Sau 6 năm cưỡng chế người dân sử dụng danh tính thực để đăng ký điện thoại di động, chính quyền Bắc Kinh một lần nữa tăng cường kiểm soát, yêu cầu người sử dụng phải thông qua nhận dạng khuôn mặt thành công thì mới có thể dùng điện thoại.

Embed from Getty Images

Nhận dạng khuôn mặt thâm nhập vào tất cả các lĩnh vực của Trung Quốc (Ảnh: Getty Images)

Truyền thông Đại Lục đưa tin, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc ngày 26/9 đã ban hành thông báo, yêu cầu từ ngày 1/12 cuối năm nay, các công ty viễn thông phải thực hiện đầy đủ công nghệ ghép chân dung, cũng chính là nhận dạng khuôn mặt. Thông báo yêu cầu người dùng điện thoại khi mua thẻ SIM phải tiến hành nhận dạng khuôn mặt, sau khi thông qua thì có thể dùng thẻ để truy cập điện thoại. 

Cách đây 6 năm, chính quyền Trung Quốc đã bắt buộc người dân phải đăng ký danh tính thực khi sử dụng điện thoại cố định, điện thoại di động… Người dân phải cung cấp thông tin thật, trong khi các nhà khai thác viễn thông cũng được yêu cầu thực hiện nghiêm túc “trước tiên phải đăng ký thì mới cung cấp dịch vụ; không đăng ký thì không mở dịch vụ”.

Năm 2015, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin, Bộ Công an và Bộ Công thương Nhà nước đã cùng ban hành “Kế hoạch hành động đặc biệt về việc quản lý thẻ SIM rác”, tăng cường kiểm soát người dân dùng tên thật để mua thẻ SIM điện thoại di động, dự kiến sẽ liên hợp triển khai kế hoạch trong thời hạn một năm trên phạm vi toàn quốc.

Tuy nhiên, chính quyền Đại Lục cho rằng, chỉ dừng ở mức độ dùng tên thật để đăng ký sử dụng điện thoại như vậy vẫn chưa đủ chính xác và kỹ lưỡng, do đó họ yêu cầu phải thực hiện thêm một bước nữa, áp dụng công nghệ ghép chân dung. Các quan chức tuyên bố rằng việc triển khai công nghệ này sẽ giúp ngăn chặn gian lận mạng viễn thông, thẻ SIM rác và các hoạt động tội phạm khác.

Thông báo mới của chính quyền đã dẫn đến sự phản đối mạnh mẽ trong cộng đồng. Nhiều cư dân mạng bình luận trên Weibo rằng các cơ quan chức năng đang “Giám sát toàn diện”, “Tiết lộ thông tin cá nhân”, “Không thông qua trưng cầu ý kiến của cộng đồng mà đã thực hiện”, “Không đồng ý, cho dù từ góc độ nào mà xét thì đây đều là xâm phạm nghiêm trọng quyền công dân” “Không còn chút tự do không gian nào, mọi thứ đề bị cưỡng chế thực hiện, không có quyền tự do được lên tiếng và lựa chọn!”

Bồ Phi, một kỹ thuật viên mạng của trang web ủng hộ nhân quyền Đại Lục “Ngày 4 tháng 6”, đã phân tích với Đài Á châu Tự do (FRA): “Tôi cho rằng, nhận dạng khuôn mặt, nếu là một yêu cầu chính đáng, người dân bình thường có thể lý giải được. Nhưng nếu là vô cớ ép buộc người dân phải thông qua nhận dạng khuôn mặt để tăng cường kiểm soát, tôi tin rằng mọi người chắc chắn không hiểu. Chính sách gây khó hiểu này có thể dẫn đến một số phản kháng nhất định.”

Bồ Phi còn nhận định, mục đích thực sự của chính quyền là tăng cường kiểm soát hơn nữa đối với việc người dùng truy cập mạng và ngăn người dân bày tỏ ý kiến ​​của họ trên Internet. Một số người không dám phát ngôn gì trên mạng Internet vì lo sợ áp lực từ chính quyền.

Trên thực tế, công nghệ nhận dạng khuôn mặt hiện đã thâm nhập vào rất nhiều lĩnh vực khác nhau tại Trung Quốc, bao gồm nhà ga, tàu điện ngầm, trung tâm mua sắm, nhà hát, trường học, danh lam thắng cảnh, xe buýt, nhà hàng, taxi, v.v..

Tuần trước, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã công bố một hệ thống camera đám mây 500 megapixel mới có khả năng ghi lại chi tiết khuôn mặt của mỗi cá nhân trong đám đông hàng chục nghìn người. Điều này khiến ngoại giới không khỏi lo ngại rằng việc giám sát nhận dạng khuôn mặt của ĐCSTQ và đàn áp những người bất đồng chính kiến có thể sớm đạt đến một mức độ mới.

Hiện có khoảng 200 triệu camera đang triển khai trên các đường phố Trung Quốc. Con số đó sẽ tăng lên thành 626 triệu vào năm 2020. Dự kiến, camera 500 MP này cũng sẽ được sử dụng trong hệ thống giám sát khổng lồ của ĐCSTQ.

Minh Ngọc

Xem thêm: