Gần đây đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thông báo về phương án cải cách bộ máy, trong đó chức năng nhiệm vụ của ba hệ thống quan trọng (bao gồm tổ chức gọi là “Ban Chỉ đạo Phòng chống và Xử lý vấn đề tà giáo”, tức Phòng 610) được chuyển về cho Ban Chính trị và Pháp luật (dưới đây gọi là Ban Chính pháp) quản lý. Như vậy có phải “Phòng 610” đã bị xóa bỏ?

Pháp Luân Công
“Phòng 610” là tổ chức đặc biệt mà ông Giang Trạch Dân xây dựng để bức hại người tập Pháp Luân Công (Ảnh từ internet)

Ngày 21/3, chính quyền Bắc Kinh đã ban hành “Phương án cải cách thể chế”, theo đó không còn thấy bố trí Ủy ban Quản lý chung về An ninh xã hội Trung ương (Ủy ban An ninh Xã hội) và Ban Chỉ đạo Công tác Giữ ổn định Trung ương (Ban Ổn định Trung ương). Thậm chí nhiệm vụ của cả “Ban Chỉ đạo Phòng chống và Xử lý vấn đề tà giáo” cùng hai ban kể trên đều đưa về Ủy ban Chính trị Pháp luật Trung ương. Như vậy, trong đợt cải cách này “Phòng 610” đã bị xóa bỏ. Tuy nhiên chưa có gì đảm bảo liệu ĐCSTQ có tổ chức thành lập lại Ban Chỉ đạo Phòng chống và Xử lý vấn đề tà giáo hay không.

Cả ba tổ chức nêu trên đã bị thu hồi và chuyển chức năng nhiệm vụ về tổ chức cấp trung ương cũ là Ban Chính pháp Trung ương, một tổ chức bị đông đảo người Trung Quốc sống ở nước ngoài xem là bộ máy đầy tội ác, đứng ở tuyến đầu trong bức hại nhân quyền.

Số liệu công khai cho thấy, Ủy ban An ninh Xã hội được thành lập vào năm 1991, có một hệ thống từ cấp trung ương đến cơ sở tại các địa phương, trong xử lý công việc luôn được gắn kết chặt chẽ với Ban Chính pháp Trung ương. Chủ nhiệm của Ủy ban An ninh Xã hội thường do Bí thư Ban Chính pháp đảm nhận.

Còn Ban ổn định Trung ương là “cơ quan điều phối nghị sự” của Trung ương ĐCSTQ, chính thức được thành lập vào những năm 1990 và văn phòng thường trực của nó là “Văn phòng Trật tự xã hội Trung ương”. Đơn vị thành viên trong ban này bao gồm: Ban Chính pháp Trung ương, Ủy ban An ninh Xã hội, Bộ Tuyên truyền Trung ương, Bộ Công an, Tổng cục Quản lý Phát thanh – Truyền hình – Điện ảnh Quốc gia, tổ chức liên quan đến bộ phận tuyên truyền.

Quan chức đứng đầu tổ chức này thường là Bí thư Ban Chính pháp Trung ương, còn Chủ nhiệm “Văn phòng Trật tự xã hội” thường là Phó Bí thư Ban Chính pháp kiêm nhiệm. Điều đáng chú ý là việc bố trí “Văn phòng Trật tự xã hội” tại các cơ sở từ cấp tỉnh cho đến các thôn xóm cũng như công ty xí nghiệp chỉ là hiện tượng mới xuất hiện trong vài năm nay, xuất phát từ nhu cầu chính trị đối với Pháp Luân Công.

Về “Phòng 610” Trung ương, theo dữ liệu từ Wikipedia tiếng Trung, “Phòng 610” được ông Giang Trạch Dân thành lập vào ngày 10/6/1999 với mục đích để trấn áp sự phát triển của Pháp Luân Công. Đây là một bộ máy hùng hậu bao phủ toàn Trung Quốc Đại Lục, từ cấp trung ương đến tất cả các địa phương, quyền lực không trực thuộc bất cứ bộ phận nào của ĐCSTQ, có nguồn tài chính riêng chu cấp.

Từ khi được thành lập, chức vụ Chủ nhiệm “Phòng 610” do Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị phụ trách, gọi là “Trưởng ban Chỉ đạo”, những nhân vật từng phụ trách gồm có Lý Lam Thanh, La Cán, Chu Vĩnh Khang, những Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị này đều trực tiếp báo cáo công việc cho ông Giang Trạch Dân. Tuy nhiên, từ sau thời Chu Vĩnh Khang thì người phụ trách bộ phận này hoàn toàn bí mật.

Được biết, các tổ chức như Ủy ban An ninh Xã hội, Ban ổn định Trung ương trong xử lý công việc cụ thể nhiều khi bị chồng chéo nhiệm vụ với “Phòng 610”. Trong vòng 20 năm trở lại đây, Ủy ban An ninh Xã hội và Ban ổn địn Trung ương thuộc Ban Chính pháp Trung ương, cùng với “Phòng 610” chuyên xâm hại nhân quyền qua hành vi đàn áp người bất đồng chính kiến, đã gây ra vô số án oan sai, trong đó có đàn áp và bức hại những người theo Pháp Luân Công từ sau tháng 7/1999.

Lần này, giới chức ĐCSTQ sáp nhập ba hệ thống này cũng cho thấy một số dấu hiệu đáng chú ý.

Ngày 22/3, Epoch Times đăng bài bình luận của tác giả Hạ Tiểu Cường (Xia Xiaoqiang) cho rằng, trong phương án cải cách của ĐCSTQ chỉ rõ: “Chức năng nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Phòng chống và Xử lý vấn đề tà giáo cùng Văn phòng của tổ chức này sẽ giao lại cho Ban Chính pháp Trung ương, Bộ Công an”, câu này cho thấy trước đây tổ chức này không do Ban Chính pháp và Bộ Công an phụ trách, như vậy đã phần nào công khai thừa nhận “Phòng 610” là một tổ chức độc lập, là tổ chức có đặc quyền nằm ngoài tất cả các tổ chức khác của ĐCSTQ.

Theo tác giả Hạ Tiểu Cường, nhiều cơ quan truyền thông Trung Quốc ở trong và ngoài Trung Quốc đại lục nhận định “Phòng 610 bị xóa bỏ”, nhưng nhìn vấn đề một cách chặt chẽ thì tổ chức này chưa bị xóa bỏ mà thực tế chỉ bị giáng cấp, nhưng vấn đề này cũng tạo ra sự khác biệt lớn.

Thứ nhất, từ một trung tâm siêu quyền lực do ông Giang Trạch Dân và Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị trực tiếp lãnh đạo, nay tổ chức này bị giảm xuống chỉ còn là một bộ phận trực thuộc Bộ Công an, như vậy không chỉ là giáng cấp, điều quan trọng là như vậy “Phòng 610” không còn là tổ chức hoàn toàn độc lập nằm ngoài tất cả các tổ chức của ĐCSTQ.

Thứ hai, việc hạ cấp này khiến quyền lực của cán bộ tổ chức này bị suy yếu mạnh từ cấp trung ương cho đến các địa phương. Sự thay đổi quyền lực này sẽ kéo theo sự thay đổi về nguồn tài chính âm thầm hỗ trợ cho nó.

Thứ ba, việc điều chỉnh quy mô giảm bớt chắc chắn sẽ kèm theo sa thải nhiều người đang làm việc cho hệ thống này. Tuy nhiên, cảnh thất nghiệp của những nhân viên từng làm trong trong hệ thống nay khác xa cảnh thất nghiệp của những người bình thường khác. Vì hai chục năm qua những người làm việc cho bộ máy đàn áp nhân quyền này không chỉ bức hại tàn bạo Pháp Luân Công, còn gây vô số tội ác đối với nhiều người dân thường khác, chuyện mưu sinh của những kẻ bàn tay dính đầy máu này không phải dễ dàng.

Đồng thời, tác giả cũng chỉ ra, việc tổ chức “Phòng 610” bị giáng cấp không có nghĩa là ĐCSTQ chấm dứt đàn áp Pháp Luân Công. Tổ chức này sẽ tiếp tục hoạt động trong một khoảng thời gian nhất định trong tương lai. Tuy nhiên, việc “Phòng 610” bị giáng cấp và rút lại là bước đầu quan trọng báo hiệu ngày tàn của nó.

Trí Đạt

Xem thêm: