Trung Quốc dự định trở thành nước đi đầu thế giới trong sản xuất xe điện vào trước năm 2025, nhưng nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, Trung Quốc phát triển xe điện có thể gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hơn.

Embed from Getty Images

Trung Quốc dự định trước năm 2025 sẽ trở thành nước tiên phong trong sản xuất xe điện, nhưng nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, Trung Quốc phát triển xe điện có thể gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hơn

Theo Thời báo Tài chính Anh (Financial Times), nhà cầm quyền Trung Quốc xây dựng kế hoạch “Công nghiệp Chế tạo Trung Quốc 2025” (Made in China 2025) vì mục tiêu bảo vệ môi trường, trong đó xe điện là một trong những hạng mục trọng điểm, đã được đầu tư hàng chục tỷ đô la Mỹ nhằm khuyến khích sản xuất. Nhưng nhiều chuyên gia nghi ngờ việc Trung Quốc sản xuất xe điện hàng loạt không chỉ không thể đạt được mục tiêu bảo vệ môi trường, trái lại còn gây ô nhiễm nghiêm trọng hơn.

Trong những năm qua Trung Quốc đã đẩy mạnh phát triển năng lượng xanh, tuy nhiên tỷ lệ sản xuất điện phụ thuộc vào than đá vẫn cao mà không giảm đi, nghĩa là mặc dù xe điện có thể giảm sử dụng xăng dầu, nhưng pin của nó thì lại phụ thuộc vào nguồn điện sản xuất từ đốt than gây ô nhiễm môi trường nhất.

Nghiên cứu viên Kennedy (Scott Kennedy) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Center for Strategic and International Studies) tại Washington chỉ ra, nguồn điện dùng cho xe điện của Trung Quốc không thể tránh được phải lấy từ nhiên liệu hóa thạch, trong đó hầu hết là than đá, vì vậy sự phát triển của xe điện tại Trung Quốc “có thể chỉ là chuyển nguyên nhân gây ô nhiễm không khí từ khu vực công nghiệp này sang khu vực công nghiệp khác”.

Tháng Năm vừa qua, Tạp chí Nguồn năng lượng tự nhiên (Nature Energy) có đăng báo cáo nghiên cứu của nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Harvard và Đại học Thanh Hoa Trung Quốc chỉ ra, lợi ích môi trường của xe điện phụ thuộc vào cách thức, thời gia và địa điểm sạc pin. Nghiên cứu cho thấy nếu sử dụng cách sạc nhanh thì xe điện có thể gây ô nhiễm nhiều hơn, vì thế đưa ra nhắc nhở chủ xe điện không nên sạc nhanh, nên sạc điện thông thường vào ban đêm.

“Sử dụng chế độ sạc chậm thông thường để sạc pin xe điện vào ban đêm, tuy phải mất nhiều giờ để sạc, nhưng có thể dùng điện từ năng lượng gió không vào lúc cao điểm.” Chris Nielsen, một trong những tác giả của nghiên cứu, thuộc Đại học Harvard cho biết.

Tháng Mười Một năm ngoái, các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Giao thông vận tải thuộc Đại học Michigan Mỹ (University of Michigan’s Transportation Research Institute) là Michael Sivak và Brandon Schoettle đã công bố nghiên cứu cho biết, do một phần lớn điện sản xuất của Trung Quốc vẫn đến từ việc đốt than, vì vậy tính kinh tế nhiên liệu (fuel economy) của xe thông thường (động cơ đốt trong) tại Trung Quốc nhìn chung tốt hơn (mỗi lít 100 km) so với xe điện thân thiện hơn với môi trường.

Ngoài ra, báo cáo nghiên cứu này còn cho biết, tính từ góc độ chi phí môi trường trong quá trình sản xuất xe điện thì các loại xe thông thường có lợi thế hơn trong bảo vệ môi trường.

Hồi tháng Năm, một số nhà khoa học thuộc Đại học Thanh Hoa đã công bố một báo cáo nghiên cứu trên Tạp chí Ứng dụng Năng lượng (Applied Energy), theo đó cho biết xe năng lượng mới do Trung Quốc sản xuất (gồm xe điện, xe lai sạc điện, và xe chạy bằng pin nhiên liệu) phát thải khí nhà kính cao hơn 50% xe ô tô thông thường.

Bên cạnh đó, theo một báo cáo nghiên cứu của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) công bố vào tháng Mười Một năm ngoái cho thấy, mặc dù lượng khí thải carbon dioxide của xe cơ giới là cao hơn so với xe điện, nhưng lượng khí thải vi hạt trôi nổi PM2.5 do xe điện thải ra là gấp hơn hai lần. Vi hạt trôi nổi PM2.5 là nguyên nhân chính gây ra khói mù tại nhiều thành phố ở Trung Quốc.

Các nhà nghiên cứu cảnh báo, mặc dù theo thời gian sự phụ thuộc việc sản xuất điện từ đốt than tại Trung Quốc sẽ ngày càng giảm, nhưng cũng cần thời gian hàng thập kỷ, còn hiện nay bắt đầu phát triển xe điện nhưng liệu thực sự có lợi ích đối với môi trường hay không cũng còn phải tiếp tục nghiên cứu.

Theo số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (US Energy Information Administration), năm 2015 Trung Quốc sản xuất điện từ đốt than chiếm 72% tổng sản lượng điện, ước tính đến năm 2040 tỷ lệ này sẽ giảm xuống dưới 50%.

Nielsen và các nhà nghiên cứu khác đã cùng thừa nhận, mặc dù luật và quy định về môi trường được áp dụng rộng rãi nhằm thúc đẩy sản xuất xe điện, tuy nhiên có thể việc đẩy mạnh phát triển xe điện sẽ không mang lại được mục tiêu cải thiện môi trường.

Theo phân tích của Công ty Nghiên cứu Bernstein (Bernstein Research), dự tính khoảng thời gian từ 2015 – 2020, chính quyền Trung Quốc sẽ chi 60 tỷ đô la Mỹ trợ cấp để khuyến khích ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc đẩy mạnh sản xuất các loại xe điện, dự kiến đến ​​năm 2020 sản lượng hàng năm sẽ là 2,4 -2,7 triệu xe điện, tăng gấp 4 lần lượng tiêu thụ năm 2017.

Huệ Anh

Xem thêm: