng không khác gì nhà tù với những bức tường rào cao bao quanh, chòi gác và hàng dây thép gai. Một số người đã bị giam giữ đã kể lại rằng tại đó họ bị hành hạ cả về tinh thần và thể xác.

Tổ chức nhân quyền cho biết, ĐCSTQ đang cố gắng xóa bỏ bản sắc văn hóa của người Hồi giáo, điều này giống như là một phần của kế hoạch đồng hóa cưỡng bức, động thái của ĐCSTQ đang thách thức hệ thống nhân quyền quốc tế.

Giám đốc điều hành Sharon Hom của Tổ chức Nhân quyền phi lợi nhuận tại New York cho biết, “Những doanh trại (trại giam) này đang thách thức toàn bộ hệ thống nhân quyền, là thứ được hình thành sau chiến tranh thế giới thứ hai”.

Trước bác bỏ của ĐCSTQ, đại diện từ một số quốc gia đã kêu gọi ĐCSTQ hãy để cho chuyên gia cấp cao của tổ chức nhân quyền LHQ được vào các “cơ sở” tại Tân Cương để có thể làm rõ vấn đề.

Trước khi Hội nghị Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát, Chủ tịch Đại hội Đại biểu Duy Ngô Nhĩ Thế giới là Dolkun Isa đã trả lời phỏng vấn của Reuters, cho biết: “Trong 5 năm qua, tình hình nhân quyền của Trung Quốc đã luôn xấu đi, đặc biệt là ở Đông Turkestan (Tân Cương) và Tây Tạng là những nơi  mà tình hình (nhân quyền) tồi tệ không thể tưởng tượng”, “Đó là lý do tại sao chúng tôi mong đợi các nước này (nước thành viên LHQ) phải lên tiếng thực sự mạnh mẽ”.

Isa cho biết, Tân Cương đã trở thành “tỉnh cảnh sát” (police state), vào tháng Năm năm nay mẹ ông đã qua đời trong “trại tập trung”, “chúng tôi chưa bao giờ nghe nói về bất cứ ai ra khỏi trại tập trung”, ông khẳng định.

Huệ Anh

Xem thêm: