Một báo cáo khảo sát đối với 370 nghìn doanh nghiệp lớn tại Trung Quốc cho thấy, đến tháng 11 năm ngoái (2018), do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Trung – Mỹ, số người thất nghiệp lên tới con số 2,8 triệu.

 

http://gty.im/51833423

Ảnh minh họa từ Getty Images

Năm ngoái, sau khi Mỹ tiến hành thu thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ có tổng trị giá 250 tỷ Đô la Mỹ, một số ngành nghề Trung Quốc xuất hiện tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.

Theo Thời báo Tự do (Liberty Times, Đài Loan) đưa tin hôm 7/1, nhà phân tích Ernan Cui của công ty Tư vấn tài chính Gavekal Dragonomics tại Bắc Kinh cho biết, một bản báo cáo khảo sát đối với hơn 370 nghìn doanh nghiệp lớn tại Trung Quốc cho thấy, tính đến tháng 11/2018, số có việc làm trong 1 năm tại Trung Quốc giảm khoảng 2,8 triệu.

Còn theo dự báo của Ngân hàng đầu tư quốc tế Thụy Sĩ (UBS), số người thất nghiệp của Trung Quốc trong các ngành liên quan đến xuất khẩu có thể lên đến 1,5 triệu người.

Rất nhiều chuyên gia cho rằng, tình hình thất nghiệp của Trung Quốc đang có dấu hiệu xấu đi. Leland Miller, Giám đốc điều hành quốc tế “Sách màu be” (Beige Book) Trung Quốc cho biết, trong quý IV năm ngoái, hiệu suất việc làm trong các các ngành công nghiệp lớn ở Trung Quốc đã dần suy yếu.

Các doanh nghiệp Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất từ chiến tranh thương mại Trung – Mỹ đã ồ ạt rời Trung Quốc để tránh mức thuế quan cao.  

Trong thời gian từ ngày 29/8 – 4/9/2018, Phòng thương mại Mỹ tại Trung Quốc và Phòng thương mại Mỹ tại Thượng Hải đã tiến hành khảo sát đối với thương nhân Mỹ đang đầu tư tại Trung Quốc, trong số hơn 430 doanh nghiệp Mỹ, có khoảng 1/3 đã hoặc dự tính chuyển dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc.

Ngày 10/12/2018, GoPro, một nhà sản xuất máy ảnh thể thao nổi tiếng của Mỹ cho biết, để tránh các cú sốc thuế quan, họ đã lên kế hoạch di chuyển khỏi Trung Quốc dây chuyền sản xuất các sản phẩm xuất khẩu vào Mỹ.

Các doanh nghiệp quốc tế khác như Samsung Electronic, LG, Nikon, Toshiba, Sony đã hoặc đang chuẩn bị di chuyển dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc, đến các khu vực có lương công nhân rẻ hơn như Đông Nam Á, Ấn Độ, Brazil, hoặc là trực tiếp chuyển đến thị trường chính như Mỹ, Liên minh châu Âu để xây dựng nhà máy.

Số doanh nghiệp của Đài Loan và Hồng Kông đóng cửa nhà máy tại Đại lục nhiều hơn so với doanh nghiệp của Mỹ và Nhật Bản. 

Song song với chiến tranh thương mại leo thang, doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc và doanh nghiệp quốc tế mua hàng hóa Trung Quốc cũng lần lượt chuyển nhà máy hoặc địa điểm mua sắm ra ngoài Trung Quốc.

Hậu quả lớn nhất của việc các doanh nghiệp nước ngoài rút vốn đầu tư vào Trung Quốc là lượng lớn công nhân thất nghiệp, hơn nữa kinh tế hiện nay tại Trung Quốc cũng không khởi sắc lắm, công nhân thất nghiệp tiếp tục tìm công việc khác lại khó khăn hơn.  

Ngày 16/7 năm ngoái, công ty OMRON tuyên bố nhà máy của công ty tại Tô Châu sẽ ngưng sản xuất vĩnh viễn từ ngày đăng thông báo. Theo giới thiệu trên trang web của công ty tại Trung Quốc, đến tháng 3/2018, số công nhân tại Trung Quốc lên đến 11 nghìn người.

Cuối tháng 12/2018, nhà máy Samsung tại Thiên Tân cũng đã đóng cửa, khiến cho hơn 2000 người thất nghiệp.

Có người trong giới doanh nghiệp cho biết, nếu nhà máy nhà máy dự tính đóng cửa mà tạo thành tổn thất cho ngành sản xuất thượng nguồn, vậy thì số lượng công nhân thất nghiệp do nhà máy đóng cửa sẽ là gấp đôi.

Trong một báo cáo phân tích mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc Mercator (Mercator Institute for China Studies) tại Đức cho biết, năm 2019 sẽ là một năm “vô cùng khó khăn” đối với Trung Quố. Nếu năm nay đàm phán thương mại Trung – Mỹ không có tiến triển, ngành xuất khẩu khổng lồ của Trung Quốc sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng, trực tiếp dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao. Tình hình hiện tại đối với tầng lãnh đạo của Trung Quốc mà nói là vô cùng nguy cấp, chính quyền Trung Quốc cần dùng mọi biện pháp để ổn định thị trường việc làm, bởi nếu tỷ lệ thất nghiệp tăng cao sẽ khiến cho xã hội xáo động.

Huệ Anh

Xem thêm: