Kết thúc hội nghị thượng đỉnh Liên Triều, vấn đề thống nhất bán đảo Triều Tiên một lần nữa được mở ra, cuối cùng các nhà lãnh đạo của Bắc và Nam Triều Tiên đã công bố “Tuyên bố Bàn Môn Điếm”. Thông qua bản tuyên bố này, hai miền đã đi được bước đầu tiên hướng tới thống nhất bán đảo. Liệu Trung Quốc có sợ bán đảo Triều Tiên thống nhất không? Vấn đề này sẽ mang lại lợi ích hay bất lợi cho Trung Quốc?

Kim Jong-un
Kim Jong-un và Moon Jae-in (Ảnh: Getty Images)

Trung Quốc có lý do để không phản đối

Quan niệm truyền thống cho rằng Trung Quốc xem Bắc Triều Tiên là một quốc gia vùng đệm trong chiến lược giữa Trung Quốc và hai nước đồng minh Mỹ – Hàn Quốc, vì thế Trung Quốc không mong đợi thống nhất bán đảo Triều Tiên, đặc biệt là dẫn dắt thống nhất lại đến từ phía Hàn Quốc.

Gần đây, tại một hội thảo ở Washington, nhà nghiên cứu Tôn Vận (Sun Yun), Giám đốc dự án nghiên cứu Trung Quốc tại Trung tâm Henry L. Stimson (Henry L. Stimson Center) Mỹ cho biết, mặc dù Trung Quốc có rất nhiều lo lắng về vấn đề thống nhất bán đảo Triều Tiên, nhưng trong thực tế nội bộ Trung Quốc có sự đồng thuận rằng thống nhất bán đảo Triều Tiên là không thể tránh khỏi. Theo bà, Trung Quốc có sự đồng thuận này dựa trên hai quan điểm: thứ nhất, Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc có chung bản sắc dân tộc, là nền móng chung mà việc thống nhất liên Triều không thể phá vỡ, vì vậy cho dù là lãnh đạo Bắc Triều Tiên hay lãnh đạo Hàn Quốc cũng không thể từ bỏ mục tiêu này.

Thứ hai, bà cho rằng, vì Trung Quốc cũng phải đối mặt với vấn đề thống nhất dân tộc nên Trung Quốc không thể chống lại sự thống nhất của bán đảo Triều Tiên.

Bà nói: “Bởi vì người Trung Quốc phải đối mặt với nhiệm vụ đoàn kết dân tộc, rất ghét Mỹ ‘can thiệp’ vào vấn đề Đài Loan. Cho rằng Trung Quốc là kẻ phản đối trong vấn đề thống nhất bán đảo Triều Tiên là đi ngược lại trực giác, không đúng về suy lý.”

Chính phủ Trung Quốc luôn cho rằng, Trung Quốc ủng hộ thống nhất bán đảo Triều Tiên trong “hòa bình và tự chủ”. Tháng 7/2014, trong bài phát biểu tại Hàn Quốc nhân chuyến thăm, ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh Trung Quốc hy vọng hai bên liên Triều cải thiện quan hệ, ủng hộ thống nhất bán đảo Triều Tiên diễn ra trong hòa bình tự chủ.  

Bà Tôn Vận cho biết, “tự chủ” ở đây nên hiểu theo hai tầng ý nghĩa. Đầu tiên, việc thống nhất bán đảo do Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên tự quyết, không bị can thiệp bởi các lực lượng bên ngoài. Thứ hai, bán đảo sau thống nhất phải giữ được vị trí trung lập, không bị can thiệp từ bên ngoài.

Vào tháng Giêng năm nay, Đại sứ Trung Quốc trú tại Mỹ là Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai) khi trả lời phỏng vấn truyền thông Mỹ đã cho biết, “Chỉ cần có được hòa bình mà không gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, Trung Quốc luôn giữ thái độ và cởi mở đối với thống nhất bán đảo Triều Tiên”.

Trung Quốc có lý do để lo lắng

Tuy nhiên, bà Tôn Vận cho rằng, mặc dù vậy nhưng không có nghĩa là Trung Quốc sẽ tích cực thúc đẩy thống nhất của bán đảo Triều Tiên. Về vấn đề thống nhất bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc rất lo lắng bất cứ khi nào thống nhất cũng như cách thức thống nhất đều sẽ tác động tương ứng đối với Trung Quốc.

Theo bà Tôn Vận, bận tâm lớn nhất của Trung Quốc tập trung vào một vấn đề, đó là liệu một bán đảo thống nhất có thành liên minh quân sự của Mỹ?

Bà nói: “Trung Quốc không phản đối thống nhất bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc phản đối là sau khi bán đảo Triều Tiên thống nhất lại là liên minh quân sự của Mỹ. Trong quan điểm của Trung Quốc, một bán đảo Triều Tiên ổn định chính trị và thịnh vượng kinh tế là phù hợp với lợi ích của Trung Quốc, so với tình hình hiện nay tốt hơn nhiều. Đối với Trung Quốc, ít nhất đối với những học giả Trung Quốc mà tôi gặp gỡ, nếu một bán đảo thống nhất duy trì trung lập giữa Trung Quốc và Mỹ, nếu đảm bảo bán đảo thống nhất có thể thân với Trung Quốc, tôn trọng mong muốn của Trung Quốc trong các vấn đề khu vực, vậy thì thống nhất sẽ tốt hơn.”

Bà Tôn Vận chia sẻ, giới học giả Trung Quốc cho rằng nếu Mỹ có thể rút quân khỏi bán đảo Triều Tiên, nếu vấn đề thân Mỹ chỉ nhằm để “tượng trưng” chứ không phải là “thực chất” thì Trung Quốc có thể chấp nhận ngay một bán đảo thống nhất thân với Mỹ.

Bà chỉ ra, Bắc Kinh thực sự lo lắng về ba tình huống sau khi thống nhất bán đảo: Thứ nhất, quân đồn trú của Mỹ tại Hàn Quốc tiến vào phía bắc của “giới tuyến 38” (lãnh thổ Bắc Triều Tiên hiện nay). Thứ hai, Trung Quốc có tranh chấp về lãnh thổ với bán đảo Triều Tiên mới thống nhất, đã có những dấu hiệu tranh chấp lãnh thổ gần đây. Thứ ba, người tộc Triều Tiên ở vùng đông bắc Trung Quốc sẵn sàng trung thành với bán đảo Triều Tiên mới thống nhất hơn là với Bắc Kinh.

Trung Quốc đã có chuẩn bị cho tình hình bất ngờ

Ông Kim Heung-kyu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách Trung Quốc tại Đại học châu Á Hàn Quốc cho rằng, xét thấy hành động khiêu khích của Bắc Triều Tiên trong những năm gần đây, Chính phủ ông Tập Cận Bình đã có chuẩn bị ứng phó với sự bất ổn của Bắc Triều Tiên và tình huống bất ngờ có thể xảy ra.

Ông nói: “Trung Quốc dưới sự cai trị của ông Tập Cận Bình đã từ bỏ di sản ý thức hệ và đồng minh chính trị, tăng cường tập trung vào lợi ích quốc gia của riêng họ, trong khi tìm cách gia tăng ảnh hưởng đối với Bắc và Nam Triều Tiên”.

Ông chỉ ra, với Bắc Triều Tiên, Trung Quốc tìm cách thiết lập quan hệ nhà nước với nhà nước một cách bình thường, do đó mà trước sự khiêu khích của Bắc Triều Tiên thì Trung Quốc đã ủng hộ các biện pháp trừng phạt. Đồng thời, Trung Quốc đã tích cực trong nỗ lực cải thiện quan hệ với Hàn Quốc, tuy nhiên vì Hàn Quốc đồng ý cho Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại Hàn Quốc nên quan hệ Trung – Hàn mới hướng tới mức đóng băng.

Theo lời ông Kim Heung-kyu, không chỉ Chính phủ Trung Quốc mà thậm chí các học giả Trung Quốc cũng khuyến khích Trung Quốc thành lập một liên minh với Hàn Quốc. Họ chỉ ra, nhìn từ vấn đề Hàn Quốc thu lợi từ kinh tế Trung Quốc, gần gũi về địa chính trị và tương đồng về văn hóa, thậm chí Trung Quốc có thể hy vọng Hàn Quốc không duy trì liên minh chặt chẽ với Mỹ, trở thành một quốc gia trung lập.

Ông Kim Heung-kyu còn đưa ra những phân tích sắc bén, theo đó cho rằng đối với Trung Quốc, một bán đảo thống nhất sẽ có lợi cho Trung Quốc theo nhiều cách. Thứ nhất, một bán đảo Triều Tiên thống nhất loại bỏ bớt va chạm giữa Mỹ và Trung Quốc vì vấn đề Bắc Triều Tiên; thứ hai, một bán đảo Triều Tiên thống nhất sẽ có lợi cho sự phát triển kinh tế của Nội Mông và vùng lãnh thổ phía đông bắc của Trung Quốc; thứ ba, giúp miền bắc Trung Quốc ổn định; thứ tư, dễ dàng hơn để kiểm soát vũ khí hủy diệt hàng loạt; thứ năm, một bán đảo Triều Tiên thống nhất phụ thuộc về kinh tế, gần gũi về địa lý, tương đồng về văn hóa sẽ gần gũi hơn với Trung Quốc; thứ sáu, thống nhất bán đảo Triều Tiên tạo bầu không khí tích cực cho thống nhất Trung Quốc với Đài Loan; thứ bảy, một bán đảo Triều Tiên thống nhất khiến khả năng hợp tác với Trung Quốc mạnh mẽ hơn và cùng nhau hạn chế sự mở rộng quân sự của Nhật Bản.

Tuy nhiên, tình hình hiện nay khiến ông Kim Heung-kyu cho rằng vấn đề còn trì trệ kéo dài, do quan hệ cạnh tranh chiến lược hiện nay giữa Trung Quốc và Mỹ nên rất khó để đạt được thống nhất bán đảo Triều Tiên, vì một bán đảo Triều Tiên thống nhất cần có hợp tác thống nhất giữa Mỹ và Trung Quốc. Bắc Kinh có thể sẽ tìm cách trì hoãn vấn đề này.

Huệ Anh

Xem thêm: