Gần đây, Trung Quốc đã cấm nhập khẩu than đá của Australia vào cảng Đại Liên, nhà đầu tư lo lắng việc này có thể khiến cho tình hình căng thẳng thương mại giữa 2 nước tiếp tục leo thang.

Embed from Getty Images

Cảng Đại Liên tại Trung Quốc (Ảnh từ Getty Images) 

Theo Reuters đưa tin, Cảng Đại Liên đã thực thi lệnh cấm vô thời hạn đối với than đá nhập khẩu từ Australia, trước đó có tin cho biết, hải quan tại một số cảng khẩu khác của Trung Quốc cũng giảm tốc độ xử lý thủ tục hải quan với than nhập khẩu từ Australia.

Reuters còn dẫn lời một quan chức làm việc tại một cảng khẩu của Trung Quốc cho biết, 5 cảng nằm dưới sự giám sát của Hải quan Đại Liên gồm các cảng như Đại Liên, Bá Ngư Khuyên, Bàn Cẩm, Đan Đông, Bắc Lương đều không cho phép thông quan than đá nhập từ Australia.

Vị quan chức này cho biết, lệnh cấm toàn diện được đưa ra hồi đầu tháng 2 dường như chỉ nhắm vào than nhập khẩu từ Australia, còn đối với than nhập khẩu từ Nga, Indonesia đều không bị ảnh hưởng.

Một bản báo cáo của Công ty Tư vấn Wood Mackenzi cho biết, lượng than đá nhập khẩu năm 2018 tại hải quan Đại Liên chiếm 7% tổng lượng than đá nhập khẩu của Trung Quốc, bao gồm than nhiệt và than cốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc phủ nhận Trung Quốc có ý nhắm vào than đá nhập khẩu từ Australia, và khẳng định rằng Trung Quốc chỉ đang kiểm tra than đá nhập khẩu vì lý do môi trường. Bên cạnh đó, quan chức cấp cao của Australia cũng đang cố gắng giảm bớt lo lắng của các nhà đầu tư về tình hình căng thẳng thương mại giữa hai nước đang gia tăng.

Hôm thứ Năm (21/2), Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham cho biết: “Tôi đã biết có thông tin liên quan nhưng chưa được chứng thực, chúng tôi yêu cầu Đại sứ tai Bắc Kinh nhanh chóng làm rõ thông tin này … Trung Quốc là đối tác hợp tác quan trọng của Australia, chúng tôi tin rằng, cam kết về hiệp định tự do thương mại hai bên sẽ được tôn trọng.”

Thống đốc Ngân hàng dự trữ Australia Philip Lowe nói không nên vội vã đưa ra kết luận dựa vào thông tin này, không nên mù quáng kết luận rằng hành động này là Trung Quốc nhắm vào Australia, cần tiếp tục quan sát tình hình. Ông không cho rằng lệnh cấm này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế Australia.

Năm ngoái, than nhiệt và than cốc của Australia xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm lần lượt 22% và 24% tổng lượng than xuất khẩu của Australia.

Tuy nhiên, cũng có quan điểm khác cho rằng không nên xem nhẹ hành động này của Trung Quốc.

“Lý do mà hải quan Đại Liên cấm nhập khẩu than đá của Australia không rõ ràng”, chuyên gia phân tích Vivek Dhar của Ngân hàng Liên bang cho biết.

Ông Ivan Colhorn, chuyên gia kinh tế thị trường tại Ngân hàng Quốc gia Australia, cũng có quan điểm tương tự. Ông nói rằng mặc dù nhập khẩu than Australia sang Đại Liên tương đối nhỏ, nhưng lệnh cấm rộng hơn sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế Australia.

Ông nói: “Nếu hành động này là khởi đầu cho quan hệ thương mại xấu đi giữa 2 nước, vậy nó đương nhiên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường Australia, hoạt động thương mại và kinh tế của Australia, bởi vì Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Australia, chiếm khoảng 34% tổng sản lượng xuất khẩu.”

Ông còn chỉ ra, mặc dù chính quyền Trung Quốc có ảnh hưởng nhất định tới thị trường hàng hóa, nhưng việc nhắm vào Australia có thể không phù hợp với lợi ích tốt nhất của họ.

Ông Vivek Dhar cho rằng, lệnh cấm của Hải quan Đại Liên hoặc lệnh cấm của Trung Quốc đối với than đá của Australia sẽ kéo dài vài tuần hoặc vài tháng.

Chất lượng than nhiệt và than cốc của Australia cao hơn so với sản phẩm các nơi khác, chính sách hạn chế hoặc cấm than đá của Australia cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến các chương trình sự về bảo vệ mối trường của Trung Quốc.

Có thông tin cho biết, hành động của Trung Quốc nhắm vào việc nhập khẩu than từ Australia có thể liên quan đến việc Australia cấm sử dụng thiết bị của Huawei trong mạng 5G, tuy nhiên chính quyền Trung Quốc vẫn chưa xác nhận thông tin này.

Huệ Anh

Xem thêm: