Ngày đầu tiên của năm 2020, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) tuyên bố sẽ hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) của các thể chế tài chính khoảng 50 điểm cơ bản từ ngày 6/1 tới nhằm thúc đẩy nền kinh tế.

Ngân hàng Trung Quốc, Nhân dân tệ
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) tuyên bố sẽ hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các thể chế tài chính từ ngày 6/1 tới. (Ảnh minh họa: Pixabay)

Động thái này sẽ góp phần làm giảm lượng tiền mặt mà các ngân hàng cho vay phải dự trữ, “giải phóng” khoảng 800 tỷ nhân dân tệ, nâng cao khả năng thanh toán dài hạn nhằm thúc đẩy nền kinh tế. Tuy nhiên, có phân tích chỉ ra rằng, khe hở thanh khoản ngắn hạn trong hệ thống ngân hàng hiện đã lên tới 2,5 nghìn tỷ nhân dân tệ.

Trước đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết chính phủ nước này có kế hoạch bơm thêm tiền vào hệ thống ngân hàng trong nước nhằm hỗ trợ hoạt động cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ, với các biện pháp như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng, hạ thấp chi phí cấp vốn và lãi suất.

Ngày 1/1, PBoC đã thông báo trên trang web chính thức của mìn: “Để hỗ trợ sự phát triển của các thực thể kinh tế và giảm chi phí tài chính xã hội, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã quyết định giảm 50 điểm cơ bản (0,5%) dự trữ tiền gửi của các tổ chức tài chính từ ngày 6/1/2020 (Bao gồm các công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính và công ty tài chính tự động).”

PBoC cũng tuyên bố “sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, cân bằng, duy trì thanh khoản hợp lý và đầy đủ…”

Theo một quan chức thuộc PBoC, động thái này sẽ giúp đáp ứng nhu cầu về tiền mặt tăng mạnh ở Trung Quốc trước dịp Tết Nguyên đán vào cuối tháng này nhằm duy trì tính thanh toán chung trong hệ thống ngân hàng ổn định về cơ bản. Trong số 800 tỷ nhân dân tệ mới được “giải phóng” này, các ngân hàng vừa và nhỏ như ngân hàng thương mại thành phố tại các khu vực hành chính cấp tỉnh, ngân hàng thương mại nông thôn tại các quận huyện, ngân hàng hợp tác nông thôn, hợp tác xã tín dụng nông thôn và ngân hàng tại các làng xã có thể thu được nguồn vốn dài hạn hơn 120 tỷ nhân dân tệ.

Các nhà phân tích nhận định, tuần trước, việc PBoC đưa ra kế hoạch chuyển lãi suất LPR sang các khoản vay lãi suất thả nổi hiện tại, cho thấy họ đang bắt đầu bỏ chặn các kênh và tăng thanh khoản. Với việc thúc đẩy hơn nữa cơ chế LPR và giảm chi phí trách nhiệm của ngân hàng, báo giá LPR trong tháng 1 dự kiến ​​sẽ giảm nhẹ, và điều này giúp giảm chi phí tài chính.

Reuters ngày 1/1 đưa tin, nhà kinh tế học Lý Kỳ Lâm nhận định, tốc độ và quy mô phát hành trái phiếu địa phương tại Trung Quốc có thể càng nhanh và cao hơn trước đây, và nhu cầu tài chính của các dự án cơ sở hạ tầng sẽ tăng theo, yêu cầu ngân hàng trung ương đầu tư vào thanh khoản dài hạn, tiếp nhận nợ địa phương và tín dụng dài hạn.

Ông cũng nói rằng chỉ cần nhìn vào các khoản thanh toán thuế, phát hành nợ địa phương và khoản tiền rút ra trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, sẽ thấy khe hở thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã lên tới 2,5 nghìn tỷ nhân dân tệ, và con số 800 tỷ nhân dân tệ được giải phóng này vẫn còn cách xa mới đủ. 

Trong năm 2019, PBoC đã ba lần hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc để thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc, khi tốc độ tăng trưởng trong năm ngoái ở mức thấp nhất trong ba thập niên. Gần đây nhất, hồi tháng 9, Trung Quốc cũng đã giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 50 điểm cơ bản, áp dụng từ 16/9, nhằm bơm thanh khoản vào hệ thống tài chính trong bối cảnh thương chiến Mỹ – Trung căng thẳng.

Minh Ngọc

Xem thêm: