Hôm thứ Năm, Thủ tướng Nhật Bản Abe (Shinzo Abe) đã tới Bắc Kinh để bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc kéo dài 3 ngày. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đón tiếp ông Abe với quy cách cấp cao nhất, còn giới truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng đã thay đổi giọng điệu hận thù thường thấy trong quá khứ, họ bất ngờ ca ngợi ông Abe. Động thái “bước ngoặt” này trong quan hệ Trung – Nhật ngay lập tức thu hút sự chú ý rộng rãi của quốc tế. Công luận phổ biến cho rằng việc ĐCSTQ bất ngờ niềm nở ân cần với Nhật Bản là nhằm tìm kiếm một lối ra cho cuộc chiến thương mại.

Embed from Getty Images

Ngày 25/10/2018, hai nước Trung Quốc và Nhật Bản đã tổ chức kỷ niệm 40 năm ký kết Hiệp ước Hữu nghị Hòa bình Trung – Nhật tại Đại lễ đường ở Bắc Kinh. Hình ảnh Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (trái) đi tới phía Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe  (Ảnh: Getty Images)

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ đang giằng co, chuyến thăm Trung Quốc lần thứ ba này của một đồng minh thân thiết với Mỹ là Thủ tướng Nhật Bản Abe đã thu hút sự chú ý đặc biệt của quốc tế, đặc biệt là việc Bắc Kinh đã đón tiếp Abe với quy cách long trọng nhất.

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, ngày 25/10, chuyên cơ chở ông Abe đáp xuống Bắc Kinh, phía Trung Quốc đã bố trí đội quân danh dự ba quân để chào đón ông Abe ngay khi máy bay hạ cánh.

Sau khi ông Abe tới Bắc Kinh, trước tiên đến khách sạn Trường Phú Cung (Chang Fu Gong) để nghỉ ngơi, sau đó đến Đại lễ đường Bắc Kinh gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, tiếp đó họ cùng nhau đến thăm triển lãm “Thành tựu hợp tác kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và Nhật Bản”, trong các bức ảnh triển lãm dĩ nhiên có nhiều bức ảnh dự án mà Trung Quốc sử dụng vốn hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản (ODA).

Ngoài ra, Bắc Kinh cũng cố ý tổ chức “Kỷ niệm 40 năm Hiệp ước Hữu nghị Hòa bình Trung – Nhật” để khiến hoạt động đón tiếp ông Abe thêm phần long trọng, có khoảng 800 đại biểu thuộc các giới khác nhau của Trung Quốc và Nhật Bản cùng tham dự hội nghị.

Tại buổi tiếp đón, bài phát biểu của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã nhấn mạnh việc Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh mở cửa với thế giới, sẽ “mở ra không gian rộng lớn hơn cho hai bên để tạo ra nhiều cơ hội hợp tác hơn đưa quan hệ Trung – Nhật lên tầm cao mới”.

Tối hôm đó, ĐCSTQ cũng tổ chức một bữa tối long trọng tại Điếu Ngư Đài để chiêu đãi Abe.

Theo truyền thông Hồng Kông tiết lộ các món ăn tối bao gồm: món ăn nguội, súp nấm Matsutake, hải sản Phú Quý, thịt bê hấp, rau Điền Viên Khi, cá hồi nướng, hạnh nhân phô mai, cơm chiên tôm lột vỏ, bánh pho mát, cuộn cà ri gà, bánh mì bơ, trái cây. Súp nấm Matsutake là món phổ biến trong những buổi quốc yến của Trung Quốc những năm gần đây, nấm Matsutake là món quý hiếm chỉ có nhiều ở tỉnh Vân Nam, có giá trị dinh dưỡng và giá trị chữa bệnh rất cao.

Theo lịch trình, thứ Sáu (ngày 26) là “cao trào” trong lộ trình ông Abe tới Trung Quốc. Ông sẽ gặp ông Lật Chiến Thư – thân tín của ông Tập Cận Bình hiện là Ủy viên trưởng Nhân đại toàn quốc, và cùng ông Lý Khắc Cường ký kết hàng loạt hiệp thương giữa Trung Quốc và Nhật Bản, tiếp theo đi đến Đại học Bắc Kinh để giao lưu với sinh viên, tham dự Diễn đàn Hợp tác thị trường bên thứ ba Trung Quốc – Nhật Bản. Cuối cùng, vào tối thứ Sáu là cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Abe và ông Tập Cận Bình.

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, lần này Thủ tướng Abe sẽ thảo luận nhiều vấn đề với phía Trung Quốc, các vấn đề liên quan đến chính trị, kinh tế và quân sự, trong đó có chuyến thăm Nhật Bản của  ông Tập Cận Bình trong năm tới, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ, bảo hộ sở hữu trí tuệ, cơ chế trao đổi tiền tệ giữa hai nước, “Hiệp định về tìm kiếm cứu nạn hàng hải”, “Cơ chế liên lạc không gian trên biển”…

Đoàn tùy tùng doanh nghiệp Nhật Bản đi cùng ông Abe lần này đến gần 500 người, cùng thảo luận với phía Trung Quốc về hợp tác trong các lĩnh vực tài chính, thương mại, và quốc phòng. Gần đây, Trung Quốc và Nhật Bản đã ký hơn 500 thỏa thuận với tổng trị giá đến 2,6 tỷ đô la Mỹ.

Từ trước thềm sự kiện này, tờ Thời báo Hoàn Cầu của ĐCSTQ đã thay đổi thái độ thù hận theo kiểu chủ nghĩa dân tộc cực đoan đối với Nhật Bản trong quá khứ, bất ngờ công bố những bài viết ca ngợi ông Abe và “tình bạn tốt giữa Trung Quốc và Nhật Bản”, cho rằng chuyến thăm Abe tới Trung Quốc lần này “giúp điều chỉnh tâm lý xã hội Trung Quốc và Nhật Bản, giảm thiểu nghi ngờ lẫn nhau và tăng cường hiểu biết lẫn nhau, là cú hích làm ấm lại quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Nhật Bản”.

Trong quá khứ, vì lý do lịch sử, quan hệ Trung – Nhật đã ở trong tình trạng căng thẳng kéo dài. Đặc biệt là trong những năm gần đây, mối quan hệ giữa chính phủ hai nước đã bị đóng băng vì tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Điếu Ngư. Tại hội nghị thượng đỉnh quốc tế được tổ chức tại Hamburg nước Đức ngày 8/7/2017, khi ông Abe đến mỉm cười và chuẩn bị sẵn sàng bắt tay với ông Tập, nhưng ông Tập lại quay mặt đi giả bộ không trông thấy, làm ông Abe hơi ngượng. Giờ đây, ĐCSTQ bất ngờ thay đổi thái độ thù địch với Nhật Bản, tiếp đón ông Abe long trọng trong chuyến thăm, khó tránh thu hút sự chú ý và boăn khoăn của cộng đồng quốc tế.

Nhật báo Apple Hồng Kông ngày 26/10 đã công bố bài viết cho biết, lần này chính quyền Trung Quốc đón ông Abe long trọng mục đích là để lôi kéo Nhật Bản về phe mình trong cuộc chiến tranh thương mại Trung – Mỹ, tìm cách hạn chế quan hệ liên minh Mỹ – Nhật mạnh hơn.

Nhưng bài viết cũng chỉ ra, mặc dù chuyến thăm tới Trung Quốc lần này của ông Abe có ý nghĩa phá băng, nhưng với mối hận thù sâu sắc giữa hai nước trong thập kỷ qua, đồng thời Nhật Bản là đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến tranh thương mại Trung – Mỹ, vì thế chuyến thăm ông Abe tới Trung Quốc lần này thật khó mang lại “tiến triển đột phá” nào trong quan hệ hai nước.

Đài BBC cũng công bố bài viết cho rằng chuyến thăm của ông Abe tới Trung Quốc giúp quan hệ Trung – Nhật bắt đầu ấm lại, nhưng đây chỉ là “bước đầu tiên”, về vấn đề lịch sử của Thế chiến thứ Hai và quần đảo Điếu Ngư gây nhiều tranh cãi và đã ảnh hưởng lâu dài trong quan hệ hai nước vẫn là yếu tố chính quyết định phát triển quan hệ Trung – Nhật trong tương lai.

Bài viết cho biết, đây là chuyến thăm Trung Quốc chính thức đầu tiên của Thủ tướng Nhật Bản trong bảy năm qua, trong bức tranh u ám cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ, cái bắt tay của hai lãnh đạo Trung – Nhật đặc biệt gây chú ý. Qua những thông tin được biết cho đến nay thì thành quả trong chuyến đi này của ông Abe chủ yếu thể hiện về mặt kinh tế và thương mại. Nhưng có chuyên gia cho rằng về ý nghĩa chính trị cũng không thể xem nhẹ.

Bài viết dẫn quan điểm của một nhà phân tích cho rằng, chính chiến tranh thương mại là yếu tố trực tiếp nhất khiến chính quyền Bắc Kinh thay đổi thái độ đối với Nhật Bản. Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại, áp lực mà nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt đang ngày càng rõ ràng, số liệu đưa ra gần đây cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, vì thế hiện nay Bắc Kinh đang muốn tìm giải pháp mới.

Tuy nhiên, bài viết cũng dẫn lời giáo sư Lương Vân Tưởng (Liang Yunxiang) của Học viện Quan hệ quốc tế Đại học Bắc Kinh cho biết, cho dù chuyến thăm của Abe này có ý nghĩa chính trị, nhưng không đại diện cho giải quyết những vấn đề chính trị giữa hai nước. Hai bên còn những mâu thuẫn mang tính hệ thống, còn thiếu sự tin tưởng nhau trên những điều cơ bản nhất.

Ông Lương Vân Tưởng cho rằng, lần này hai bên đã không đề cập sâu về tranh chấp lãnh thổ và các vấn đề lịch sử, những mâu thuẫn này chưa có biện pháp giải quyết, vì vậy mối quan hệ giữa hai bên trong tương lai còn biến số rất lớn.

Trí Đạt

Xem thêm: