Ngày 29/1, Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc Đại Lục cho biết trong một thông cáo báo chí rằng đã dỡ bỏ lệnh cấm với 63 doanh nghiệp thực phẩm ở Đài Loan. Các công ty này đã đăng ký hoặc cập nhật thông tin đăng ký của họ.

shutterstock 1802320147
Bia Đài Loan cũng bị Trung Quốc Đại Lục cấm nhập khẩu. (Ảnh: Gina Hsu / Shutterstock)

Cuối năm ngoái, Trung Quốc Đại Lục đã cấm nhập khẩu rượu cao lương Kinmen và nhiều loại thực phẩm khác của Đài Loan, thu hút sự chú ý của công luận.

Gần đây, Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Đại Lục tuyên bố trong một thông cáo báo chí rằng họ tiếp nhận đăng ký chính thức hoặc gia hạn thông tin đăng ký cho 63 công ty Đài Loan, gồm cả Nhà máy rượu Kinmen, nghĩa là Trung Quốc sẽ cho phép các sản phẩm của Đài Loan được xuất khẩu sang Đại Lục.

Thông cáo báo chí cũng đề cập rằng sau khi các công ty thực phẩm Đài Loan không thể xuất khẩu sang Đại Lục do vấn đề đăng ký, cựu Chủ tịch Quốc dân Đảng Hồng Tú Trụ (Hung Hsiu-chu), Chủ tịch Tân Đảng Ngô Thành Điển (Wu Cherng-dean), Thị trưởng huyện Kim Môn Trần Phúc Hải (Chen Fu-hai), cùng những nhân sĩ và đoàn thể kinh doanh có liên quan khác đã gửi lời kêu gọi của họ, hy vọng có được giấy phép đăng ký càng sớm càng tốt.

Thông tấn xã Trung ương Đài Loan (CNA) đưa tin ngày 30/1, ông Trịnh Vận Bằng, Tổng thư ký Nhóm Lập pháp của Đảng Dân Tiến, cho biết hàng xuất khẩu của Đài Loan sang Đại Lục ban đầu bị cấm mà không có lý do, hiện giờ lại được gỡ bỏ cũng không có lý do. Đây là động thái chính trị đơn phương của Trung Quốc.

Sau khi ông Trần Phúc Hải, nhà lập pháp Trần Ngọc Trân (Chen, Yu-Jen) gặp Giám đốc Tống Đào (Song Tao) của Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Đại Lục, Trung Quốc bất ngờ và đơn phương tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm đối với 63 công ty Đài Loan.

Ông Trịnh Vận Bằng cho rằng điều này cho thấy việc đơn phương hạn chế các nhà máy thực phẩm và nông sản của Đài Loan vào thời điểm đó là một động thái chính trị không có cơ sở, Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) muốn cấm thì cấm, muốn giao hảo thì giao hảo. Điều này gây ra nhiều bất ổn đối với các doanh nhân và doanh nghiệp Đài Loan muốn đầu tư hoặc bán hàng ở Trung Quốc.

Ông Trịnh Vận Bằng cho rằng, Đại Lục đã đối xử không công bằng với Đài Loan. Chẳng hạn như các quốc gia khác có thể điền đơn đăng ký trực tuyến, nhưng Đài Loan chỉ có thể nộp đơn trên giấy. Hơn nữa thời hạn nộp đơn cũng sớm hơn các nước khác 1 năm. ĐCSTQ cũng cấm nhập khẩu các sản phẩm của Đài Loan mà không đưa ra lý do.

Ngoài ra, ông Tống Đào (Song Tao), Giám đốc Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Đại Lục, đã đề cập vào tháng 1 rằng ông sẽ đàm phán về quan hệ xuyên eo biển và thống nhất đất nước với “những người có tầm nhìn” ở Đài Loan trên cơ sở nguyên tắc một Trung Quốc và đồng thuận năm 1992.

Ông Trịnh Vận Bằng nói, thử hỏi liệu những người Quốc dân đảng có phản đối câu này hay không. Dù họ muốn thống nhất, thì Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) sẽ thống nhất Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Đại Lục), hay chấp nhận điều kiện chính trị này một cách vô điều kiện.

Ông nhấn mạnh rằng một số chính trị gia Đài Loan đã hợp tác với Trung Quốc để tuyên truyền chính trị và có thể lợi dụng điều này để làm lợi cho mình. Đây là một bi kịch lớn đối với các đại diện được bầu cử dân chủ của Đài Loan. Đài Loan phải đoàn kết và yêu cầu tất cả các nước không đối xử bất công với các sản phẩm xuất khẩu của Đài Loan.

Ông Khâu Thái Tam (Chiu Tai-san), Chủ tịch Hội đồng Đại Lục, cũng cho biết trong một cuộc phỏng vấn ngày 30/1 rằng các chuẩn mực thương mại của Trung Quốc không phù hợp với thông lệ thế giới.

Ông Tằng Minh Tông (Tseng Ming-chung), Chủ tịch Viện Lập pháp Quốc dân đảng, tin rằng hai bờ eo biển phải tiến hành giao lưu lành mạnh, chỉ có giao lưu mới tin cậy lẫn nhau, tin cậy lẫn nhau thì quan hệ hai bờ eo biển mới phát triển tích cực.

Ông hy vọng chính phủ Trung Quốc có thể bày tỏ thiện chí hòa bình với Đài Loan, và Đài Loan cũng nên chủ động thể hiện thiện chí, tiến hành giao thiệp song phương. Ông Tằng hy vọng rằng cả hai bờ eo biển sẽ có hành động cụ thể, giúp quan hệ hai bờ eo biển đi theo hướng trao đổi lành mạnh, và duy trì sự phát triển hòa bình.

Ngày 30/1, ông Trịnh Vận Bằng (Cheng Yun-Peng), Tổng thư ký Nhóm Lập pháp của Đảng Dân Tiến, đã chỉ trích rằng về cơ bản đây chính là một sự thao túng chính trị của Trung Quốc.