Mới đây, hai trẻ nhỏ đột ngột qua đời vì mắc cúm A tại Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc). Người nhà của hai em đặt nghi vấn về việc bệnh viện chẩn đoán sai và chậm trễ điều trị, trong khi người dân nghi ngờ triệu chứng của cúm A giống hệt như viêm phổi Vũ Hán (COVID-19).

cum Tay An
Cúm A bùng phát tại Tây An, Trung Quốc. (Ảnh chụp màn hình video)

Liên tiếp 2 trẻ nhỏ tử vong vì cúm A, cha mẹ nghi ngờ bệnh viện chẩn đoán sai 

Truyền thông Trung Quốc Đại Lục đưa tin, ngày 24/2 cô Trương (Zhang) ở Thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên đã đưa con trai 2 tuổi đến Cơ sở Cẩm Giang của Bệnh viện số 2 Hoa Tây, trực thuộc Đại học Tứ Xuyên, để điều trị. Sáng ngày 25/2, kết quả kiểm tra cho thấy bình thường. Nhưng vào lúc 5h ngày 26/2, tất cả dữ liệu trên màn hình điện tâm đồ của cháu bé giảm mạnh và được đưa đến phòng ICU để cấp cứu. Ngày hôm sau, cháu bé được chẩn đoán nhiễm cúm A triệu chứng nặng. Khoảng 1h trưa ngày 28/2, cháu bé đã tử vong.

Liên quan đến cái chết đột ngột của con trai, cô Trương cho rằng bệnh viện đã không tổ chức hội chẩn kịp thời để tìm ra nguyên nhân dẫn đến chậm trễ thời gian điều trị, đồng thời đặt nghi vấn về hành vi làm giả hồ sơ bệnh án. Hiện tại, các cơ quan liên quan đã vào cuộc để điều tra vụ việc.

Vào ngày 19/3, tài khoản Twitter “@kaiyan_1” đã đăng một video có nội dung: “Thành Đô bùng phát dịch cúm? Trẻ em liên tiếp tử vong!” Trong video, một người đàn ông nói rằng chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, Thành Đô “đã có ít nhất hai trẻ nhỏ nghi ngờ qua đời vì cúm A”.

Người này cho biết, ngoài bé trai 2 tuổi trên, một bé gái 5 tuổi khác cũng bị sốt vào ngày 9/3 và đã thuyên giảm sau khi được chẩn đoán và điều trị tại Bệnh viện Nhân dân quận  Bì Đô (tỉnh Tứ Xuyên). Sáng ngày 13/3, mắt phải của bé bị sưng, “Bệnh viện Nhân dân quận không đăng ký khám được“, vì vậy đã đến Bệnh viện Y học cổ truyền Quận Bi Đô. “Bác sĩ cho rằng mắt sưng là do ngủ nhiều, chỉ kê một số loại thuốc bù nước và bổ sung vitamin đơn giản, thậm chí còn không kiểm tra điện tâm đồ.”

Người này còn cho biết, sang ngày hôm sau các triệu chứng của cháu bé không thuyên giảm: “Người nhà xin nhập viện nhưng bệnh viện không có giường, cho đến chập tối thì bệnh viện mới đồng ý có thể nằm viện, nhưng lúc đó đã phát hiện cháu nhỏ có gì đó không ổn”. Sau đó lập tức chuyển viện đến Bệnh viện Phụ sản và Trẻ em của thành phố Thành Đô, được đưa trực tiếp vào đơn vị chăm sóc đặc biệt. Ngày 16/3, bệnh viện thông báo rằng cháu bé đã tử vong, “Nguyên nhân cái chết là viêm cơ tim thể tối cấp do cúm virus”.

Giống như cha mẹ của bé trai 2 tuổi qua đời trước đó, cha mẹ của bé gái này cũng đặt nghi vấn rằng “Bệnh viện Y học cổ truyền quận Bi Đô” đã gây ra cái chết của con mình là do “chẩn đoán và phán đoán sai”. Ở phần bình luận có thể thấy, “không ít phụ huynh nói nói rằng con mình cũng gặp tình trạng tương tự“. Xem ra Thành Đô đã thực sự bước vào thời kỳ có tỷ lệ mắc bệnh cúm A cao.

Nghi vấn triệu chứng cúm A giống hệt như COVID-19

Gần đây, ở nhiều nơi như Chiết Giang, Hà Nam, Tây An, Thanh Đảo và đã xuất hiện những bệnh nhân “cúm A” với lá phổi trắng xóa, thậm chí có trường hợp tử vong. Người dân nghi ngờ quan chức ĐCSTQ che giấu sự thật dịch bệnh, thông tin cúm A đổi thành COVID-19 liên tiếp xuất hiện trên mạng xã hội. Trong một video đăng tải trên Gan Jing World, một người đàn ông Trung Quốc nói: “Cúm cũng có thể gây ra phổi trắng. Cúm này, tôi ngày càng thấy rằng nó quá giống với COVID-19! Bởi vì các triệu chứng của nó về cơ bản là giống nhau.”

Người đàn ông nói: “Tỷ lệ giống nhau là 1:1, và cúm A cũng sẽ gây ra di chứng.” Ông muốn hỏi chuyên gia mối quan hệ giữa cúm A và COVID-19, “và tại sao các triệu chứng lại giống nhau như vậy. Bây giờ Bắc Kinh rất nghiêm trọng, nhiều trẻ nhỏ xung quanh tôi đang hỏi trong nhóm: “Nên dùng thuốc gì, triệu chứng chủ yếu là gì, đều là sốt, sốt cao!”

Nhiều nơi ở Tây An bổ sung thêm xét nghiệm axit nucleic cúm A và B

Theo tờ Hua Shang Bao (Chines Business View), vào khoảng 2h chiều ngày 14/3, tại điểm xét nghiệm axit nucleic Tiên Bác (Tianbo) gần Lối ra A của Ga tàu điện ngầm Tiểu Trại, Tây An, màn hình hiển thị cho thấy xét nghiệm axit nucleic cúm dòng A và B đã được thực hiện, có 2 người dân mang theo con đang xếp hàng. Sau khi quét mã QR của ứng dụng kiểm tra Thiên Bác, có 4 mục kiểm tra xuất hiện, 59 nhân dân tệ cho xét nghiệm axit nucleic cúm A, 89 nhân dân tệ cho xét nghiệm axit nucleic cúm A và B, 25 nhân dân tệ cho xét nghiệm kháng thể COVID-19 và 13 nhân dân tệ cho lấy riêng lẻ mẫu xét nghiệm axit nucleic mới.

Theo một nhân viên, sau Tết âm lịch mới có thêm xét nghiệm axit nucleic cúm A và B. Gần đây, số lượng người xét nghiệm tương đối nhiều hơn, chủ yếu là trẻ em và thanh niên, xét nghiệm cúm A và cúm B là xét nghiệm riêng từng ống một, khác với thuốc thử COVID-19, nên giá cũng khác nhau. Thông thường, báo cáo thử nghiệm sẽ được đưa ra trong vòng 12 giờ, có thể xem trực tiếp trong qua ứng dụng điện thoại.

Bên cạnh quầy xét nghiệm axit nucleic gần Lối ra B của Ga tàu điện ngầm Diên Hưng Môn (Yanxingmen) ở Tây An, cũng có một máy bán thuốc thử xét nghiệm cúm A tự phục vụ. Máy nhắc nhở người nào cần làm xét nghiệm axit nucleic cúm A, gồm những người có triệu chứng cảm mạo như sốt cao, ho, chảy nước mũi, đau cơ bắp; người bệnh mắc COVID-19 sau một tuần vẫn sốt, ho; nhóm người có khả năng miễn dịch kém như người già và trẻ em; người mắc các bệnh mãn tính như gan, thận và tim; nhân viên y tế, những người thường xuyên tiếp xúc với bệnh cúm.