Thực trang suy thoái biến chất của quan trường Trung Quốc luôn là một chủ đề nóng của dư luận xã hội. Gần đây có nhà bình luận tổng kết ra ba đặc điểm chính của bộ máy quan lại Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

tham nhũng
Có nhận định, hầu hết các quan chức ĐCSTQ đều sa đọa, từ trách nhiệm xã hội đến đạo đức cá nhân (Ảnh: Getty Images)

Ba đặc điểm nổi bật của quan trường Trung Quốc

Ngày 18/5/2018, Đài Á châu Tự do (RFA) có đăng bài viết của tác giả Sử Đông (Shi Dong) tổng kết ít nhất ba đặc điểm chính của quan trường Trung Quốc hiện nay.

Thứ nhất là nhiều, từ các ủy viên Bộ Chính trị ở trên cho đến các quan chức cơ sở tại các địa phương, nhiều đến nỗi đếm không xuể.

Thứ hai là nhàn, hầu hết các quan không có việc gì làm, chẳng hạn như Ủy viên Ban Thường vụ Nhân đại cũng như Chính hiệp toàn quốc và các cấp, chỉ tính Phó Chủ tịch ngồi chơi xơi nước cũng hàng chục người.

Thứ ba là nát, hầu hết các quan chức đều sống sa đọa, từ trách nhiệm xã hội đến đạo đức cá nhân.

Tác giả Sử Đông cho rằng trong hệ thống quan lại rộng lớn của ĐCSTQ với ba đặc trưng cốt lõi này, đối tượng phải chịu bất công nhất là quan chức ở cấp thấp nhất. Quan trên thì đốc thúc họ thu thuế nông nghiệp, ép thi hành kế hoạch hóa gia đình… Họ bị người dân căm ghét, nhưng thường không được cấp trên khen thưởng và biểu dương, vì vậy họ thường tự ám thị nhẫn nhịn: “ĐCSTQ là ân nhân, tất cả các cấp chính quyền là tốt, cán bộ các hương trấn là tội nhân”.

Những quan viên không cấp bậc này là vật hy sinh của hệ thống chính trị ĐCSTQ hiện nay, hàng ngày bán mạng cho ĐCSTQ, họ phải trải qua những tháng ngày sống vô vị nhưng lại căng thẳng, vì vậy mà nhiều người thường phàn nàn: “Tuổi xuân dâng Đảng, đắc tội quần chúng, ngày ngày bán mạng, tuổi già con nuôi”.

Sử Đông nhận xét rằng đa số các cán bộ cơ sở bán mạng cho ĐCSTQ đều bi quan và chán nản như thế, liệu chính quyền đó còn có hy vọng gì?

Căn nguyên tham nhũng của quan trường Trung Quốc

Kể từ năm 2012 thay khóa lãnh đạo mới, chính quyền mới phát động chiến dịch đấu tranh chống tham nhũng, tuyên bố rằng “Đánh từ hổ già đến ruồi nhặng”, trên đến các Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị, phía dưới đến các quan huyện và trưởng thôn đều có những kẻ “ngã ngựa” vì liên quan đến tham nhũng.

Tuy nhiên, nhiều quan điểm cho rằng vấn đề chế độ mới là lý do chính gây nạn tham nhũng, dưới chế độ độc đảng độc tài là cái gốc của nạn quan chức tham nhũng tràn lan mà không bao giờ xử lý được thực trạng.

Trên Tạp chí Tiền Tiêu tại Hồng Kông số tháng 4/2018 có đăng bài viết nhận định, tham nhũng là một căn bệnh của các nước trên thế giới, nhưng vấn đề là Trung Quốc là nước đứng đầu danh sách. Những kẻ phạm luật trên phạm vi rộng khắp, số lượng nhiều, số tiền tham nhũng khổng lồ, người dân than oán, có thể đưa vào Sách kỷ lục Guinness. Đặc biệt gây sốc là tất cả những quan chức tham nhũng này, từ Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị (Chu Vĩnh Khang) cho đến các Bí thư chi bộ Đảng các vùng thôn làng, đều là Đảng  viên. Nguyên nhân gốc rễ nằm ở đâu?

Bài báo cho rằng, từ những phát ngôn của những quan tham này sau khi bị bắt giữ phần nào có thể giải thích được vấn đề. Bài viết lấy ví dụ từ trường hợp quan tham La Âm Quốc (Luo Yinguo) ở tỉnh Quảng Đông.

La Âm Quốc, cựu Bí thư thành phố Mậu Danh đã bị kết án tử hình vào tháng 7/2013 vì tội nhận hối lộ và có số tài sản khổng lồ không rõ nguồn gốc. Những tin đồn cho rằng ông ta có 67 ngôi nhà, có tài sản 16 tỷ không rõ nguồn gốc, có hơn 100 người tình. Ngày 22/7/2016, ông ta qua đời trong tù vì bị ung thư dạ dày.

Năm 2008, ông La Âm Quốc từng được Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) giới thiệu về “kinh nghiệm của thành phố Mậu Danh” trong chương trình gọi là “Công tác làm trong sạch hóa bộ máy”,  khi đó cả Nhật báo Mậu Danh cũng đưa tin, ông La Âm Quốc còn thể hiện tinh thần kiên quyết làm được “4 tự thân”: tự thân bố trí công việc quan trọng, tự thân đặt câu hỏi về vấn đề quan trọng, tự thân điều chỉnh các khâu trọng điểm, tự thân đôn đốc các trường hợp quan trọng.

La Âm Quốc còn “nổi tiếng” vì phát ngôn can đảm. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, trong thời gian bị điều tra, ông ta cho biết: “Nếu nói tôi là quan tham thì cả quan trường này không ai không tham! Các người dựa vào gì mà uốn nắn tôi?…”

“Các người cho rằng tôi là quan tham, nhưng vấn đề là có quan nào không phải tham quan, có thể cho tôi biết người đó không? Cả nước Trung Quốc này, trong những người có cấp bậc như tôi, có ai không phải quan tham? Chẳng phải ở đây là quan tham này đề bạt quan tham khác sao? Chẳng phải ở đây là quan tham này tra khảo quan tham khác, kẻ hủ bại này đánh kẻ hủ bại khác? Lẽ nào chuyện này tôi cũng phải nói thẳng ra mới hiểu?”

“Điều tra tôi, chẳng lẽ các người trong sạch sao? Trong các người ai dám lên tiếng mình là trong sạch, hãy nhìn lại bộ quần áo của các người, chiếc đồng hồ của các người, toàn hàng hiệu giá trên trời, tiền lương cả năm của các người có đủ mua không?”

Người ta nói rằng những phát biểu của ông La Âm Quốc khi đó đã chấn động toàn quan trường Trung Quốc.

Thực tế, trong những thông tin công khai, những quan tham dám hùng hồn như vậy không chỉ có ông La Âm Quốc.

Tạp chí Tranh Minh tại Hồng Kông số tháng 10/2017 từng đưa tin, cựu Bí thư Bộ Chính trị thành phố Thâm Quyến là Tưởng Tôn Ngọc bị kết án tù chung thân ngày 28/8, sau khi nghe tuyên án đã nổi giận: “Tôi kháng án, tôi khiếu nại, các đời Bí thư và Thị trưởng ở Thâm Quyến này có ai trong sạch?…”.

Tạp chí Động Hướng tại Hồng Kông số tháng 5/2017 đưa tin, Lý Gia (Li Jia), cựu Bí thư thành phố Chu Hải, Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh Quảng Đông khi bị thẩm vấn đã ưỡn ngực nói: “Tôi hoàn toàn chấp nhận các cáo buộc, nhưng tôi xin nói thẳng các Phó Bí thư và Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy hai khóa trước có mấy người trong sạch? Có ai không dùng quyền lực để kiếm tiền bạc, nhan sắc, ai không kéo kết bè phái?”

Ngày 29/3/2017, VOA Mỹ dẫn phân tích của học giả người Mỹ chỉ ra, công tác chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình đầy thách thức, các sáng kiến ​​chống tham nhũng không phát huy được hiệu quả. Nguyên nhân chính là ĐCSTQ có một loại gọi là văn hóa tham nhũng, tham nhũng đã trở thành triệu chứng phổ biến mà trong quan trường Trung Quốc không đâu không có, loại văn hóa tham nhũng này bùng phát từ năm 2002 sau khi ông Giang Trạch Dân lên cầm quyền và đưa ra chính sách “Ba Đại diện”, để cho giới nhà giàu mới nổi vào hệ thống chính trị, chính thứ văn hóa suy thoái này cuối cùng ảnh hưởng đến phát triển kinh tế. Ông Tập Cận Bình không thể điều tra tất cả các quan chức, vấn đề này không thể giải quyết được bằng một mệnh lệnh chính trị hoặc một phong trào chống tham nhũng.

Ngày 29/10/2016, VOA Mỹ cũng dẫn lời học giả Bùi Mẫn (Pei Min) cho rằng, cách làm chống tham nhũng quy mô lớn của ông Tập Cận Bình cho thấy, tham nhũng đã thấm vào tất cả các cấp của bộ máy quan lại ĐCSTQ. Tuy nhiên, hành động chống tham nhũng này đã không chạm đến căn nguyên của tham nhũng là thể chế chính trị, đây chính là “mảnh đất của tham nhũng” mà ông Tập Cận Bình thường hay nói. Ông Tập Cận Bình chỉ tạm thời làm gián đoạn thị trường của tham nhũng, một khi tình trạng được nới lỏng, thị trường này sẽ ngay lập tức sôi động trở lại.

Ngoài ra, dưới chế độ độc tài độc đảng, quan chức chống tham nhũng cũng thường là quan chức tham nhũng, nhiều quan tham với nhiều vụ bê bối dâm loạn nổi tiếng trong và ngoài nước nhưng vẫn được trọng dụng, thăng quan tiến chức, tiêu biểu như Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị hiện nay là ông Hàn Chính, Bí thư Thiên Tân Lý Hồng Trung, Tỉnh trưởng tỉnh Vân Nam là Nguyễn Thành Phát, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Phúc Kiến là Lý Đức Kim…

Giới quan sát cũng phát hiện, cho dù trong năm năm qua ông Tập Cận Bình hạ hàng loạt quan chức tham nhũng phe cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân như Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu, nhưng nhân vật được cho là “huấn luyện viên trưởng tham nhũng” là cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân vẫn không thể chạm vào được.

Đối với vấn đề này, người từng được gọi là “thái tử Đảng” La Vũ hiện sống tại Mỹ cho biết, nhiều năm qua ông đã viết bài, gửi thư (hơn 20 bức thư) cho ông Tập Cận Bình khuyên giải hãy từ bỏ cái gốc gây ra tình trạng này là thể chế chế chính trị ĐCSTQ hiện nay thì mới hy vọng giải quyết được vấn đề. Tuy nhiên tiếng nói của ông dường như không được quan tâm

Trí Đạt

Xem thêm: