Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thường xuyên nhấn mạnh phải không ngừng tăng cường thâm nhập vào các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc, từ việc thành lập chi bộ Đảng cho đến tăng cường tham gia trong các quyết định chiến lược của doanh nghiệp. Thái độ cứng rắn của ĐCSTQ trong kiểm soát các công ty nước ngoài đã thu hút sự quan tâm dư luận thế giới.

 

Embed from Getty Images

Ảnh minh họa từ Getty Images

Ngày 16/4, Thời báo New York (New York Times) có nhận định, ĐCSTQ ngày càng lấn sâu vào cuộc sống dân sự thường ngày tại Trung Quốc, ngay cả các công ty nước ngoài kinh doanh tại Trung Quốc cũng không ngoại lệ. Trong những tháng gần đây, các nhà điều hành doanh nghiệp liên doanh nước ngoài bị đề nghị phải cho tăng cường vai trò tham gia của Đảng ủy trong những quyết định quan trọng của công ty.

Hãng xe hơi Honda của Nhật đã sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật của họ để cho ĐCSTQ tham gia trong vận hành và quản lý của các nhà máy của họ tại Trung Quốc; một trùm dầu mỏ Nhà nước Trung Quốc cho biết, sẽ làm cho cơ sở Đảng trong doanh nghiệp liên doanh nước ngoài tại Trung Quốc chiếm vị trí quan trọng nhất; nhà sản xuất động cơ Cummins thuộc bang Indiana của Mỹ cũng cảm nhận rõ ảnh hưởng của ĐCSTQ, khi tập đoàn có ý bổ nhiệm người quản lý mới trong hoạt động tại Trung Quốc thì bị tổ chức Đảng cản trở.

Thông tin nhận định, sự gia tăng vị thế của tổ chức Đảng của nhà cầm quyền Trung Quốc tại các văn phòng và nhà máy của các công ty nước ngoài ở Trung Quốc đã trở thành một thách thức đối với các công ty đa quốc gia này. Ngoài ra, áp lực của ĐCSTQ đòi các công ty nước ngoài phải chia sẻ những công nghệ nhạy cảm cũng ngày càng gia tăng. Các nhà chức trách Trung Quốc có ý định đào tạo ra lớp đối thủ cạnh tranh địa phương thế hệ mới để một ngày nào đó sẽ chiếm vị thế của các công ty nước ngoài.

Trong lĩnh vực kinh doanh, hàng chục công ty nhà nước Trung Quốc đã sửa đổi điều lệ công ty, bao gồm các công ty niêm yết trên thị trường như Tập đoàn Hóa chất và Dầu khí Trung Quốc (Sinopec), Ngân hàng Công thương Trung Quốc và Đường sắt Trung Quốc. Ví dụ, công ty bảo hiểm hàng đầu Trung Quốc là Bảo hiểm Thái Bình Dương Trung Quốc (China Pacific Insurance Company) cho biết, trong việc ra các quyết định quan trọng, “trước tiên ban lãnh đạo phải lắng nghe ý kiến ​​của tổ chức Đảng trong công ty”.

Một phát ngôn viên của Honda xác nhận, trong doanh nghiệp liên doanh giữa Honda và Tập đoàn Automobile Industry của Trung Quốc, phía Trung Quốc đòi hỏi phải nằm ở vị thế đứng trên. Năm ngoái, Sinopec Trung Quốc đã yêu cầu đối tác liên doanh nước ngoài của họ “thực hiện công tác xây dựng Đảng theo luật pháp Trung Quốc”. Trong một doanh nghiệp liên doanh với Tập đoàn ô tô Đông Phong, một trong những nhà sản xuất ô tô lớn nhất Trung Quốc, tổ chức Đảng trong doanh nghiệp đã mở rộng ảnh hưởng của họ bằng cách tổ chức các Sự kiện Xã hội Đỏ diễu hành về khu căn cứ đầu tiên của ĐCSTQ trong giai đoạn giành chính quyền. 

Thông tin chỉ ra, ĐCSTQ luôn là một phần trong hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc. Dù nhiều năm qua các giám đốc điều hành nước ngoài chỉ xem chi bộ Đảng trong doanh nghiệp như một dạng câu lạc bộ giao lưu xã hội, nhưng giờ đây chi bộ đảng “thay đổi thái độ cứng rắn hơn trong khẳng định mục đích của mình”. Nếu tranh chấp thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ leo thang, giới chức Bắc Kinh có thể tăng cường vai trò của Đảng trong các công ty nước ngoài, khiến doanh giới nước ngoài hoạt động ở Trung Quốc bị áp lực hơn.

James Zimmerman, một luật sư làm việc ở Bắc Kinh chia sẻ, cho dù hiện vẫn chưa thể hiện rõ ràng thực trạng thâm nhập của ĐCSTQ trong ban quản lý của các công ty nước ngoài, nhưng chắc chắn tình hình sẽ phát triển theo hướng này. Ông cho biết, ông có một số khách hàng là công ty liên doanh, họ cho biết họ đã nhận được yêu cầu cụ thể phải cho phép tổ chức Đảng bên trong công ty có thêm nhiều tiếng nói hơn trong hoạt động của công ty.

Nhiều hiệp hội thương mại nước ngoài ở Trung Quốc cũng đã bày tỏ quan ngại về điều này. Tình trạng mở rộng sức ảnh hưởng của ĐCSTQ đã trở thành một chủ đề nhạy cảm, có nhiều công ty từ chối bình luận về vấn đề này, cũng có những công ty có ý định phối hợp với ĐCSTQ trong điều kiện không ảnh hưởng đến lợi ích của các cổ đông.

Việc ĐCSTQ dùng mọi cách để tăng cường kiểm soát các công ty nước ngoài, trong đó có việc tăng vai trò chi bộ Đảng trong doanh nghiệp đang trở thành vấn đề gây chú ý. Tháng Ba năm nay, CEO của Tesla Motors là Elon Musk đã chia sẻ trên Tweeter: “Các công ty xe hơi Mỹ thiết lập nhà máy ở Trung Quốc Đại lục đều bị giới hạn quyền sở hữu đến 50%, cho dù nhà máy là của riêng họ; tuy nhiên, hiện nay cả năm công ty xe điện của Trung Quốc ở Mỹ đều có 100% quyền sở hữu.”

Theo Nhật báo Phố Wall (WSJ) chỉ ra, công viên Disneyland Thượng Hải có tổng cộng 11.000 nhân viên toàn thời gian và 7.000 công nhân hợp đồng, nhưng hiện có 300 Đảng viên, nhiều gấp đôi so với ba năm trước đây.

Từ số liệu của ĐCSTQ cho thấy, tính đến cuối năm 2016, có đến 68% doanh nghiệp ngoài quốc doanh đã thành lập chi bộ Đảng, tăng 54% so với bốn năm trước đó. Trong số các công ty nước ngoài (kể cả liên doanh với Trung Quốc), tính đến thời điểm cuối năm ngoái (2017), đã có khoảng 74.000 công ty, tương ứng 70% số công ty đã thành lập chi bộ Đảng. Trong khi đó, cuối năm 2011 mới chỉ có 47.000 công ty.

Trí Đạt

Xem thêm: