Chi bộ Đảng dường như là một phần trong chiến lược mở rộng phạm vi ảnh hưởng ra thế giới của nhà cầm quyền Trung Quốc, để hạn chế các sinh viên và học giả Trung Quốc bị tư tưởng phương Tây chi phối

Embed from Getty Images

Mở rộng ảnh hưởng tại các Đại học Mỹ

Tháng 7/2017, chín người (gồm sinh viên và giảng viên) thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung của Trung Quốc đến Mỹ để tham gia trong chương trình mùa hè của Đại học Illinois tại Urbana-Champaign, và họ đã mở một chi bộ Đảng tại tòa nhà ký túc xá của trường.

Tạp chí Chính sách Đối ngoại (Foreign Policy) của Mỹ chỉ ra, theo bài viết và hình ảnh vào tháng 7/2017 đăng trên trang web Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung, nhóm người này đã tổ chức thảo luận về tư tưởng của ĐCSTQ, chụp hình chung trước cờ đỏ búa liềm. Trong chương trình mùa hè này, Đại học Khoa học Kỹ thuật Hoa Trung cho biết đã cử đi bốn giảng viên làm nhiệm vụ thành lập chi bộ Đảng tại Mỹ nhằm mục đích “đẩy mạnh định hướng tư tưởng”.

Dựa theo nguồn tin từ trang web Đại học Khoa học Kỹ thuật Hoa Trung và bài phỏng vấn những sinh viên Trung Quốc của Tạp chí Chính sách Đối ngoại, Đại học Illinois có một số chương trình giao lưu với các trường đại học Trung Quốc, có ít nhất hai trường đại học Trung Quốc yêu cầu người tham gia thành lập chi bộ Đảng tại chi nhánh Champaign Đại học Illinois, thông qua chi bộ Đảng để kiểm soát tư tưởng sinh viên Trung Quốc tại nước ngoài.

Mùa thu năm 2017, một sinh viên trao đổi Trung Quốc tại phân hiệu Champaign cho biết, trước khi khởi hành đến Mỹ, sinh viên phải qua khóa học lên án Pháp Luân Công.

Sau khi các sinh viên đến bang Illinois, trường Đại học phía Trung Quốc đề nghị họ phải thành lập chi bộ Đảng tạm thời, và các sinh viên phải tập trung cùng nhau xem Đại hội 19 vào tháng Mười.

Sinh viên trao đổi tại phân hiệu Champagne cũng đã được yêu cầu phải báo cáo bất kỳ bạn cùng học nào mang tư tưởng “chống Đảng”.

Một sinh viên chia sẻ: “Sau khi trở về Trung Quốc, các cán bộ nhà trường trao đổi riêng với từng sinh viên. Chúng tôi phải chia sẻ về bản thân mình và những bạn học khác ở nước ngoài. Chúng tôi phải nói về quan điểm đối với Đảng của những sinh viên khác.”

Đại học Illinois không phải là trường duy nhất gặp cảnh này. Chi bộ ĐCSTQ cũng xuất hiện ở California, Ohio, New York, Connecticut, Bắc Dakota và Tây Virginia. Những chi bộ Đảng này nhằm mục đích để ĐCSTQ mở rộng ảnh hưởng ra thế giới, để hạn chế sinh viên và các học giả Trung Quốc tránh bị ý thức hệ phương Tây ảnh hưởng. Nhiều khi ĐCSTQ yêu cầu các sinh viên theo dõi và mật báo về nhau.

Học giả Hoffman (Samantha Hoffman) thuộc Viện Nghiên cứu Trung Quốc tại Mercator Đức cho biết, những chi bộ Đảng ở nước ngoài này đáp ứng mục tiêu mở rộng của nhà cầm quyền Trung Quốc: “Người nào phản đối, hoặc có những phát ngôn chống Đảng, sự nghiệp người đó sẽ khó thăng tiến được”, Hoffman nói, “Giới chức Trung Quốc sẽ thu thập những thông tin này. Đây là một cách để kiểm soát hành vi của những người họ đưa đi”.

Trong những năm gần đây, ĐCSTQ đã tăng cường mạnh hơn trong kiểm soát ý thức hệ tại các trường đại học. Trong năm 2016, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã ra yêu cầu “giáo dục yêu nước” cho sinh viên, kể cả sinh viên Trung Quốc tại nước ngoài.

Các chi bộ ĐCSTQ tại nước ngoài thường được thành lập bởi một nhóm sinh viên trao đổi hoặc các học giả đến thăm, họ phải theo chỉ đạo của chi bộ Đảng trường Đại học trong nước nơi cử họ đi. Mỗi đội được cử đi thăm viếng nước ngoài phải thiết lập chi bộ Đảng của riêng mình, những chi bộ này chỉ giải tán sau khi họ trở về nước.

Vi phạm luật của Mỹ

Những nỗ lực của ĐCSTQ để thành lập chi bộ Đảng tại các trường đại học ở nước ngoài đã gặp phải một số trở ngại. Vào tháng 11/2017, một nhóm học giả Trung Quốc đi trao đổi tại Đại học California đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông quốc tế vì họ thành lập chi bộ Đảng.

Những chi bộ Đảng này đã bị giải thể không lâu sau khi thành lập, họ đã cho biết phải tuân thủ “luật pháp địa phương”.

Chia sẻ với Tiếng nói nước Mỹ (VOA), học giả Mâu Hưng Sâm (Mou Xingsen), một Bí thư chi bộ Đảng có thời gian tồn tại ngắn ngủi, thuộc thế hệ sinh sau 1980 nhưng đã là Phó Giáo sư của Đại học Công nghệ Đại Liên cho biết, khi ông vừa mới đến không hiểu luật pháp địa phương, sau khi tham vấn với lãnh sự quán Trung Quốc và Đảng ủy cấp trên mới biết luật pháp Mỹ không cho phép việc thành lập một tổ chức như vậy.

Năm 1938 nước Mỹ thực hiện “Luật đăng ký đại diện nước ngoài”, theo đó quy định rằng bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào làm việc dưới kiểm soát của Chính phủ nước ngoài phải đăng ký tại Bộ Tư pháp Mỹ, tiết lộ cơ quan nước ngoài ủy quyền của họ, và phải thông báo về hoạt động theo định kỳ cùng việc thu chi liên quan.

Chia sẻ trên Epoch Times, ông Katie Tichacek làm việc tại Sở Nhập tịch và Di trú Mỹ (USCIS) cho biết, căn cứ vào các điều khoản 212 (a) (3) (D) (i) “Luật Nhập cư và Quốc tịch”, mọi Đảng viên cộng sản hoặc thành viên phụ thuộc (hoặc bất kỳ thành viên đảng độc tài nào khác) đều không được phép nhập tịch Mỹ.

Áp dụng tương tự tại nhiều nước khác

Vào tháng 8/2017, ba giáo viên và năm học giả viếng thăm đến từ Học viện Dược phẩm Đại học Công nghệ Chiết Giang đã thành lập chi bộ Đảng tại chi nhánh San Diego Đại học California, họ tổ chức hội nghị và bầu Bí thư, thảo luận về các nhà lãnh đạo ĐCSTQ ngay trong ký túc xá nhà trường.

Theo bài viết trên trang web Học viện Kinh doanh Thượng Hải, trong tháng 7/2017 một nhóm giáo sư thuộc Học viện Kinh doanh Thượng Hải đã thành lập chi bộ Đảng tại Trường Kinh doanh Đại học Tây Virginia, họ cùng tổ chức sự kiện cùng với Viện Khổng Tử ở đây. Bên cạnh đó, theo một bài viết đăng tải trên kênh Weixin, tại Đại học Bridgeport ở bang Connecticut, Đại học bang Ohio, Đại học Northern Illinois và Khoa Hàng không Đại học bang North Dakota đều có thành lập một chi bộ Đảng.

Học giả Andrew Chubb thuộc Dự án Princeton – Harvard Trung Quốc và Thế giới (Princeton-Harvard China and the World program) cho biết, cách làm của nhà cầm quyền Trung Quốc hiện nay đòi hỏi sinh viên Trung Quốc tại nước ngoài thành lập chi bộ Đảng là “mở rộng xuống” cách làm mà trước đây giao cho các quan chức cấp cao cử đi nước ngoài. “Đây là thông tin quan trọng mà các sinh viên tham gia chương trình học trao đổi có tài trợ phải tìm hiểu cẩn thận. Cơ quan đứng ra tổ chức muốn đảm bảo họ phải biết rõ tình hình của sinh viên trao đổi.”

Nhà cầm quyền Trung Quốc cũng áp dụng cách làm tương tự (yêu cầu người được cử đi thành lập chi bộ Đảng) tại các nước khác như Canada, Mexico, Chile, Úc, Pháp, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha, Ý, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Hàn Quốc, Thái Lan.

Đại học Ngoại ngữ Thượng Hải có quan hệ đối tác với các đại học thuộc 56 quốc gia và khu vực, bao gồm cả các đại học Mỹ. Vào tháng 1/2017, Thời báo Hoàn Cầu của Nhà nước Trung Quốc đưa tin, trong năm 2009 Học viện châu Âu và châu Mỹ Latin của Đại học Ngoại ngữ Thượng Hải đã thành lập chi bộ Đảng ở nước ngoài. Hiện đang điều hành các chi bộ Đảng ở một số quốc gia, bao gồm Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Chile, Hy Lạp, Mexico, Ý và Hà Lan.

Ít nhất một trường đại học quân sự Trung Quốc đã thành lập được chi bộ Đảng ở nước ngoài. Theo Nhật báo Giải phóng Trung Quốc đưa tin, vào năm 2012 Đại học Công nghệ Quốc phòng Trung Quốc đã thành lập được tám chi bộ Đảng ở Anh quốc.

Các chi bộ Đảng này phải thu thập và báo cáo theo từng quý về tư tưởng của thành viên, báo cáo này được nộp cho Bộ Chính trị.

Tuyết Mai

Xem thêm: