Theo nguồn tin từ tờ San Francisco Today ngày 24/12, bắt đầu từ ngày 1/1/2020 Chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) triển khai thực hiện “Luật Mật khẩu”, theo đó yêu cầu tất cả mật khẩu mạng Internet phải được thống nhất do nhà nước quản lý. Trong một tuyên bố, Cục Quản lý mật mã của ĐCSTQ yêu cầu cần kiên quyết thực hiện nguyên tắc cơ bản “mật khẩu dưới quản l‎ý của Đảng”. Những người vi phạm có thể phải chịu trách nhiệm hình sự và tiền phạt dân sự có thể lên tới một triệu Nhân dân tệ.

Luật Mật khẩu
Thông tin năm 2020 ĐCSTQ thực hiện Luật Mật khẩu đang khiến nhiều người Trung Quốc lo ngại về bí mật riêng tư cá nhân. Có nhận định cho rằng Luật Mật khẩu cho thấy tham vọng của ĐCSTQ trong thống trị kỹ thuật số toàn cầu (Ảnh chụp lại từ San Francisco Today ngày ngày 24/12)

Một số cư dân mạng mỉa mai: “Sau khi quán triệt quản lý chó, bây giờ lại đòi quản lý mật khẩu”, “Nếu sau này ai quên mật khẩu thì hãy hỏi Đảng”, “Thật kinh khủng! Không còn gì gọi là cuộc sống riêng tư”… Cũng có phân tích cho biết, thực tế Luật Mật khẩu của ĐCSTQ đánh vào công nghệ blockchain mà các loại tiền kỹ thuật số dựa vào, một khi loại luật này được phổ biến ra quốc tế sẽ tác động đến người dùng mạng internet trên toàn thế giới.

“Luật Mật khẩu” với tổng số 44 điều khoản đã được Cục Quản lý mật khẩu quốc gia của ĐCSTQ đề xuất vào ngày 25/6 năm nay và thông qua tại Hội nghị lần thứ 14 của Ban Thường vụ Nhân đại toàn quốc khóa 13. Theo Luật Mật khẩu, mật khẩu được chia thành ba dạng: mật khẩu cốt lõi, mật khẩu thông thường và mật khẩu thương mại.

Trong đó mật khẩu cốt lõi và mật khẩu thông thường được sử dụng để bảo vệ cái gọi là thông tin bí mật nhà nước; mật khẩu thương mại được sử dụng để bảo vệ thông tin không phải là bí mật nhà nước, ví dụ, công dân, pháp nhân và các tổ chức khác có thể sử dụng mật khẩu thương mại theo pháp luật; nếu “có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia” thì cần phải thông qua thẩm tra.

Luật mới cũng trao cho các cơ quan có thẩm quyền quyền quản lý mật khẩu mạng internet, cho biết cần phải thiết lập một hệ thống cảnh báo cho những ai đang tiềm ẩn vấn đề an toàn và loại bỏ chúng để duy trì an ninh quốc gia. Theo ông L‎ý Triệu Tông, Cục trưởng Cục Quản lý Mật khẩu của ĐCSTQ, mật khẩu là sinh mệnh của Đảng và Nhà nước, phải thúc đẩy luật này để thực hiện con đường phát triển mật khẩu đặc sắc Trung Quốc và để có đóng góp mới và lớn hơn thực hiện giấc mơ vĩ đại của dân tộc Trung Hoa.

Những từ này nghe đã nhàm tai, vì dường như bất cứ ý tưởng mới nào mà ĐCSTQ nghĩ ra đều được dán nhãn “đặc sắc Trung Quốc”, cũng liên quan đến việc hiện thực hóa cái gọi là “Trung Quốc mộng”.

Có phân tích cho rằng, nhìn vào 44 điều khoản của Luật Mật khẩu, mặc dù có đề cập rằng ai vi phạm Luật Mật khẩu sẽ bị điều tra, nhưng không nêu rõ căn cứ và cách áp dụng vào thực tế của luật này như thế nào, khi luật mờ ám không cụ thể là tạo điều kiện cho cơ quan chức năng áp dụng tùy tiện. Trong khi vấn đề hình phạt xử l‎ý thì được viết rõ ràng.

Luật Mật khẩu quy định ĐCSTQ có quyền quản lý mật khẩu trực tuyến, nếu nhân viên liên quan vi phạm luật này thì mức hình phạt tối đa ngoài xử lý hình sự còn có hình phạt dân sự lên tới cả triệu Nhân dân tệ, đối với quan chức chịu trách nhiệm trực tiếp bị phạt từ 10 đến 100 nghìn Nhân dân tệ.

Tờ Epoch Times (Mỹ) dẫn lời chuyên gia quân sự Tô Tố Vân của Đài Loan cho biết, từ năm 2000 ĐCSTQ đã xây dựng tường lửa Internet ngăn chặn tự do ngôn luận; sau đó bắt đầu đẩy mạnh kiểm soát ngôn luận trên Internet. Hiện nay họ lại yêu cầu mật khẩu của các tổ chức, cá nhân và công ty phải giao cho ĐCSTQ quản lý, thúc đẩy giám sát toàn diện mạng Internet, bao gồm công nghệ blockchain bảo vệ bí mật thông tin liên lạc, nếu thực thi Luật Mật khẩu thì không còn bất kỳ bí mật thông tin nào trên đất nước Trung Quốc. Trong khi Hiến pháp của ĐCSTQ cũng quy định rằng người dân có quyền tự do “bí mật thông tin”, vì vậy Luật Mật khẩu là vi Hiến. Ông cũng cho biết việc ĐCSTQ ban hành luật này cho thấy cảm giác bất an của họ, nhưng kiểu làm luật này chỉ càng làm mất lòng dân.

Nhìn từ thời điểm mà ĐCSTQ đưa ra Luật Mật khẩu cho thấy nhiều khả năng luật này đưa ra để tấn công vào phát triển của tiền kỹ thuật số, cũng nhằm để tăng cường quản lý công nghệ blockchain, vì khả năng chống kiểm duyệt của blockchain đã làm đau đầu ĐCSTQ. Như đã biết, công nghệ blockchain để tăng tính bảo mật trong giao dịch trực tuyến, nhưng giờ đây ứng dụng của nó đã được mở rộng sang nhiều lĩnh vực như tài chính kỹ thuật số, Internet vạn vật, sản xuất thông minh, quản lý chuỗi cung ứng và giao dịch tài sản kỹ thuật số.

Ngày 24/10 năm nay, khi nhà lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình chủ trì công tác học tập tập thể của Bộ Chính trị Trung ương ĐCSTQ, đã đề xuất đẩy nhanh sự phát triển của công nghệ blockchain và đổi mới công nghiệp. Tuyên bố này đã dẫn đến sự gia tăng của các loại tiền ảo (như Bitcoin) và các cổ phiếu liên quan trên thị trường chứng khoán Trung Quốc. Nhưng thực tế đã có thời gian dài ĐCSTQ luôn áp dụng thái độ kiềm chế đối với các loại tiền điện tử như Bitcoin. Năm 2017, chính quyền đã cấm sản xuất và bán tiền ảo với lý do ngăn chặn việc gây quỹ bất hợp pháp.

Động thái của ông Tập Cận Bình được giải thích là ĐCSTQ không phải không muốn phát triển tiền ảo mà chỉ phát triển tiền ảo dưới sự kiểm soát của Nhà nước. Vì vậy, ngay sau phát biểu của ông Tập Cận Bình, Ban Thường vụ Nhân đại ĐCSTQ đã nhanh chóng bỏ phiếu để thông qua Luật Mật khẩu. Với Luật Mật khẩu thì thông tin của dịch vụ blockchain sẽ bị kiểm soát, cả các nhà cung cấp và quản lý dịch vụ blockchain sẽ chịu sự kiểm soát của ĐCSTQ.

Giới quan sát bên ngoài phổ biến cho rằng, ĐCSTQ phát triển blockchain là có ba mục đích chính, ngoài việc quốc tế hóa Nhân dân tệ, tự chủ về chính sách tiền tệ và giám sát tài chính nội bộ, họ cũng có kế hoạch thiết lập một hệ thống tiền tệ kỹ thuật số để chống lại hệ thống tiền tệ quốc tế tập trung vào đồng đô la Mỹ, kết hợp hệ thống này với sáng kiến “Vành đai và Con đường” để mở rộng cỗ máy toàn trị, mục tiêu cuối cùng là tạo ra một chính phủ kỹ thuật số khổng lồ thống trị thế giới.

Đến lúc đó, các thủ đoạn kiểm duyệt của ĐCSTQ có thể sẽ mở rộng ra nước ngoài, làm tăng các vấn đề an ninh toàn cầu. Nói cách khác, khi các quốc gia dọc Vành đai và Con đường bắt đầu sử dụng hệ thống thanh toán xuyên biên giới của ĐCSTQ, khi nhiều quốc gia bị chi phối bởi hệ thống giám sát mạng hoặc nhận diện khuôn mặt được sản xuất bởi các công ty như Huawei và ZTE, khi mọi người đang sử dụng các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc, như WeChat, Weibo… hoặc khi mua hàng trên Taobao, khi đó không chỉ thông tin cá nhân của người dùng mà cả mật khẩu tài khoản của người dùng cũng có thể rơi vào tay ĐCSTQ.

Lâm Kiêu Nhiên

Xem thêm: